Liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL: Con đường tất yếu
Bài 1: Du lịch ĐBSCL - Tiềm năng và thách thức
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 7 vùng du lịch chiến lược của nước ta tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030. Việc ưu tiên phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ các giá trị truyền thống, đặc biệt là bảo vệ môi trường, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng du lịch. Hơn nữa, trong bối cảnh ĐBSCL chịu tác động từ biến đổi khí hậu thì du lịch xanh càng có vai trò quan trọng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững cho toàn vùng.
Sự cần thiết phát triển du lịch xanh ở ĐBSCL
Theo Tổng cục Du lịch, du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, là cách thức phát triển hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Hiện nay du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các đối tượng khách du lịch.
Với địa hình có nhiều sông ngòi, ĐBSCL đang có những lợi thế phát triển du lịch xanh. |
Theo đó, vùng ĐBSCL là khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh, với nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa lúa nước. Con người hòa đồng, thân thiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết. Đây còn là định hướng tiên quyết và quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của vùng ĐBSCL, hướng đến phát triển cho toàn vùng.
PGS. TS Phạm Trung Lương, công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cho rằng, thực tế việc phát triển du lịch xanh không phải chỉ có ý nghĩa với ĐBSCL mà còn có ý nghĩa trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Riêng ở ĐBSCL, một trong những nơi đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có ô nhiễm nước, tác động tới biến đổi khí hậu, nguồn nước biển dâng. Cho nên, việc phát triển các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với 3 định hướng phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL là sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch; hạn chế tác động của chất thải từ hoạt động phát triển du lịch và ưu tiên phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái… thì vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015, một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh cho rằng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng nếu không có đầu tư về trí tuệ, về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tài chính và công nghệ.
Do đó, tại Hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015 đã đi đến thống nhất Thông điệp về phát triển du lịch xanh hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Đó là Du lịch xanh vùng ĐBSCL “Sản phẩm xanh - Doanh nghiệp xanh - Cộng đồng xanh - Khách du lịch xanh”. Thông điệp được xác định là “kim chỉ nam” trong các hoạt động phát triển du lịch xanh của vùng ĐBSCL.
Theo Tổng cục Du lịch, Thông điệp mang một ý nghĩa to lớn trong việc truyền tải tinh thần về du lịch xanh, du lịch bền vững tới tất cả các bên liên quan trong hoạt động du lịch của vùng, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và đặc biệt là khách du lịch. Thông điệp là một chủ đề bao trùm, định hướng cho mọi hoạt động trong phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.
Con đường tất yếu
Hầu hết kết luận tại các hội thảo, hội nghị trong Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 đều có chung nhận định, liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL là con đường tất yếu. Với yêu cầu phát triển du lịch xanh thật sự hấp dẫn, tạo ra nhiều giá trị độc đáo, thì liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị du lịch và điều phối vùng đang là yêu cầu bức thiết.
Với một số giải pháp liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần tập trung thực hiện như: Tăng cường mối “liên kết dọc” giữa: Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp du lịch. Trong đó, nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng môi trường pháp lý cho hoạt động du lịch; nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ; doanh nghiệp triển khai các mô hình du lịch xanh phù hợp với đặc thù của địa phương và vùng.
Đẩy mạnh các hoạt động “liên kết ngang” giữa các địa phương trong phát triển các sản phẩm du lịch xanh đặc thù; xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu du lịch xanh, xây dựng bộ tiêu chí “Nhãn du lịch xanh ĐBSCL”; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng du lịch của vùng và ở một số khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch xanh...
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015, có 62 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh được các địa phương chọn lựa và giới thiệu, với tổng số vốn đầu tư 11.862 tỷ đồng và 714,9 triệu USD. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có 5 dự án, với tổng số vốn đầu tư 2.278 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực du lịch cho các địa phương là Cà Mau, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tiến hành ký kết đầu tư vốn tín dụng với các nhà đầu tư cho 3 dự án triển khai trong vùng ĐBSCL gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bầu tại Phú Quốc (Kiên Giang), với nguồn vốn giai đoạn 1 là 331 tỷ đồng; Dự án Khách sạn Milton Phú Quốc (Kiên Giang), với tổng nguồn vốn 600 tỷ đồng; Dự án mở rộng Làng Du lịch Mỹ Khánh (ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trong giai đoạn 1 là 50 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư tín dụng được ký kết tại hội nghị là 981 tỷ đồng. |
Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Tổng Cục Du lịch, tập trung vào 3 vấn đề có tính đột phá là: Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng trong phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Sớm thành lập Ban Chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban Chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch ĐBSCL để bảo đảm vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết phát triển du lịch toàn vùng theo các chương trình, đề án đã đề ra.
Kết nối thị trường du lịch, hình thành các cụm, ngành Du lịch dựa vào các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp Quốc gia trên cơ sở có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, hiệp hội du lịch, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông.
Cùng với đó, Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” cũng đã xác định 5 nội dung liên kết quan trọng, gồm:
Liên kết phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng thương hiệu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển hạ tầng du lịch; liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, quan trọng hơn nội dung liên kết là giải pháp tổ chức thực hiện và phối hợp triển khai đề án với lộ trình, bước đi sao cho phù hợp.
Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về du lịch xanh cùng với những nỗ lực chung trên cơ sở mối liên kết thực chất được thiết lập giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa ngành du lịch với các ngành liên quan, du lịch xanh ĐBSCL chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới, góp phần tích cực hơn vào sự phát triển chung của du lịch và kinh tế - xã hội, đặc biệt là đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
HỮU NGHỊ