Thứ Sáu, 07/08/2015, 15:50 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Đông: Tập trung phát triển công nghiệp địa phương

Huyện Gò Công Đông xác định phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm khai thác thế mạnh kinh tế biển; đồng thời xác định vai trò quan trọng của các lĩnh vực sản xuất, sử dụng nhiều lao động, các nghề truyền thống đã và đang phát huy hiệu quả phục vụ cho ngành Công nghiệp địa phương.

 Dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp nằm cạnh đường biển và đường bộ ở huyện Gò Công Đông.
Dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp nằm cạnh đường biển và đường bộ ở huyện Gò Công Đông.

Theo UBND huyện, nhiều ngành nghề được đầu tư theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tiến đến xuất khẩu như: Công ty TNHH Kim Tuấn đầu tư hệ thống sấy bột cá trên 7 tỷ đồng nhằm bảo đảm công suất 3.000 tấn/năm; doanh nghiệp tư nhân Châu Ngọc đầu tư thiết bị và nhà xưởng 9 tỷ đồng để hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền tự động chế biến bột cá công suất 4.000 tấn/năm; doanh nghiệp tư nhân Nam Tuyền đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nhà xưởng cho 400 công nhân và hệ thống xử lý nước thải 100 m3/ngày đêm nhằm bảo đảm yêu cầu của đối tác với hợp đồng 3.000 tấn sản phẩm thủy sản các loại.

Đặc biệt, Công ty TNHH Phú Đạt sản xuất lưới các loại phục vụ nuôi trồng thủy sản và trồng trọt xuất thẳng sang thị trường Nhật Bản, doanh số bình quân 5 triệu USD/năm; Công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Thắng xuất khẩu sang các nước châu Âu, doanh số bình quân 3 triệu USD/năm; dự án Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí với vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng đã đi vào hoạt động năm 2013; dự án may công nghiệp của Công ty TNHH Thiên Quang đã đầu tư hoàn chỉnh nhà xưởng với 500 công nhân và đã đi vào hoạt động; dự án nhà máy chế biến trái cây Nichirei Suco Việt Nam của Công ty TNHH Nichirei Suco đã xây dựng xong và đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp địa phương trong giai đoạn này trên 2.000 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, việc phát triển công nghiệp dọc theo tuyến biển của huyện có nhiều thuận lợi như: Quốc lộ 50 được đầu tư nâng cấp, cầu Mỹ Lợi hoàn thành trong năm 2015, tỉnh lộ 871B nối liền Quốc lộ 50 đến khu quy hoạch xây dựng công nghiệp Gò Công, luồng Soài Rạp đã được nạo vét thông tàu từ 30.000 - 50.000 tấn. Tỉnh cũng đang đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chuyển tải cấp nước cho các huyện phía Đông, lưới điện 5 pha sẵn sàng phục vụ…

Khu quy hoạch này sẽ là vùng đất tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều dự án đăng ký và được tỉnh thống nhất cho nghiên cứu như: Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí, dự án Tổng kho của Công ty cổ phần lọc dầu Nam Việt, dự án Kho cảng của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, dự án Cảng biển tổng hợp và Khu dịch vụ hậu cần cảng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Cửu Long Phú. 

Bên cạnh tiềm năng, cơ hội, sự phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa, công nghiệp địa phương còn nhiều thách thức như: Cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa nếu doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng và chống chọi lại sức ép của hàng ngoại nhập thì khả năng mất thị phần ngay chính “sân nhà” là có thể xảy ra; sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nước ngoài, rào cản thương mại, sự cạnh tranh quyết liệt của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng trọng điểm phía Nam về các chỉ số: Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Huyện Gò Công Đông xác định khi công nghiệp sản xuất quy mô lớn phát triển sẽ kéo thương mại, dịch vụ phát triển; đồng thời du lịch là điểm nhấn xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của huyện. Có như vậy, huyện biển mới đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

S.N

.
.
.