Khởi sắc hệ thống giao thông Tiền Giang
Sau ngày đất nước thống nhất, toàn tỉnh chỉ có Quốc lộ 4 (nay là QL.1A), liên tỉnh lộ 30 (nay là QL.30), liên tỉnh lộ 60 (nay là QL.60) và các liên tỉnh lộ 24 (nay là QL.50), liên tỉnh lộ 29 (nay là ĐT.868)... và một số tỉnh lộ 20, 25, 26... cùng các tuyến huyện lộ 01, 03, 04, 05,...31; đường Bình Phục Nhứt, Việt Hùng, Tân Hòa - Bình Ân, Dưỡng Điềm, Long Hưng, Thạnh Phú, Vĩnh Kim, Long Tiên - Ba Dừa, Bình Phú, Sông Cũ, Tân Hội, Giồng Tre, Phú An, Cổ Cò, Chợ Giồng, 23... với tổng chiều dài trên 600km và trên 155 cầu.
Hầu hết các đường đều hư hỏng nặng và xuống cấp trầm trọng, chỉ có QL.1A là đường nhựa, các cầu chủ yếu là cầu thép hoặc cầu được xây dựng từ thời Pháp như: Cầu Cai Lậy, Bà Lâm, Tân Hiệp (QL.1A)... và trên tỉnh lộ như: Cầu Sơn Quy, Tân Thành, Long Chánh, Cầu Chợ Phú Mỹ, Bến Tranh... và còn nhiều tuyến chưa có cầu, nên lưu thông rất khó khăn, người dân trong vùng sông nước và vùng cù lao phải đi lại, vận chuyển bằng ghe, xuồng, tàu đò là chính.
Khánh thành Cầu Chợ Gạo. Ảnh: Duy Sơn |
Đối với mạng lưới đường xã và đường nông thôn chỉ có trên 1.200km, nhưng hầu hết là đường đất, cỏ mọc hoang và chạy dọc theo các tuyến sông, kinh và đa số là cầu khỉ hoặc không có cầu... do đời sống người dân còn nhiều khó khăn và Nhà nước chưa có kinh phí đầu tư trong giai đoạn này.
40 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương, địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA, ADB, WB... đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng; từng bước đầu tư đồng bộ và kết nối với hệ thống giao thông cả nước.
Toàn tỉnh hiện có 398 tuyến với tổng chiều dài 1.483km (tăng gấp 2,5 lần), trong đó đường cao tốc dài 11km, 4 tuyến quốc lộ dài 137km, 29 tuyến đường tỉnh dài 433km, 364 tuyến đường huyện và đường nội thị dài 1.039km. Trong tương lai sẽ phát triển một số tuyến mới như: Cao tốc Trung Lương -
Cần Thơ, đường Cần Đước - Chợ Gạo, đường QL.1A tránh qua TX. Cai Lậy, ĐT.871B kết nối Khu công nghiệp Soài Rạp...
Về cầu trên QL, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị có 663 chiếc; một số cầu lớn đã được Bộ GTVT đầu tư xây dựng thay thế những bến phà lịch sử như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu và trong năm 2015 sẽ có cầu qua sông Soài Rạp thay cho phà Mỹ Lợi...
Ngoài ra, còn có một số cầu lớn như: Kinh Xáng, Hòa Khánh, Cổ Cò, An Hữu (QL. 1A); cầu Chợ Gạo, Sơn Quy (QL. 50) đã được xây mới; địa phương cũng xây dựng những cầu lớn như: Phú Mỹ, Quản Oai, Kinh 12, Kinh Hai, Phú Phong...
Với mạng lưới giao thông đường thủy, ngoài những sông, rạch tự nhiên đã có từ lâu, trong những năm 1978, tỉnh đã tập trung vào chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, ngọt hóa vùng phía Đông nên các kinh thủy lợi ngày càng nhiều hơn, góp phần tăng cường cho giao thông thủy khu vực phía Tây. Năm 1976 các tuyến sông, kinh có giao thông thủy khoảng 488km, đến năm 1995 đã đưa vào quản lý và khai thác 577km, gồm 3 tuyến đường thủy Trung ương như: Sông Tiền, sông Soài Rạp và kinh Chợ Gạo/177km; 27 tuyến đường thủy địa phương/400km và trên 806km kinh rạch khác có khả năng giao thông thủy cho vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 102 tuyến sông, kinh/1.062km (tăng 2,2 lần so với năm 1976), trong đó có 8 tuyến đường thủy Trung ương/254km (có 42km đoạn sông Tiền là luồng hàng hải); 38 tuyến cấp tỉnh quản lý/ 480km và 55 tuyến cấp huyện quản lý/328km. Ngoài ra còn có 721km kinh, rạch nội đồng có giao thông thủy cỡ nhỏ do xã quản lý, cùng với 284km kinh, rạch phục vụ thủy lợi ngọt hóa khu vực phía Đông. Giao thông thủy nội vùng đã kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ thông qua các sông lớn như sông Tiền, kinh Chợ Gạo, kinh Tháp Mười số 2 (kinh Nguyễn Văn Tiếp) đã tạo ra thế mạnh ngành Vận tải thủy tỉnh nhà trong vận chuyển lương thực, nông sản, thủy sản, nhất là vật liệu xây dựng... với khối lượng rất lớn, góp phần cho vận tải thủy phát triển mạnh mẽ; đồng thời mở ra những ngành nghề đóng tàu, sà lan, cùng các dịch vụ vận tải khách du lịch, chợ nổi trên sông có danh tiếng... |
Tuy nhiên, khởi sắc và làm thay đổi diện mạo của tỉnh chính là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT). Những năm qua, ngành Giao thông - Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chỉ thị và các văn bản phát động nhiều phong trào: “Trải vật liệu rắn mặt đường, xóa cầu khỉ”..., đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tạo điều kiện cho GTNT phát triển mạnh, có chất lượng hơn, nhiều cầu bê tông thay thế cầu gỗ...
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.900 Km đường nông thôn (tăng gấp 4 lần) và 2.350 cầu, hầu hết là đường bê tông hoặc nhựa, đã góp phần đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó đời sống, kinh tế, nhà ở của người dân nông thôn khá nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn trên 1.300km là đường đất dọc trên đê các sông, kinh ít dân cư thuộc các xã cù lao và vùng sâu của các huyện Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè chưa có điều kiện đầu tư sớm.
Với sự năng động và tích cực chăm lo đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ lãnh đạo tỉnh đến các huyện, thành, thị, cùng với sự tích cực của các đơn vị thi công công trình, quản lý các dự án, nhất là sự đóng góp công sức, kinh phí rất nhiều của nhân dân đã tạo cho bộ mặt giao thông tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Đặc biệt là thành quả trong xây dựng giao thông vùng Bắc Đông đã tạo bước đột phá, hình thành 1 đơn vị hành chính huyện Tân Phước (năm 1994) và vùng 6 xã cù lao Lợi Quan phía Đông hình thành huyện Tân Phú Đông (năm 2008), vùng ven biển tách thành huyện Gò Công Đông và vùng đô thị có thêm 2 thị xã: Gò Công (năm 1987) và Cai Lậy (năm 2014); đồng thời mở rộng TP. Mỹ Tho đạt đô thị loại 2 (năm 2005).
PHẠM HUỲNH