Bình Nhì ngày mới
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân được nâng lên là những dấu ấn rõ nét của xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã chỉ đạo điểm xây dựng NTM của tỉnh trên địa bàn Gò Công Tây giờ đây đã ghi tên mình vào xã thứ 7 đạt chuẩn NTM.
Sau 4 năm xây dựng NTM, 100% đường trục xã, liên xã của Bình Nhì đã được nhựa hóa. |
Trở về Bình Nhì trong những ngày đầu tháng 8 khi màu xanh của những trà lúa hè thu bao phủ khắp các cánh đồng. Những con đường trải nhựa, trải đan phẳng lì chạy dọc, ngang vào tận các xóm, ấp; xuyên qua các cánh đồng với nhộn nhịp người qua lại. Giờ đây, nông dân Bình Nhì đã có thể ra đồng, xuống ruộng bằng xe máy. Bác Huỳnh Văn Sáng (Năm Sáng), ấp Bình Đông Trung đang trên đường đi dự tiệc, nghe chúng tôi đến đã quay trở lại.
Thấy Bác Năm Sáng, anh cán bộ xã nhanh nhẩu giới thiệu: “Bác Năm là nông dân kỳ cựu ở đây”. Nói về sự đổi thay của quê hương sau 4 năm xây dựng NTM, Bác Năm hào hứng: “Con đường phía trước nhà của bác trước đây là con đê bằng đất. Sau đó, người dân cùng nhau trải đá để việc đi lại được thuận lợi hơn. Ấy thế mà giờ đây con đường Bắc Kinh Tham Thu này đã được trải nhựa rộng thênh thang, xe 4 bánh có thể vào tận ngõ. Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều tuyến đường được nâng cấp từ Chương trình xây dựng NTM.
Giờ đây, trên địa bàn xã, đường liên xã, liên ấp đều được nhựa hóa, bêtông hóa. Chỉ như thế thôi cũng đủ cho thấy Bình Nhì thay đổi như thế nào. Nhiều lúc bác nghĩ, nếu không có Chương trình xây dựng NTM thì làm gì Bình Nhì hôm nay có được như thế này”.
Thật vậy, cảm giác về Bình Nhì trong tôi hôm nay có gì đó rất khác. Trước mắt tôi, Bình Nhì như đang khoác lên mình chiếc áo mới, sáng sủa hơn, đẹp đẽ hơn. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói mọc lên bên những cánh đồng lúa, những ruộng rau màu xanh mướt tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn của xã điểm này nhiều gam màu sáng. Số liệu từ UBND xã cho thấy, hiện nay Bình Nhì không còn nhà tạm, nhà dột nát, chỉ còn 34 căn chưa đạt tiêu chuẩn “3 cứng”thôi.
Trong không khí vui mừng Bình Nhì về đích NTM, chắc hẳn trong ký ức của nhiều người vẫn chưa thể quên về hình ảnh những con đường đất lầy lội, trải đá bụi bay mịt mù mỗi khi có chiếc xe máy chạy qua cách đây chưa lâu. Đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, được chọn là 1 trong 10 xã điểm của tỉnh xây dựng NTM (sau đó 11 xã) là một vinh dự nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với xã.
Và việc đối mặt với những khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện là không thể tránh khỏi. Bởi xây dựng NTM là công việc quá mới mẻ, trong khi Bình Nhì có xuất phát điểm không cao, ngành nghề chưa phát triển, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hệ thống đường trục ấp, trục xã được cứng hóa chưa đến 50%; đường nội đồng, ngõ xóm chưa được đầu tư; lưới điện chưa bảo đảm…
Kết quả rà soát lúc ấy cho thấy, Bình Nhì chỉ đạt 7/19 tiêu chí, 12 tiêu chí còn lại chỉ mới đạt từ 30 - 60%. Thực hiện 12 tiêu chí còn lại với khối lượng công việc, nhu cầu nguồn vốn rất lớn nhưng thời gian thực hiện chỉ trong 4 năm là một áp lực không nhỏ.
