Thứ Sáu, 14/08/2015, 13:52 (GMT+7)
.

Chuyển động trong nhóm doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, thủy sản là mặt hàng xuất khẩu (XK) giảm mạnh nhất trong 7 tháng qua, chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17%. Đáng chú ý, cả 3 thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm rất mạnh. Kế đến là mặt hàng gạo cũng giảm đến 8,3% về giá trị… Đây là một trong những bài toán khó đã và đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Công bằng mà nói rằng, thời gian qua đã có những điểm sáng quan trọng liên quan đến nhiều nhóm ngành, đặc biệt là thông tin lạc quan từ các hiệp định thương mại vừa được ký kết. Đây sẽ là những cơ hội quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như XK.

Song ở từng nhóm ngành cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn nhất định. Việc sụt giảm của nhóm ngành thủy sản XK thời gian qua là một lời “cảnh báo” hàm chứa nhiều ý nghĩa, ngay cả đối với các nhóm ngành hàng khác. Và tất nhiên, lựa chọn lối đi riêng để thích ứng với xu thế chung là điều mà các DN cần lựa chọn.

Sản phẩm thủy sản GTGT.
Sản phẩm thủy sản GTGT.

Sự kiện Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) khởi công xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm giá trị gia tăng (GTGT) tại Khu công nghiệp An Hiệp (Bến Tre) vào sáng ngày 12-8, đã khẳng định một bước chuyển hướng quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của đơn vị này. Đây được xem là bước đi quan trọng, bởi sau hơn 10 năm tham gia ngành hàng thủy sản XK, sản phẩm GTGT của công ty chỉ chiếm từ 3 - 5% trong cơ cấu sản phẩm XK.

Việc đầu tư vào sản phẩm GTGT sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết bài toán khó khăn của ngành Thủy sản XK hiện nay nói chung và của GODACO nói riêng. Dự án có diện tích xây dựng 15.530 m2, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, với công suất 10.000 tấn thành phẩm các loại mỗi năm và được hoàn thành sau 10 tháng thi công.

Phân tích thêm về quyết định chuyển hướng SXKD lần này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, sau một thời gian dài ngành chế biến thủy sản nói chung và của GODACO nói riêng chỉ tăng trưởng chủ yếu dựa vào quy mô và XK sản phẩm thô, tức là chỉ tập trung đầu tư mở rộng nhà máy chế biến và chủ yếu XK theo dạng nguyên con hoặc fillet.

Tăng trưởng về quy mô chỉ mang tính nhất thời, chỉ có tăng về chất lượng và hàm lượng GTGT mới mang tính bền vững. Bởi tăng về quy mô có giới hạn, đến mức nào đó sẽ không tăng được nữa. Tuy nhiên, muốn đầu tư vào sản phẩm GTGT thì DN ít nhất phải lành mạnh về tài chính, phải tập trung đầu tư vào nguồn lực lao động có tay nghề cao, nghiên cứu tìm thị trường và làm ra các sản phẩm có tính khác biệt. Nói thì dễ nhưng làm rất khó.

Ai cũng có thể nói được nhưng không phải ai cũng làm được nhưng GODACO quyết tâm làm. Chỉ có thế mới mong phát triển bền vững được. “Theo đánh giá chung, hiện nay số lượng nhà máy chế biến trong ngành Thủy sản XK của Việt Nam rất lớn nhưng giá trị thực mang về hàng năm không cao, trong khi ở một số nước quy mô nhà máy rất nhỏ nhưng hàm lượng giá trị mang về rất lớn. Điều này chứng tỏ một điều là số vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả cao” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Áp lực trong SXKD không chỉ xảy ra đối với các nhóm ngành XK, ngay thị trường trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng đã và đang đặt ra nhiều bài toán khó đối với mỗi DN. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh tại Tiền Giang cho rằng, chi nhánh có nhiệm vụ cung cấp và kinh doanh xăng dầu, khí đốt và các sản phẩm dầu khí trực thuộc công ty cho các khách hàng là nhà phân phối, tổng đại lý và đại lý khu vực từ Long An đến Bắc sông Hậu.

Những năm qua, chi nhánh đã đạt được những thành tích tốt trong hoạt động SXKD. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh xăng dầu trong khu vực thời điểm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều đầu mối cạnh tranh và giá xăng dầu thế giới thay đổi liên tục đã ảnh hưởng đến việc duy trì ổn định hệ thống khách hàng.

Thị trường gas dân dụng trong khu vực có sự cạnh tranh cao của nhiều thương hiệu mới thâm nhập thị trường, làm cho sản phẩm gas SP có phần giảm dần, các thương hiệu khác đưa ra rất nhiều chính sách để thuyết phục, lôi kéo khách hàng. “Chi nhánh Saigon Petro đang cố gắng tìm các chính sách để duy trì và ổn định khách hàng trong khu vực” - ông Nguyễn Văn Khiêm cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù xuất hiện những điểm sáng nhưng tình hình SXKD của các DN vẫn còn hàm chứa nhiều khó khăn, kể cả rủi ro và diễn ra trên nhiều nhóm ngành, kể cả XK, chứ không chỉ trên nhóm ngành thủy sản hay gạo và cả kinh doanh nội địa.

Đặc biệt là trước những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ; tỷ giá; dầu mỏ… được dự báo sẽ tác động mạnh vào tình hình SXKD của các DN. Chưa kể những tác động ngược từ việc hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới mà Việt Nam đã và chuẩn bị cam kết thực hiện. Những yếu tố này sẽ tác động ngay vào tình hình hoạt động của mỗi ngành, lĩnh vực và từng DN. Do vậy, hơn bao giờ hết, mỗi DN cần xác định lối đi riêng biệt.

 

Nhận định về tình hình hoạt động của các DN trong thời gian tới, phát biểu tại Hội nghị tuyên dương hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế gần đây, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định rằng, từ đây đến cuối năm và những năm tiếp theo đối với DN chắc chắn sẽ còn một số khó khăn do Việt Nam tiếp tục hội nhập vào sân chơi chung của thế giới, nên dự báo một số khó khăn mới sẽ phát sinh. Trước những khó khăn như thế, Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách giúp đỡ cho các DN.

Trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng, trong đó có Thường trực UBND tỉnh, sẽ tiếp tục gặp gỡ, đối thoại bằng nhiều hình thức để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn của DN. “Tổ chức và cá nhân phải xem pháp luật là điều kiện “bất di bất dịch” trong quá trình tổ chức SXKD để đo, đếm, tổ chức thực hiện các hoạt động. Chỉ trên cơ sở thực hiện đúng pháp luật thì sự phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân mới bền vững và ngày càng tốt hơn trong thời kỳ hội nhập” - bà Trần Kim Mai nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

.
.
.