Thứ Hai, 06/07/2015, 14:46 (GMT+7)
.

Du lịch ĐBSCL: Tiềm năng và thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không những là vùng nông sản trù phú, mà còn giàu tiềm năng trong phát triển du lịch; đồng thời là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm  2030. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch vùng ĐBSCL chưa được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả. Do đó, việc nhận diện đúng đắn thực trạng, thách thức và phát triển bền vững du lịch ĐBSCL đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, song du lịch vùng ĐBSCL nhiều năm nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đứng trước nhiều thách thức.

Khách du lịch thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử ở cù lao Thới Sơn. Ảnh: NC
Khách du lịch thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử ở cù lao Thới Sơn. Ảnh: NC

Tiềm năng lớn về du lịch

ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.

Du lịch miền Tây Nam bộ còn làm say lòng du khách với một phần biển, đảo đặc thù có một không hai của đất nước. Đó là những nơi vừa tiếp giáp biển Đông, nối liền biển Tây với “Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau”; “Hà Tiên thập cảnh” được ví là Hội An miền Tây; đảo ngọc Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam... tạo nên sức quyến rũ khó cưỡng lại của du lịch ĐBSCL - vùng được nhiều tổ chức, tạp chí quốc tế bình chọn, xếp hạng vào nhóm “những thắng cảnh du lịch hấp dẫn nhất thế giới”.

Với vị trí địa lý là nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, con sông lớn nhất Đông Nam Á, ĐBSCL có diện tích tự nhiên 40.000 km2, bằng 5,6% diện tích của lưu vực, với mạng lưới sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, được mệnh danh là “thế giới sông nước” (Water World). Từ lâu loại hình du lịch bằng tàu, ghe len lỏi vào sâu trong các kinh rạch, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước cũng rất hấp dẫn du khách khi đến với ĐBSCL.

Với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hòa, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt cùng nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng và là kho tàng văn hóa giàu bản sắc. Du lịch ĐBSCL còn có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP. Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; đồng thời có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái miệt vườn; nghiên cứu - nghỉ dưỡng; văn hóa - lễ hội, tâm linh đến du lịch biển, đảo chất lượng cao, du lịch mạo hiểm...

Thực trạng và thách thức đối với du lịch ĐBSCL

Trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và một số nghiên cứu khoa học đã định hướng khá rõ về hệ thống sản phẩm và hình ảnh điểm đến vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển du lịch ĐBSCL vẫn chưa được như mong muốn.

Sản phẩm du lịch đưa du khách tham quan sông nước khá phổ biến ở vùng ĐBSCL.
Sản phẩm du lịch đưa du khách tham quan sông nước khá phổ biến ở vùng ĐBSCL.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành Du lịch, thực trạng phát triển của du lịch ĐBSCL không có gì thay đổi nhiều trong suốt thời gian từ năm 2006 đến nay. Điều đáng chú ý là trong suốt quãng thời gian đó, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL vẫn loay hoay với việc định hình đâu là sản phẩm du lịch đặc thù khi mà địa phương nào cũng có những sản phẩm gần giống nhau. Hầu hết các địa phương trong vùng đều dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có để phát triển du lịch.

Do vậy, các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào việc: Chở khách tham quan bằng tàu, thuyền; đưa khách tham quan miệt vườn; biểu diễn đờn ca tài tử; tham quan tìm hiểu tại các Vườn Quốc gia. Du khách chỉ cần đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng. Chính tình trạng trùng lắp về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái giữa các địa phương trong vùng diễn ra phổ biến đã làm giảm tính hấp dẫn của du lịch ĐBSCL.

Theo Tổng cục Du lịch, thời gian qua, hoạt động du lịch, phát triển du lịch vùng ĐBSCL khá sôi động, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn đạt trên 2 con số. Năm 2014, vùng ĐBSCL đã đón 22,4 triệu lượt khách, trong đó có 1,83 triệu lượt khách quốc tế, thu nhập du lịch đạt 6.360 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho xã hội, qua đó góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Ngoài sản phẩm du lịch bị trùng lắp, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng mà tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL” năm 2015 vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã chỉ rõ: Phát triển du lịch vùng ĐBSCL chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp.

Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch vùng là điểm yếu chung. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch ĐBSCL để phát triển bền vững là “3 điểm yếu”, là thách thức cần phải vượt qua, để tạo nên bứt phá cho du lịch “Đất Chín Rồng”.

Còn PGS. TS Phạm Trung Lương, công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì cho rằng: “Những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL đã được khai thác, nhưng hiện mới ở góc độ địa phương, chứ không phải góc nhìn của toàn vùng. Vấn đề liên kết giữa các vùng cũng đã được đặt ra từ lâu, nhưng không có “nhạc trưởng”, dẫn đến tình trạng khai thác sản phẩm du lịch chồng chéo nhau. Bây giờ cần phải điều chỉnh lại, để từng địa phương phát huy được thế mạnh của mình và liên kết các thế mạnh với nhau để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, tạo nên sức mạnh của cả vùng”.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ĐBSCL đang đối diện với những vấn đề về phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, phát triển bền vững du lịch vùng ĐBSCL cần hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường; giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng là vấn đề đặt ra hiện nay.

HỮU NGHỊ
(còn tiếp)

.
.
.