Vụ lúa hè thu ở các huyện, thị phía Đông: Nông dân chờ mưa
Thời tiết không thuận lợi, nguồn nước hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống, cũng như sinh trưởng của cây lúa đầu vụ hè thu ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh (thuộc vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công), càng tăng thêm áp lực lên nông dân sản xuất vụ lúa được xem là khó khăn nhất của năm.
Điều chỉnh lịch thời vụ theo thời tiết
Chúng tôi về vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công trong những ngày cuối tháng 5 khi phần lớn diện tích sản xuất lúa ở đây vẫn chưa thể xuống giống vụ hè thu. Nhiều cánh đồng vẫn còn khô nứt nẻ. Một số cánh đồng khác, nông dân đang tất bật làm đất. Diện tích xuống giống chỉ tập trung ở những cánh đồng gần các kinh lớn, chân ruộng thấp.
Anh Phan Văn Triều, ấp Phú Quý (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) đang làm đất để chuẩn bị xuống giống cho biết: “Mọi năm thời điểm này mưa đã nhiều rồi, nhưng năm nay chỉ có một đám mưa nhỏ. Trong khi đó, ban ngày nắng gay gắt, chất lượng nước dưới kinh cũng không tốt như mọi năm nên nhiều nông dân không dám xuống giống. Những diện tích đã xuống giống lúa phát triển rất chậm và bị chết lỏm chỏm do bị xì phèn”.
Nông dân trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đang tập trung xuống giống vụ lúa hè thu. |
Anh Triều cho biết, 4 công ruộng của anh ở ấp Phú Quý đã xuống giống cách nay 1 tuần, lúa cũng bị chết khoảng 20%. Anh còn 5 công ruộng ở ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh đang chuẩn bị xuống giống. “Dù hiện nay điều kiện nước, thời tiết chưa thuận lợi, nhưng mọi người xung quanh đều xuống giống, mình cũng phải làm theo” - anh Triều bày tỏ.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, đến ngày 27-5, toàn huyện chỉ xuống giống được khoảng 5.000 ha trong tổng số trên 10.000 ha sản xuất lúa trên địa bàn. Số diện tích chưa xuống giống chủ yếu ở các xã phía Bắc Quốc lộ 50.
Hiện nay, nông dân đang tập trung xuống giống, phấn đấu đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, toàn huyện xuống giống khoảng 80% diện tích. 20% diện tích còn lại (2.000 ha) nằm ở các khu vực khó khăn về nguồn nước, chân ruộng cao, tập trung ở các xã Đồng Sơn, Bình Phú và một phần của xã Bình Tân. Nếu trong những ngày tới trời tiếp tục nắng nóng, không mưa và cống Vàm Giồng chưa thể lấy nước thì những khu vực này sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuống giống.
Tại Gò Công Đông, huyện cuối nguồn của vùng ngọt hóa, tiến độ xuống giống còn chậm hơn. Đến những ngày cuối tháng 5, toàn huyện chỉ xuống giống 1.200 ha/11.200 ha lúa. Ông Nguyễn Văn Quí, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, do nắng nóng kéo dài, mưa chỉ xuất hiện rải rác cục bộ một vài nơi nên diện tích xuống giống chủ yếu tập trung ở những nơi có nguồn nước tốt. Với tình hình này, khả năng phải đến ngày 10-6 huyện mới có thể hoàn tất việc xuống giống.
Dự báo trước những bất lợi về thời tiết trong thời gian đầu của vụ hè thu 2015 và chủ động chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa đầu tiên của năm ở khu vực Ngọt hóa Gò Công, lúc đầu Sở NN&PTNT đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống từ ngày 15 đến 25-5.
Tuy nhiên, qua nhận thấy thời tiết, nguồn nước không thuận lợi cho việc xuống giống trong vùng dự án, kết hợp với các dự báo về mùa mưa năm nay, ngành NN&PTNT đã kéo dài lịch xuống giống trong vùng đến ngày 30-5.
