Huyện Châu Thành: Khai thác lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Phát huy lợi thế là vùng trung tâm của tỉnh, huyện Châu Thành sẽ huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Trường tiểu học chuẩn Quốc gia của xã nông thôn mới Tân Hội Đông. |
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện (đã điều chỉnh) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển 3 vùng kinh tế của huyện:
Vùng 1 là khu vực Đông Bắc của huyện với chức năng chính là phát triển sản xuất công nghiệp (vai trò trung tâm là khu công nghiệp Tân Hương và cụm công nghiệp - dịch vụ Tân Lý Đông) và là trung tâm sản xuất, trung chuyển rau màu; phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục.
Vùng 2 là khu vực Tây Bắc của huyện với chức năng chính là phát triển sản xuất lúa chất lượng cao gắn với phát triển thương mại - dịch vụ ở xã Long Định. Vùng 3 là khu vực các xã phía Nam Quốc lộ 1A với chức năng chính là phát triển vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái và thương mại - dịch vụ ở các xã: Bình Đức, Song Thuận, Kim Sơn, Vĩnh Kim.
Ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách khuyến công để phát triển công nghiệp theo quy hoạch; phát huy hiệu quả Khu công nghiệp Tân Hương, Cụm công nghiệp Song Thuận; tiếp tục triển khai thực hiện Cụm công nghiệp Long Hưng, Tân Lý Đông; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản, chọn lựa công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động ở các doanh nghiệp và xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường; phát triển đi đôi với tăng cường quản lý kinh doanh nhà trọ để vừa phục vụ nhu cầu của người lao động, vừa bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn, mặt bằng, KH-KT, thông tin thị trường để phát triển Làng nghề Bàng buông Thân Cửu Nghĩa, dệt chiếu Long Định, thủ công mỹ nghệ Tân Lý Tây, Tân Lý Đông… Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ để vừa đáp ứng yêu cầu làng nghề, vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm các làng nghề phát triển vững chắc, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. |
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung các giải pháp khai thác lợi thế của huyện nằm trong vùng trung tâm kinh tế - đô thị của tỉnh; thuận lợi về giao thông - vận tải; là địa bàn có nhiều dự án phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hóa - xã hội; kết nối với sự phát triển lan tỏa của TP. Mỹ Tho, nhất là hợp tác khai thác khu vực Trung Lương - Tam Hiệp, gắn kết với hành lang kinh tế theo trục Quốc lộ 1A và trục nhánh nối vào đường cao tốc; tăng cường hợp tác, liên kết với các huyện giáp ranh để phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhau cùng phát triển.
Tiếp tục thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị để đến năm 2020 xây dựng thị trấn Tân Hiệp đạt đô thị loại IV, Vĩnh Kim, Long Định là đô thị loại V; sau năm 2020 đô thị huyện lỵ đặt tại Long Định; đồng thời xây dựng các thị tứ ở các xã: Song Thuận, Bình Đức, Dưỡng Điềm, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương, hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh để tạo điều kiện liên kết giữa các vùng với nhau.
Tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển đô thị Tân Hiệp đi đôi với phát triển đô thị ở các xã vùng Đông Bắc của huyện, khi có đủ điều kiện sẽ thành lập TX. Tân Hiệp theo định hướng quy hoạch của tỉnh.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ về yêu cầu xây dựng NTM; huy động mọi nguồn lực, xác định lộ trình cụ thể thực hiện từng tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã.
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; hỗ trợ phát triển sản xuất và đẩy mạnh đầu tư y tế, giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng… nhằm nâng cao đời sống của người dân, tạo sự chuyển biến mọi mặt của khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% xã cơ bản đạt chuẩn NTM và 50% xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
SƠN PHẠM