Nhưng với quyết tâm xây dựng thành công mục tiêu đạt chuẩn NTM, xã đã ra sức vận động người dân hưởng ứng, tham gia chương trình và được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Đó là yếu tố quyết định cho việc Bình Nhì hoàn thành 19 tiêu chí NTM.
Bác Năm Sáng đi thăm đồng. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trong hoàn cảnh như thế, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Nhì xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM hiệu quả gắn với phát triển kinh tế làm mũi nhọn mang tính đột phá, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Để tạo bước đột phá về nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất quan trọng, là cơ sở để nâng cấp các tiêu chí khác và phát triển kinh tế - xã hội.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một mặt xã tranh thủ các nguồn vốn từ các ngành, các cấp; mặt khác ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ chương trình, nhất là hiến đất, vật kiến trúc làm đường giao thông nông thôn. Với cách làm trên, đến nay xã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; gần 100% đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, cứng hóa. Trường, lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp, bảo đảm cho công tác dạy và học.
Hiện nay, xã có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia và 1 trường trong quá trình xét công nhận đạt chuẩn yêu cầu này. Cơ sở vật chất y tế đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn của Quốc gia, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Còn chợ nông thôn Bình Nhì đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn sẽ trở thành nơi hoạt động thương mại nhộn nhịp của xã.
Nhưng làm gì thì làm, mục tiêu xây dựng NTM không ngoài yêu cầu chính là nâng cao đời sống của người dân. Việc quy hoạch vùng sản xuất, triển khai các mô hình, giải pháp để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững có ý nghĩa rất quan trọng đối với xã thuần nông như Bình Nhì.
Trời trưa nắng, tôi đứng trên con đường nhựa đưa mắt về những cánh đồng lúa xanh rì, bắt chuyện với một lão nông vừa đi ruộng về và được ông bộc bạch: “Bây giờ nông dân không còn sạ lúa dày, phun thuốc bảo vệ thực vật định kỳ như trước đây để giảm chi phí sản xuất. Vụ nào trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng phương pháp nào, kỹ thuật gì để giảm chi phí, tăng cao hiệu quả, nông dân tính toán kỹ lắm!”.
Ông cho biết, ông có 1,1 ha đất luân canh lúa - màu; nuôi thường xuyên 3 con heo nái và 18 con heo thịt, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Rồi ông tâm đắc: “Nhiều mô hình sản xuất gắn liên kết “4 nhà”, luân canh cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ra đời đã giúp nâng đời sống người dân lên đáng kể. Chỉ riêng khu vực xóm, ấp này, tôi thấy chỉ có vài hộ hơi khó khăn thôi, còn lại đều khá; nhà cửa đàng hoàng, gần như nhà nào cũng có hàng rào, cổng vào”.
Ngày 4-8, Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM của tỉnh đã đến thẩm tra hồ sơ, kết quả thực hiện 19 tiêu chí NTM của xã Bình Nhì. Kết quả, 15/15 phiếu đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh công nhận xã Bình Nhì đạt chuẩn NTM. |
Con số 106 ha sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng lớn kết hợp liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm; 100% diện tích sản xuất lúa được cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch trên địa bàn đã cho thấy sự hưởng ứng của người dân và khả năng nhân rộng mô hình, sức lan tỏa phong trào.
Rồi các mô hình sản xuất lúa giống, luân canh lúa - màu, ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất lúa, Chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; sản xuất cá giống, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học… cũng được triển khai thực hiện đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng nông sản.
Đâu chỉ có thế, xã cũng đã phối hợp các ngành, các cấp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, mở rộng mô hình tiểu, thủ công nghiệp (phát triển nghề đan lát, lục bình, thắt cườm, may công nghiệp…), đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
“Những mô hình, cách làm trên đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nếu thu nhập bình quân đầu người của xã vào năm 2011 chỉ 16 triệu đồng thì đến cuối năm 2014 đã tăng lên 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 3%, giảm 5,13% so với năm 2011” - ông Thanh phấn khởi cho biết.
N.VĂN