Thứ Sáu, 07/08/2015, 14:14 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ mô hình VAC

Lập gia đình năm 1992, được cha mẹ cho ra riêng với diện tích chỉ đủ cất nhà và 2 công vườn trồng dừa, thu nhập không được bao nhiêu, cuộc sống của gia đình trẻ Dương Tấn Sỉ, ấp Tân Lợi, xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) rất khó khăn.

Qua nghe đài, anh Sỉ thấy chăn nuôi heo không khó lại có tính “đột biến” về lợi nhuận. Thế là anh Sỉ sử dụng đồng tiền làm thuê mua một con heo về nuôi để nái. Sau khi đẻ lứa đầu tiên, heo bị sự cố nên phải bán đi. Không lâu sau đó, anh dành dụm được một ít tiền mua tiếp một con heo về để nái gầy đàn.

Nuôi được một thời gian, đàn heo bị bệnh lở mồm long móng phải tiêu hủy. Thế là lại đứt vốn. Quyết không đầu hàng cái khó, sau khi dịch lở mồm long móng qua đi, anh lại mua 2 con heo nái hậu bị để gầy đàn trở lại. Và từ 2 con heo nái hậu bị này mà anh phát triển đàn đến hôm nay.

Nhưng có heo nuôi rồi mà kỹ thuật về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên heo vẫn còn thiếu. Không để tái diễn tình trạng bị dịch bệnh như trước, anh lân la với các cán bộ kỹ thuật để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, liên hệ với các nhà thuốc thú y lớn để được bác sĩ thú y tư vấn điều trị, phòng trừ bệnh trên heo khi xảy ra. Được các anh, em trong Hội Nông dân xã khuyến khích, anh quyết định tham gia Hội.

Từ đó, anh Sỉ có điều kiện được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi heo. Hàng tháng, anh đều tham gia sinh hoạt Hội và tham dự đều đặn các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, được đưa đi tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả, trong đó có mô hình VAC phù hợp với gia đình mình.

 

Sau những chuyến đi, tiếp cận các mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh về nạo vét ao nuôi cá, kết hợp chăn nuôi 4 heo nái và 30 heo thịt. Từ nguồn thu nhập từ chăn nuôi heo, trồng dừa, nuôi cá, anh Sỉ có điều kiện phát triển đàn vật nuôi của mình. Thế là, năm 2014 anh quyết định mở rộng chuồng trại, phát triển đàn heo của mình; đồng thời nhận làm đại lý bán thức ăn để giảm chi phí trung gian khi mua qua đại lý bán thức ăn trong vùng.

Đến nay, đàn heo của anh có 30 con heo nái sinh sản, 300 con heo thịt luân phiên trong chuồng với trung bình mỗi năm xuất  bán từ 700 - 1.000 con heo thịt. Qua kinh nghiệm thực tế và được tập huấn kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, Trạm Thú y huyện, đến nay anh hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật gieo tinh heo, tiêm phòng, thực hiện sát trùng khử độc định kỳ, phòng ngừa và điều trị được nhiều loại bệnh trên heo, qua đó giảm đáng kể chi phí trong chăn nuôi.

Dù vậy, trong quá trình chăn nuôi, anh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là xử lý ô nhiễm môi trường, mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, anh đã xây dựng hầm khí sinh học xử lý nước thải, mùi hôi thối từ chăn nuôi; đồng thời tạo ra gas để dùng vào việc nấu ăn trong sinh hoạt hàng ngày. Số gas dư thừa anh dùng vào việc nấu nước màu dừa để bán.

Với số ga dư này, mỗi ngày anh nấu từ 4 - 5 lít nước màu dừa bán, trừ chí phí còn lời 300.000 đồng. Ngoài ra, anh còn sử dụng chất thải từ hầm khí sinh học của phân heo làm phân bón cho dừa thay thế phân hóa học. Nhờ vậy, vườn dừa cho trái rất tốt. Nhờ ứng dụng các kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng trừ tốt dịch bệnh, giữ vệ sinh chuồng trại, đã giảm rủi ro dịch bệnh cho đàn heo của mình đến mức thấp nhất.

Từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh nêu trên, thu nhập của gia đình không ngừng tăng lên. Cụ thể, tổng thu nhập năm 2014, sau khi trừ chi phí, anh còn thực lãi 520 triệu đồng. Qua tích lũy nhiều năm từ mô hình VAC, đến nay anh Sĩ đã mua thêm trên 4,5 công vườn dừa, mua sắm đầy đủ tiện nghi cho gia đình và lo cho 3 đứa con ăn học.

Không chỉ vượt khó, làm giàu cho gia đình, anh còn giúp nhiều hộ khó khăn, không có vốn có thể chăn nuôi theo mô hình VAC qua việc hỗ trợ con giống, thức ăn  không tính lãi (đến khi xuất chuồng bán heo mới trả vốn) và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh trên heo mà anh có được. Ngoài ra, anh còn  giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trong xóm, ấp vào dịp Tết  hàng năm trên 30 triệu đồng.

Với nghị lực, sự siêng năng làm ăn, ham học hỏi, anh Dương Tấn Sỉ đã vượt khó, vươn lên khá giàu bằng chính đôi tay, cách làm của mình ngay trên vùng đất khó, minh chứng cho một điều: “không sợ nghèo, chỉ sợ ngại khó, ngại khổ”.

NGÔ VĂN

.
.
.