Thứ Tư, 03/06/2015, 04:56 (GMT+7)
.

Triển khai nhiều giải pháp để hàng Việt tiếp tục được tin dùng

Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để Cuộc vận động tiếp tục có sức lan tỏa sâu rộng vẫn đang cần thực hiện nhiều giải pháp với sự cộng hưởng từ nhiều phía.

Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp được áp dụng trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan. Hiện hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong hệ thống cửa hàng, siêu thị; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối, đặc biệt là đưa hàng Việt Nam về chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tại Tiền Giang, đã có 85% sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được bày bán tại các chợ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, siêu thị...

Người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt (ảnh chụp tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở TP. Mỹ Tho năm 2014).
Người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt (ảnh chụp tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở TP. Mỹ Tho năm 2014).

Riêng đối với doanh nghiệp (DN), Cuộc vận động đã có 3 tác động rõ ràng. Trước hết, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng; tạo suy nghĩ hàng Việt Nam cũng có nhiều hàng chất lượng, giá cả hợp lý. Thứ hai, giúp DN sản xuất, kinh doanh ngày càng tự ý thức, cải thiện để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thứ ba, Cuộc vận động cũng góp phần tạo điều kiện cho hệ thống phân phối, đặc biệt hệ thống phân phối hàng Việt Nam có cơ hội tăng trưởng, phát triển.

Còn người tiêu dùng cũng đã nhận thức tốt hơn về hàng Việt. Theo đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có bước chuyển biến đáng kể, đó là xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Cuộc vận động cho đến thời điểm này, chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng DN, nhà quản lý, cũng như toàn xã hội.

Bên cạnh đó, với vai trò quản lý Nhà nước, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã không ngừng nỗ lực thực hiện sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản về cơ chế, chính sách liên quan để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN, nhà sản xuất; đồng thời tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh lành mạnh của thị trường nội địa để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, hỗ trợ cho các DN, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạm trữ hàng hóa, thực hiện chương trình bình ổn giá; đồng thời thực hiện cơ chế hỗ trợ, vận động DN tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. UBND tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các quy định của Trung ương về dùng hàng Việt trong mua sắm công.

Thông qua các nguồn quỹ như: Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ; Quỹ Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch; Quỹ Khuyến công, UBND tỉnh đã hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới các quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các DN cũng đã tiến hành khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối... để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đang gây khó khăn trong việc thực hiện Cuộc vận động như: Hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường đang làm giảm uy tín hàng Việt Nam có chất lượng; đồng thời gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân. Dân cư vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao với giá cả hợp lý. Một số DN chưa chú trọng, quan tâm đến nhu cầu thị trường nội địa, phát triển các kênh phân phối chưa rộng...

Cùng với đó là hiện nay diễn biến thị trường thay đổi rất nhanh, các DN nước ngoài cũng rất nhanh nhạy đưa ra nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Trước làn sóng ồ ạt của hàng ngoại thì sức hút nào để người Việt tiếp tục xem hàng Việt là lựa chọn ưu tiên để mua sắm và tiêu dùng?

Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Công thương cho thấy: Hơn 70% số người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam. Điều quan trọng tới đây của DN là xây dựng một kênh phân phối hàng Việt ổn định ở những địa bàn nông thôn. DN sẽ phải là đối tượng chủ động quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã để người dân thấy được tính năng ưu việt của hàng Việt; đồng thời tập trung phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ để người dân có thể mua sản phẩm chất lượng với giá hợp lý.

Riêng Tiền Giang cũng đã đề ra nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng DN, nhà quản lý cũng như toàn thể xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân thay đổi trong hành vi mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Cũng như ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã từng cho rằng: Nếu mỗi người dân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều quan tâm, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng DN và cả người tiêu dùng về trước mắt cũng như lâu dài.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.