Phấn đấu đưa Chợ Gạo trở thành vùng kinh tế-đô thị trung tâm của tỉnh
Huyện Chợ Gạo thuộc nhóm vùng kinh tế - đô thị trung tâm của tỉnh (gồm TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo). Nhiều năm nay, huyện được tập trung đầu tư phát triển dựa trên các lợi thế: Hệ thống giao thông thủy - bộ, các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.
Song song đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị của huyện luôn được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được tăng cường…
CƠ SỞ HẠ TẦNG VỮNG CHẮC
Hiện nay, ở huyện Chợ Gạo, hầu hết là những con đường nhựa hay bê tông, được xây dựng từ nhiều nguồn vốn: Trung ương, tỉnh, huyện, cấp xã và do nhân dân đóng góp. Tất cả các xã đều đã có đường cho ô tô đến được trung tâm xã; trên 80% các tuyến đường chính đã được nhựa hóa và trên 60% các tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.
Về hệ thống thủy lợi Bảo Định, hệ thống Ngọt hóa Gò Công và hệ thống cống trên toàn huyện cũng được đầu tư xây mới, nạo vét hoặc mở rộng. 5 năm qua, huyện đã xây dựng 25 cống thuộc hệ Xuân Hòa - Cầu Ngang; xây dựng công trình thủy lợi Bảo Định (kinh 20-7, rạch Ông Văn, kinh Nhỏ, kinh Ngang, kinh Miếu Điền, kinh Hóc Lựu) và 72 công trình thủy lợi khác phục vụ việc ngăn mặn, trữ ngọt, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp quanh năm cho bà con nông dân.
Đã có 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây mới 44 km đường điện trung thế và 12 trạm (trong đó có 20,27 km lưới trung thế phục vụ Dự án phát triển cây Thanh long); sửa chữa 51,87 km lưới điện trung thế; sửa chữa, cải tạo 200,62 km lưới hạ thế.
Đến nay, toàn huyện có 5 bưu cục, 14 điểm bưu điện văn hóa xã và 40 trạm thu, phát sóng của các mạng di động, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt. Huyện cũng đã thực hiện hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử trên các lĩnh vực và đưa vào hoạt động cổng Thông tin điện tử huyện, giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh chóng và thuận lợi…
PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỰA TRÊN LỢI THẾ VÙNG
Là một huyện thuần nông, được chia làm 2 vùng: Vùng thuộc hệ thống Ngọt hóa Gò Công (gồm các xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và thị trấn Chợ Gạo), chủ yếu sản xuất các loại lúa thơm phục vụ xuất khẩu, sản xuất rau màu và cũng là khu vực trồng tập trung các loại cây công nghiệp (dừa, ca cao…) và vùng thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (gồm các xã Hòa Tịnh, Phú Kiết, Lương Hòa Lạc, Trung Hòa, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Thanh Bình, Song Bình, Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình và Quơn Long) chuyên sản xuất nếp bè, trồng rau màu và là vùng trồng cây ăn trái tập trung (đặc biệt là thanh long).
Trong thời gian qua, huyện tập trung đầu tư và phát triển 2 loại cây thanh long và nếp bè - sản phẩm đặc trưng của huyện, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Để phát triển 2 loại sản phẩm này, huyện đã thành lập hợp tác xã để sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Các sản phẩm đang từng bước thâm nhập thị trường một số nước như: Đức, Nhật, Mỹ...
Để đáp ứng cho việc phát triển thương hiệu, sử dụng có hiệu quả lợi thế của nếp bè và thanh long, huyện đang triển khai Chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản; đồng thời tạo điều kiện để khai thác tốt các thương hiệu hàng hóa đã được công nhận.
Bên cạnh đó, cây lúa cũng được huyện duy trì sản xuất. Những năm gần đây, tuy diện tích lúa có giảm (do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng) nhưng sản lượng lương thực bình quân hàng năm của huyện vẫn khá cao (132.975 tấn, đạt 106,38% chỉ tiêu nghị quyết).
Ngoài ra, diện tích cây màu, vườn cây lâu năm vẫn được tập trung phát huy (diện tích cây màu hàng năm trên 11.700 ha, đạt 130% chỉ tiêu nghị quyết và diện tích cây lâu năm đạt 11.242 ha, sản lượng hàng năm trên 155.000 tấn).
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được huyện đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp, với quy mô trang trại vừa và nhỏ. Năm 2015, toàn huyện có 168 trang trại (93 trang trại nuôi heo và 75 trang trại nuôi gia cầm), nuôi trên 109.000 con heo (không tính heo sữa, đạt 97,3% chỉ tiêu nghị quyết), 40.508 con bò (đạt 106,6% chỉ tiêu nghị quyết) và trên 1,9 triệu con gia cầm (đạt 111,7% chỉ tiêu)...
Ngoài ra, toàn huyện còn có 685 ha mặt nước ao, mương vườn được nuôi thả cá, kết hợp mô hình VAC
(vườn - ao - chuồng), VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng), sản lượng hàng năm trên 4.300 tấn (đạt 110,2% chỉ tiêu nghị quyết).
Những năm gần đây, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện có bước phát triển khá, các công ty nước ngoài đến mở cơ sở sản xuất đã tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho một bộ phận lao động trên địa bàn.
Giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2015 là 905 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Giá trị sản xuất - kinh doanh hàng năm của huyện cũng tăng (bình quân 18,74%). Hoạt động kinh doanh không ngừng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân…
PHÁT HUY THẾ MẠNH TRONG NHIỆM KỲ MỚI
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo đánh giá: “Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Chợ Gạo luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để huyện triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ huyện đạt được những thành quả quan trọng. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so nghị quyết đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo định hướng; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện…”.
Trong thời gian tới, BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới tập trung lãnh đạo, tận dụng lợi thế của huyện nằm trong vùng kinh tế - đô thị trung tâm của tỉnh, khai thác lợi thế đường Cần Đước - Chợ Gạo và Dự án nâng cấp kinh Chợ Gạo để tiến hành quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, dịch vụ;
Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái; đầu tư xây dựng thị trấn Chợ Gạo đạt tiêu chí đô thị loại V; triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng để công nhận thị trấn Bến Tranh vào năm 2020 là thị trấn trung tâm của khu vực;
Quy hoạch mở rộng các khu thị tứ (các xã Thanh Bình, Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An, Quơn Long, Bình Phục Nhứt và Bình Ninh); tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thêm từ 5 - 7 xã cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện cả về trồng trọt và chăn nuôi; thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm đạt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành Dự án Bến chợ huyện, xây dựng chợ Bến Tranh và khu tái định cư xã Lương Hòa Lạc; thực hiện Quy hoạch phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đến năm 2020 trên địa bàn; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các chợ đạt tiêu chí nông thôn mới. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng hóa nông sản của địa phương đã được công nhận…
MINH CHÂU
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới - Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) bình quân hàng năm từ 11 - 12%. |