Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Tiền Giang
Những năm gần đây, bên cạnh việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, lịch sử - văn hóa phục vụ khách du lịch, tỉnh ta tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch biển Tân Thành, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch Cái Bè; xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú, phát triển phương tiện vận chuyển khách du lịch và phát triển nguồn nhân lực… nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 đơn vị kinh doanh lữ hành (14 đơn vị lữ hành quốc tế); 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, 125 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; 24 khu, điểm du lịch chính; 14 làng nghề truyền thống; 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy (320 đò chèo); 234 cơ sở lưu trú du lịch; cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Lượng khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng, với tốc độ bình quân gần 10%. Năm 2014, Tiền Giang đón 1.426.000 lượt khách, trong đó có trên 500.000 lượt khách quốc tế.
Du khách tham quan cù lao Thới Sơn. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động du lịch Tiền Giang cũng còn những mặt hạn chế như: Cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển du lịch; việc xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, gần như chỉ dựa vào nguồn lợi từ thiên nhiên và văn hóa sẵn có để khai thác du lịch; năng lực cạnh tranh rất hạn chế...
Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, tuy đã có bước chuẩn bị tích cực, nhưng các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh ta cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Tình trạng cạnh tranh giảm giá giữa các doanh nghiệp chưa lành mạnh; chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà chưa đầu tư cho sự phát triển bền vững, lâu dài của các doanh nghiệp lữ hành; tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên du lịch chưa cao…, ảnh hưởng đến phát triển du lịch, vì chất lượng phục vụ phần lớn phụ thuộc vào lực lượng lao động này.
Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời, với đặc trưng chung là thừa nhận lẫn nhau về văn bằng của người lao động, trong đó có nghề du lịch. Đây sẽ là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành Du lịch giữa các nước ASEAN, cân bằng cung - cầu đối với các nghề du lịch.
Điều này có nghĩa là lao động của Việt Nam có thể sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại người lao động trong khối ASEAN có thể sang làm việc tại Việt Nam. Do đó, nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì sẽ thua ngay trên chính sân nhà, hậu quả sẽ có nhiều người mất việc làm.
Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có nhiều cơ hội thu hút lao động có tay nghề của Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa nếu doanh nghiệp du lịch trong nước, trong tỉnh không đổi mới, không phát triển để giữ chân người lao động có tay nghề thì sẽ mất đi nguồn chất xám có kỹ năng nghề trong nước; đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sẽ bị suy giảm.
Hiện nay, ngành Du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ là: Lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề (không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch). Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng, năm 2015 thỏa thuận chung sẽ được thực hiện và khi đó người lao động ở 32 chức danh nghề nêu trên sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn.
Như vậy, ngoài cơ hội tăng thêm năng lực khai thác khách du lịch, tiếp cận và học hỏi trình độ quản lý tiên tiến, kinh nghiệm khai thác, quảng bá, marketing du lịch của các doanh nghiệp lớn trên thế giới thì ngành Du lịch trong nước, trong tỉnh ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh từ các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài với năng lực tài chính mạnh.
Các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng sẽ chiếm lĩnh và bán các chương trình du lịch liên hoàn cho du khách quốc tế và đến tham quan ở Tiền Giang chỉ là một phần nhỏ trong tour trọn gói đi các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia… Hơn nữa, do khả năng tài chính dồi dào, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư khai thác luôn cả các điểm đến du lịch chứ không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ đưa khách du lịch đến Tiền Giang.
Cùng với việc mất thị trường du lịch, các doanh nghiệp cũng sẽ có khả năng mất nguồn nhân lực chất lượng cao do hiện tượng “chảy máu” chất xám, những người quản lý giỏi, hướng dẫn viên du lịch giỏi ở Tiền Giang dễ dàng bị thu hút về các công ty nước ngoài do mức thu nhập cao và điều kiện làm việc chuyên nghiệp hơn.
Như vậy, ngay từ lúc này các doanh nghiệp ở Tiền Giang muốn tồn tại và phát triển thì bên cạnh việc tích cực, chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, còn phải xây dựng được chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực du lịch và chính sách chất lượng sản phẩm; đồng thời có chiến lược kinh doanh phù hợp với môi trường kinh doanh trong hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
TẤN PHONG