Thứ Sáu, 31/07/2015, 15:29 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo

Chiều 28-7, đoàn công tác Bộ Công thương do bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương làm trưởng đoàn đến làm việc với Sở Công thương về tình hình kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo.

Các thương lái vận chuyển gạo về chợ gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Các thương lái vận chuyển gạo về chợ gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Cạnh tranh quyết liệt

Dưới góc nhìn tổng thể, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình hình XK gạo của Việt Nam liên tục gặp khó trong thời gian qua. Theo đó, trước đây gạo Việt Nam chỉ có những đối thủ cạnh tranh là Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Myanmar và Campuchia nổi lên là những nước đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và cũng đã từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khoảng 40% thị phần, nhưng từ đầu năm đến nay XK gạo sang thị trường này vẫn với xu hướng giảm. Bởi Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Do đó, việc XK gạo của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, số lượng hợp đồng của các doanh nghiệp (DN) giảm mạnh.

Ở khía cạnh khác, các nước XK gạo cũng đang cạnh tranh hết sức quyết liệt. Đặc biệt, Thái Lan và Ấn Độ với lượng tồn kho lớn nên áp lực giải phóng tồn kho, chính sách giảm giá để dành thị phần được đẩy mạnh. Ngoài ra, trước đây Thái Lan chủ yếu tập trung XK các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo thấp cấp gần như không quan tâm. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị phần gạo thấp cấp - thị phần gạo chủ yếu của Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến XK gạo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thị trường năm 2015 có nhiều thay đổi. XK gạo vào Trung Quốc sụt giảm. Khu vực châu Phi vẫn là thị trường XK gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (năm 2014, Việt Nam mất 60% thị phần tại thị trường này do gạo Thái Lan và Ấn Độ cạnh tranh). Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này do lợi thế giá cạnh tranh. Do đó, gạo Việt Nam cần tìm kiếm các thị trường XK mới để bù đắp cho sự sụt giảm tại các thị trường truyền thống...

  “Để tận dụng được các lợi thế như giá thấp, có nguồn cung gạo mới từ vụ hè thu, thu đông sắp tới, DN phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và mô hình liên kết, cánh đồng mẫu lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh XK gạo cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các DN cần có chiến lược XK trên cơ sở mở rộng thị trường mới, xuất khẩu theo nhu cầu thay vì chỉ bán sản phẩm hiện có với các thị trường truyền thống” - bà Phan Thị Diệu Hà nhận định.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Tình hình XK gạo cả nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nên các DN trên địa bàn tỉnh cũng không ngoại lệ. Theo Sở Công thương, tỉnh hiện có 4 DN XK gạo trực tiếp. Trong tình hình khó khăn chung của cả nước về XK gạo, một số DN của tỉnh còn chưa tìm được thị trường XK gạo trực tiếp hoặc số lượng XK trực tiếp còn ít mà chủ yếu là cung ứng XK theo hợp đồng tập trung. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2015, Tiền Giang XK đạt 82.009 tấn gạo, với kim ngạch XK đạt 36 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 29,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển gạo dự trữ phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Hưng.
Vận chuyển gạo dự trữ phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Hưng.

Tình hình kinh doanh XK gạo đã được các DN nêu lên với nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn. Ông Cao Minh Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Song Thuận cho rằng, DN đã bỏ ra số vốn rất lớn để thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh gạo, nếu buộc DN tiếp tục thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo như Quyết định 606 của Bộ Công thương thì DN càng gặp khó về vốn, vì ngân hàng vẫn đang đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện quyết định này.

Về XK gạo, DN đang gặp khó về đầu ra, trong đó có nguyên nhân do quy định giá sàn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra khiến DN không ký được hợp đồng. Do đó, ông Viễn cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét “cởi trói” cho DN XK gạo 2 vấn đề trên.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, đến thời điểm này, sản lượng XK gạo của DN cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường XK gạo năm nay rất hạn hẹp, lý do nhu cầu gạo của thế giới ít đi, kể cả Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam. Chính vì thế mà tình hình XK gạo của Việt Nam cũng chậm lại.

Bà Phan Thị Diệu Hà cho rằng, nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường cho XK gạo, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường gạo như: Rà soát phân tích tình hình XK gạo tại các thị trường; xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, điểm yếu, hạn chế để có những biện pháp đẩy mạnh XK gạo phù hợp nhằm phát triển thị trường XK gạo.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng nghiên cứu xây dựng các hoạt động xúc tiến XK gạo trong năm 2015 theo hướng củng cố, duy trì các thị trường trọng điểm, truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới tiềm năng; rà soát tình hình thực hiện, đánh giá, phân tích rõ các khó khăn, vướng mắc tại các thị trường tập trung, tận dụng các khả năng tiếp cận thị trường, thâm nhập vào các thị trường khó tính, đẩy mạnh XK thông qua các Hiệp định thương mại đã ký kết; đồng thời củng cố đội ngũ thương nhân XK gạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chế biến gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường gạo thế giới...

HỮU NGHỊ

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 DN được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo thời hạn 5 năm, trong đó có 5 DN có trụ sở chính ở ngoài tỉnh, với tổng sức chứa 63.337 tấn lúa và 88.310 tấn gạo. Thực hiện Quyết định 606/QĐ/BCT ngày 21-1-2015 của Bộ Công thương ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh XK gạo giai đoạn 2015 - 2020, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 3 DN triển khai thực hiện ký kết liên kết sản xuất tại các huyện của tỉnh với tổng diện tích 3.525 ha, chiếm 91,5% so với kế hoạch đề ra (3.850 ha cho năm 2015), với sản lượng 18.676,5 tấn (2 vụ đông xuân và xuân hè), chiếm 2,34% diện tích của vụ.

 

.
.
.