Huyện Châu Thành: Những điểm nhấn của chặng đường 5 năm
Trong nhiệm kỳ qua, các công trình, dự án trọng điểm như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Khu dân cư Tân Thạnh Hưng phải dừng hoặc chậm triển khai; Cụm công nghiệp (CCN) Tam Hiệp tỉnh công bố xóa quy hoạch; Trường Đại học Tiền Giang thay đổi quy hoạch; chủ trương tạm dừng quy hoạch mới khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Tuy nhiên, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 2010 - 2015 đều thực hiện đạt và vượt; kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập và đời sống của nhân dân tiếp tục nâng lên.
Một góc CCN Song Thuận. |
Theo Huyện ủy Châu Thành, trong nhiệm kỳ qua, diện tích canh tác lúa trên địa bàn còn 4.300 ha, giảm 890 ha so với đầu nhiệm kỳ do chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu theo Quyết định 1963/QĐ-UBND của UBND tỉnh; sản lượng lương thực bình quân hàng năm 79.968 tấn, đạt 105,22% chỉ tiêu nghị quyết (NQ).
Diện tích gieo trồng rau màu 12.724 ha, trong đó có 6.345 ha sản xuất theo hướng an toàn, sản lượng bình quân hàng năm 184.654 tấn, đạt 116,13%. Diện tích vườn cây ăn trái hiện có 11.388 ha (NQ 11.468 ha) với các loại cây trồng chính là vú sữa, sapô, dừa và cây có múi, sản lượng thu hoạch bình quân hàng năm 178.563 tấn, đạt 130,2% so chỉ tiêu NQ. Diện tích vú sữa 2.474 ha (NQ 5.000 ha), trong đó có 49 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (NQ 500 ha).
Trong những năm qua, huyện đã xác định sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện nên đã tập trung phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn như áp dụng theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP chưa hiệu quả, khó mở rộng thêm diện tích sản xuất; chưa xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình cánh đồng lớn thực hiện còn lúng túng; phát triển rau màu tuy đạt về diện tích và sản lượng nhưng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn gặp khó khăn; thực hiện Đề án phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đến năm 2015 của UBND tỉnh, Chương trình phát triển toàn diện cây vú sữa của Sở Khoa học và Công nghệ và Dự án đầu tư phát triển vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiệu quả chưa cao; sản xuất theo tiêu chuẩn Global/GAP gặp khó khăn về đầu tư kinh phí; diện tích vú sữa 5 năm qua giảm; các đơn vị kinh tế tập thể trên lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản hoạt động chưa hiệu quả, chưa làm cầu nối giữa nhà vườn với người bán lẻ, người tiêu dùng.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá so sánh năm 1994) bình quân hàng năm 12,94% (NQ 12,5 - 13%), trong đó khu vực I tăng 3,34% (NQ 3,8%), khu vực II tăng 19,98% (NQ 17,5%), khu vực III tăng 15,85% (NQ 16,3%). Cơ cấu kinh tế đến năm 2015, khu vực I chiếm 24,14% (NQ 28,3%); khu vực II chiếm 41% (NQ 41,5%); khu vực III chiếm 34,86% (NQ 30,2%). Theo giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010): Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 10,5%, trong đó khu vực I tăng 5,4%, khu vực II tăng 14,5%, khu vực III tăng 8,0%. Cơ cấu theo giá trị sản xuất đến năm 2015, khu vực I chiếm 28,2%; khu vực II chiếm 53,3%; khu vực III chiếm 18,5% (chưa tính KCN Tân Hương). Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 đạt 44,75 triệu đồng (NQ 35,4 triệu đồng), tương đương 2.051 USD. - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 9.254 tỷ đồng, đạt 105,45% chỉ tiêu NQ, trong đó đầu tư từ ngân sách huyện 164 tỷ đồng (NQ 115 tỷ đồng). - Sản lượng lương thực bình quân hàng năm 79.968 tấn, đạt 105,22% chỉ tiêu NQ. - Giá trị sản lượng công nghiệp địa phương đến năm 2015 là 2.106 tỷ đồng, đạt 131,62% chỉ tiêu NQ (theo giá so sánh năm 1994). |
Về chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại để nâng cao hiệu quả; tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh và phát triển đàn.
Đến năm 2015, đàn gia súc có 75.193 con (đạt 125,09% so chỉ tiêu NQ), trong đó đàn heo 57.013 con (đạt 107,57% so chỉ tiêu NQ), đàn bò 7.100 con, đàn dê 11.000, đàn gia cầm 750.132 con (đạt 100,01% so chỉ tiêu NQ).
Trong giai đoạn 2010 - 2015, công nghiệp huyện Châu Thành phát triển nhanh, KCN Tân Hương, CCN Song Thuận tiếp tục phát huy lợi thế, một số ngành nghề mới hình thành với quy mô ngày càng lớn, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; kết nối sự phát triển các KCN, CCN trong và ngoài địa bàn huyện để phát triển các hoạt động dịch vụ ở xã Tân Lý Tây, xã Tân Hương và cặp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Huyện hiện có 428 doanh nghiệp, 1.110 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho 60.000 lao động.
CCN Song Thuận và KCN Tân Hương có 39 doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm trên 54.500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 16,9%, giá trị sản xuất năm 2015 đạt 2.106 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với năm 2010, đạt 131,62% chỉ tiêu NQ.
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; CCN Tam Hiệp tỉnh đã xóa quy hoạch; CCN Long Hưng, CCN Tân Lý Đông chưa triển khai do chủ trương của Chính phủ tạm dừng quy hoạch, thành lập mới các KCN, CCN.
Quản lý Nhà nước theo quy hoạch còn lỏng lẻo dẫn đến phát triển công nghiệp chưa bền vững, ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở còn gây bức xúc; tình trạng tranh chấp lao động, vi phạm chế độ, chính sách dẫn đến ngừng việc tập thể còn xảy ra ở một số doanh nghiệp.
Trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo huyện đã tập trung lãnh đạo tháo gỡ khó khăn các làng nghề (LN), tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Toàn huyện hiện có 4 LN được tỉnh công nhận; ngoài ra đã xây dựng LN kim hoàn xã Tân Hương, LN chiếu cói xã Bình Đức (chưa được tỉnh công nhận).
Các LN đã tạo việc làm cho trên 4.300 lao động, hàng năm sản xuất và tiêu thụ trên 20 triệu sản phẩm, bình quân thu nhập mỗi lao động khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Do sản xuất chủ yếu bằng thủ công năng suất thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng nên các LN chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập người lao động thấp so với các ngành nghề khác.
Theo đánh giá của Huyện ủy Châu Thành, việc thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt kết quả đồng bộ, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ đều thực hiện đạt và vượt.
Bên cạnh những kết quả từ nông nghiệp và công nghiệp thì trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; trình độ chuyên môn của giáo viên, chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo; hoàn thành tốt các chỉ tiêu dạy nghề, giới thiệu việc làm, thoát nghèo; phong trào xây dựng đời sống văn hóa và rèn luyện sức khỏe được đẩy mạnh, sinh hoạt văn hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Công tác quân sự - quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được củng cố và phát triển rộng khắp.
Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên, phối hợp giữa các ngành nội chính ngày càng tốt hơn; công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung lãnh đạo và đạt kết quả tích cực.
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt; các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo của cấp ủy và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên; đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, nhất là sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; những hạn chế, yếu kém về xây dựng Đảng được tập trung sửa chữa, khắc phục; các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, giám sát nên đã chủ động phòng ngừa, kéo giảm tỷ lệ đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật (giảm 28,03% so nhiệm kỳ 2005 - 2010).
DUY SƠN