Các huyện, thị phía Tây: Thắc thỏm với tình trạng sạt lở
Các huyện, thị phía Tây của tỉnh có mạng lưới kinh, rạch chằng chịt không những giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, còn có vai trò rất lớn trong việc dẫn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân và thoát nước vào mùa lũ. Thế nhưng, gần đây tình trạng sạt lở dọc bờ sông, kinh, rạch trong vùng diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Giải pháp căn cơ cho vấn đề này đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm
Nhiều ngày qua, hộ ông Nguyễn Thanh Hải và những hộ dân lân cận sống dọc kinh số 6, thuộc ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông vô cùng lo lắng vì bờ kinh bị sạt lở dài đến 36 m, rộng 5 m, sâu 5 m. Theo người dân ở đây, điểm sạt lở này đã và đang gây rất nhiều khó khăn đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Trong khi đó, từ đầu mùa mưa đến nay, tại xã Tân Thanh cũng đã xuất hiện 2 điểm sạt lở lớn: 1 điểm tại bờ đê sông Cái Lớn thuộc ấp 2, dài 70 m, rộng 5 m, sâu 4 m và 1 điểm tại bờ rạch Mít thuộc ấp 1, dài 50 m, rộng 3,5 m, sâu 4 m.
Đây là 3 trong 9 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch phát sinh trong thời gian gần đây ở các xã: Đông Hòa Hiệp, Tân Thanh, Hòa Hưng, Mỹ Đức Đông, Hậu Thành, Tân Hưng của huyện Cái Bè. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) huyện, trong số 9 điểm sạt lở phát sinh mới này có 6 điểm sạt lở lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực phía Tây của tỉnh đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nguy hiểm. |
Trong khi đó, qua khảo sát vào tháng 5-2015 ở Châu Thành, ngành Nông nghiệp huyện đã ghi nhận tổng cộng 43 điểm sạt lở trên địa bàn ở 11 kinh với tổng chiều dài 1.309 m. Trong đó, có những tuyến sông, kinh xảy ra sạt lở nhiều điểm, sạt lở thành đoạn rất dài như Rạch Gầm sạt lở 11 điểm với tổng chiều dài 336 m; kinh Cầu Chùa 9 điểm với chiều dài 243 m, hay tuyến kinh 26 - 3 chỉ sạt lở 1 điểm nhưng chiều dài lên đến 300 m...
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, năm nay xảy ra sạt lở nhiều hơn năm rồi, tập trung ở các đê bảo vệ vùng cây ăn trái thuộc các xã phía Nam lộ.
Còn tại huyện Cai Lậy, theo những ghi nhận từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, nhỏ, nhất là dọc bờ sông Trà Tân với điểm sạt lở có nơi dài trên 20 m, làm mất đường dal. Ngay cả tại TP. Mỹ Tho cũng đang xảy ra một số điểm sạt lở dọc bờ sông Bảo Định và khu vực gần cống Gò Cát.
Phân cấp quản lý
Theo BCH PCTT & TKCN huyện Cái Bè, huyện có 9 điểm sạt lở mới phát sinh cần phải xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và kết hợp ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới. Trong đó, có 6 điểm sạt lở lớn với kinh phí xử lý trên 3,3 tỷ đồng, vượt quá khả năng của địa phương, huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ để xử lý; 3 điểm sạt lở còn lại sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện để xử lý.
Còn hiện nay, huyện Châu Thành đã có kế hoạch phân cấp quản lý, sửa chữa, nâng cấp các điểm sạt lở theo quy mô và mức độ sạt lở. Theo đó, huyện sử dụng nguồn vốn hỗ trợ xử lý sạt lở của tỉnh gần 1 tỷ đồng để thi công 3 điểm sạt lở với chiều dài 417 m; sử dụng nguồn vốn dự phòng huyện trên 500 triệu đồng để thi công 11 điểm sạt lở với chiều dài 129 m; sử dụng nguồn vốn dự phòng xã và nhân dân đóng góp trên 340 triệu đồng xử lý 29 điểm sạt lở với chiều dài 696 m.
Trong khi đó, huyện Cai Lậy đang đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát các điểm sạt lở phát sinh trên địa bàn trong thời gian qua để có hướng xử lý.
Trao đổi về tình hình sạt lở trong thời gian qua, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng BCH PCTT & TKCN tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, những năm qua sạt lở xảy ra rất nhiều. Trong những tháng qua của năm 2015, dù chưa có thống kê đầy đủ về sạt lở ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh nhưng theo báo cáo mới nhất của một số địa phương cho thấy tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân là do hệ thống đê trên địa bàn rất dài, khoảng 2.000 km. Từ khi hình thành đê đến nay trải qua rất nhiều năm nhưng không được bồi đắp, nâng cấp thường xuyên dẫn đến nhiều nơi bị xuống cấp, sạt lở.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh đã cấp cho huyện Cái Bè 8,8 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn trong năm 2014 (xử lý bằng dời đê 7 tỷ đồng và xử lý không dời đê 1,8 tỷ đồng). Đến nay, huyện đã xử lý cơ bản xong. |
Mặt khác, do kinh phí hạn chế, việc xử lý sạt lở chỉ mang tính tạm thời nên dễ tái sạt lở sau thời gian xử lý, cộng với sạt lở mới phát sinh làm cho tình trạng sạt lở phức tạp hơn.
Ngoài ra, hành lang bảo vệ đê nhiều nơi không bảo đảm; dân cư ngày càng đông, gắn với sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn làm tăng gia tải lên đê, cùng với dòng chảy bị thay đổi theo thời gian… đã làm cho tình trạng sạt lở ngày càng tăng.
Để chủ động trong phòng, xử lý sạt lở, tỉnh đã phân cấp xử lý sạt lở cho các địa phương. Theo đó, các địa phương chủ động trong việc phòng, phát hiện, xử lý và phân cấp cho các xã xử lý (tùy theo mức độ sạt lở). Song, đối với những điểm sạt lở lớn, vượt quá khả năng của địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xử lý.
Tuy vậy, do sạt lở nhiều, vốn ngân sách hạn chế nên tỉnh chỉ xử lý những điểm sạt lở gây bức xức, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, đe dọa tính mạng người dân và việc xử lý cũng chỉ mang tính tạm thời, tình thế, thậm chí dời đê đã không thể hạn chế được vấn nạn này.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 2 cuộc hội thảo bàn về giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống sạt lở. Thế nhưng, đến nay tỉnh vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào hiệu quả để thực hiện. Để hạn chế tình trạng sạt lở này, theo ông Pháp, giải pháp trước mắt và quan trọng nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ dân trong công tác phòng, chống sạt lở trên địa bàn; khuyến cáo người dân tự bảo vệ đầu khu đất, đầu bờ, đầu vườn nhà có nguy cơ sạt lở.
Về lâu dài, cần có kế hoạch về huy động nguồn vốn, kết hợp những giải pháp kỹ thuật hiệu quả, cùng với cộng đồng trách nhiệm của người dân mới có khả năng hạn chế được vấn nạn này.
N.VĂN