Tiếp sau đó, do nắng nóng và nhiệt độ cao vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; nguồn nước cung cấp cho vùng dự án chỉ lấy được qua cống Xuân Hòa nên rất hạn chế, ngày 11-5, Sở NN&PTNT tiếp tục có văn bản điều chỉnh lịch thời vụ hè thu năm 2015 ở các huyện phía Đông theo hướng:
Khi có mưa và cống Vàm Giồng lấy được nước, ngành sẽ có lịch hướng dẫn cụ thể và đề nghị các địa phương chỉ đạo, điều hành linh hoạt đối với sản xuất vụ lúa này. Thực hiện chỉ đạo này, ngành Nông nghiệp các địa phương khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống khi có mưa hoặc ở những khu vực mà điều kiện sản xuất lúa cho phép.
Thêm áp lực cho nông dân
Vụ lúa hè thu ở các huyện, thị phía Đông vốn rất khó khăn về điều kiện sản xuất do đầu vụ nguồn nước hạn chế, ít mưa, chất lượng nước không được tốt… làm cho chi phí bơm nước tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Năng suất, chất lượng lúa ở vụ này thường cũng không cao (do thu hoạch trong mùa mưa). Thế nhưng, vụ hè thu năm nay tình hình càng khó khăn hơn và được xem là khó khăn nhất trong vài năm trở lại đây. Nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến trễ đã làm cho vụ hè thu xuống giống muộn. Mặt khác, diễn biến thời tiết bất lợi như nắng nóng, mưa trễ và ít vào đầu vụ cùng với nguồn nước và chất lượng nước hạn chế trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT Gò Công Tây cho biết, do hiện nay toàn vùng chỉ có cống Xuân Hòa lấy nước vào vùng dự án nên nguồn nước rất hạn chế. Nếu như thời gian tới nắng nóng tiếp tục kéo dài, trời không mưa hoặc mưa ít, cống Vàm Giồng vẫn chưa thể lấy nước, nguồn nước sẽ khó có thể bảo đảm khi trong vùng xuống giống tập trung vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Trước tình hình này, huyện đã có kế hoạch bơm chuyền 2 cấp tạo nguồn cho những khu vực khó khăn về nước để xuống giống, bảo đảm cho những diện tích xuống giống muộn nhất trước ngày 10-6.
Huyện Gò Công Đông cũng đang phấn đấu hoàn thành diện tích xuống giống chậm nhất đến ngày 10-6. Dù theo các nhà chuyên môn, đây là giới hạn cuối cùng thời điểm xuống giống bảo đảm cho sản xuất 3 vụ lúa an toàn trước mùa xâm nhập mặn năm 2016, nhưng áp lực căng thẳng cho lịch thời vụ của 2 vụ kế tiếp là khó tránh khỏi.
Trước tình hình thời tiết không thuận lợi cho xuống giống vụ hè thu và khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa thu đông, đông xuân tiếp theo, Sở NN&PTNT đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, các địa phương tích cực tập trung nạo vét kinh, mương, kiểm tra các cống lấy nước; tập trung gieo sạ vụ hè thu này trong thời gian từ 5 - 7 ngày khi lịch thời vụ công bố; sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày.
Đối với các vụ tiếp theo, các địa phương khẩn trương xuống giống sau khi thu hoạch mỗi vụ; những vùng cuối nguồn cần chủ động bố trí lịch thời vụ bảo đảm lúa cắt nước trước ngày 15-3-2016. Trong tình hình mưa bắt đầu từ cuối tháng 6, ngành Nông nghiệp địa phương cần khuyến cáo nông dân luân canh cây màu phù hợp (như bắp ăn, dưa gang, đậu nành và trên cơ sở bảo đảm kỹ thuật trồng, thị trường tiêu thụ) ở những nơi chân ruộng cao, khó khăn về bơm nước theo hướng: Màu ở vụ hè thu - lúa ở vụ thu đông và đông xuân.
N.VĂN