Thứ Tư, 22/07/2015, 17:05 (GMT+7)
.

Hội nghị tìm giải pháp sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công

Ngày 22-7, tại huyện Gò Công Đông, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Giải pháp sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công”. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Sở NN&PTNT cho biết, Dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công có diện tích tự nhiên 54.400 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên 41.000 ha bao gồm toàn bộ diện tích phía Đông kinh Chợ Gạo về phía biển thuộc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Gò Công và một phần của huyện Chợ Gạo.

Dự án được bắt đầu từ năm 1976 với mục tiêu ngăn mặn, triều cường; dẫn ngọt; cải thiện tiêu úng, xổ phèn kết hợp với cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, phát triển giao thông nông thôn và cải tạo môi trường khu vực.

Cống Xuân Hòa là một trong những công trình quan trọng của Dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công.
Cống Xuân Hòa là một trong những công trình quan trọng của Dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công.

Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành, diện tích gieo trồng lúa tăng lên rõ rệt, chuyển sản xuất từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ lúa ăn chắc, năng suất lúa tăng và phát triển bền vững từ 2,2 tấn/ha (1976) đến nay đạt hơn 5,6 tấn/ha, giúp cho nông dân tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất.

Theo tiến trình ngọt hóa, cơ cấu cây trồng được đa dạng hóa, giống địa phương dần được thay đổi, tập quán sản xuất cũng chuyển từ sạ khô lúa hè thu sang sạ mộng, sạ thưa, sử dụng lúa nguyên chủng, xác nhận.

Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, những khó khăn, thách thức cho sản xuất trong vùng Dự án đang được đặt ra, nhất là hạn, mặn có chiều hướng diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất lúa cũng như nước sinh hoạt cho dân cư.

Tại hội nghị, ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan, các nhà quản lý ở địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp công trình và phi công trình như nâng cao nhận thức công đồng trong bảo vệ nguồn nước; chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa; quy hoạch vùng sản xuất, thời vụ, cơ cấu giống thích hợp; thực hiện Dự án hoàn thiện Dự án ngọt hóa Gò Công; nạo vét kinh mương, nâng cấp hệ thống đê bao…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh hiệu quả mà Dự án mang lại đối với đời sống người dân trong vùng, thực tế sản xuất hiện nay đang bộc lộ những vấn đề bất cập cần có giải pháp kịp thời. Qua đó, ông yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người dân trong giữ gìn nguồn nước, những kết quả mà Dự án mang lại.

Ngành Nông nghiệp cần quy hoạch vùng sản xuất, chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng; phối hợp với các địa phương phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã; rà soát lại các công trình thủy lợi để kiến nghị UBND tỉnh cân đối vốn đầu tư; phối hợp với doanh nghiệp nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp cùng với sở, ngành liên quan tranh thủ các nguồn vốn để đề xuất tỉnh đầu tư, tháo gỡ khó khăn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiến tiến.

N.VĂN

.
.
.