Ngọt hóa Gò Công là kế hoạch toàn diện
Để hiểu thêm về tầm vóc và ý nghĩa của chủ trương ngọt hóa vùng Gò Công cũng như Dự án ngọt hóa Gò Công (NHGC), phóng viên Báo Ấp Bắc đã ghi nhận ý kiến của ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Ông Huỳnh Văn Niềm cho biết:
Cánh đồng lúa trĩu hạt ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây ngày nay. |
Vấn đề NHGC không phải gói gọn trong kế hoạch của Dự án NHGC sau này. Bởi NHGC là ý định của Tỉnh ủy từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được làm từng bước; đến Dự án NHGC thì làm tập trung, mang tính quyết định. Kế hoạch thực hiện Dự án NHGC sau cùng được coi như là trận “quyết chiến chiến lược” để kết thúc vấn đề ngọt hóa khu vực Gò Công. Đây là dự án rất tập trung, để kết thúc vấn đề NHGC.
Sau ngày giải phóng tỉnh nhận thấy rằng giữa 2 vùng phía Đông và phía Tây của tỉnh thì vùng phía Đông tình hình sản xuất hơi ổn định hơn phía Tây, vì qua “bình định” của địch vấn đề sản xuất duy trì được, cuộc sống của người dân cũng không phải quá khó khăn như khu vực phía Tây. Nhưng khi đi sâu mới thấy rằng, sự phát triển của vùng Gò Công là khó vô cùng.
Tương lai muốn đưa Gò Công đi lên phải có những kế hoạch lớn, chứ không sẽ đến lúc gặp khó khăn. Bởi vì vùng này chỉ độc canh cây lúa, chỉ làm có 1 vụ, cuộc sống người dân cứ bị “giam hãm” trong tình trạng tự cấp tự túc rất nặng nề. Cho nên, vấn đề trọng tâm của Gò Công là phải chuyển từ kinh tế tự cấp tự túc sang nền kinh tế hàng hóa. Chuyển sang kinh tế hàng hóa như thế nào phải đưa lên sản xuất lớn, bước nối tiếp là công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, muốn đưa lên sản xuất lớn nhằm biến đổi Gò Công thì vấn đề lớn nhất là nước. Cái khó nhất của Gò Công là vấn đề nước chẳng những cho sinh hoạt mà còn cho sản xuất nông nghiệp và cả cho sản xuất công nghiệp. Cho nên việc đưa nước ngọt xuống Gò Công là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh.
Tuy nhiên, sau ngày giải phóng tỉnh phải làm theo sức của mình, dựa trên tình hình thực tế, dù có tham vọng. Lúc này chỉ có lao động thủ công, nguồn nước có nhưng rất xa; máy móc lúc này có viện trợ của Liên Xô nhưng cũng chỉ chút ít. Do vậy, việc đưa nước ngọt xuống Gò Công như thế nào là phải dựa vào sức mình là chính; đồng thời tranh thủ thêm bên ngoài nhưng cũng không phát huy nhiều do không đồng bộ.
Những yếu tố quyết định cho việc ngọt hóa vùng Gò Công là đắp đê biển từ xã Vàm Láng đến Tân Thành để ngăn nước mặn, do sau ngày giải phóng bị hư hại nặng; rồi làm cống Rạch Bùn. Thật ra, lúc này nhận thức và trình độ không được như sau này nên tính làm trạm bơm Bình Phan và làm kinh 24 để đưa nước về Gò Công.
Làm các công trình này đâu phải dễ, do cống Bình Phan đến 8 máy, mỗi máy 400 m3/giờ, nên ở trên cũng cản, cho rằng làm không hiệu quả, nhưng tỉnh quá bức xúc nên quyết định làm và Bộ Thủy lợi cũng đồng ý theo. Tuy nhiên, trạm bơm Bình Phan có một số nhược điểm là không đủ nước để bơm đưa đi; thứ hai là khi bơm, nước không chảy xuống Gò Công được mà chảy tràn nên khu vực ở gần trạm bơm lại bị ngập.
Tiếp theo là tỉnh tính chặn nước mặn dần mới làm cống Gò Gừa, nhưng do chưa đủ sức nghiên cứu tác động thế nào nên cũng không mang lại kết quả cao, do không trữ được nước ngọt. Sau này mới quyết định làm cống Xuân Hòa xuống Hòa Đồng và có một phần kết quả. Dần dần đưa nước đến khu vực nào thì làm lúa 2 vụ khu vực ấy nhằm thay đổi dần cuộc sống của người dân.
Sau này được ADB viện trợ nên tiếp tục làm hệ thống cống đập vùng Gò Công. Lúc này tỉnh quyết tâm vận động người dân làm lúa 2 vụ, làm dần từ huyện Chợ Gạo xuống Gò Công Tây; còn huyện Gò Công Đông ban đầu chưa làm được 2 vụ.
Thúc bách là trận lụt năm 1978, đói chỗ nào cũng có nhưng Gò Công bị đói nặng nhất do người dân trước nay chỉ quen làm lúa mùa nên không canh tác theo kiểu mới, không sử dụng phân, thuốc trừ sâu rầy. Điều này đã thúc bách cải tạo sản xuất, cả lối sống, cuộc sống của người dân. Cho nên ý định của tỉnh không chỉ ngọt hóa để đưa nước mà đây là kế hoạch làm thay đổi cuộc sống, phương thức canh tác, nền nếp sống của người dân.
Có chi tiết đáng nhớ là, lúc đồng chí Lê Duẩn về Tiền Giang, xuống Gò Công vào năm 1977 gặp một người bán rỗ bánh tét. Nghe người bán bánh tét nói bán bữa có lời bữa không, đồng chí Lê Duẩn nói rằng nếu cuộc sống vậy thì làm sao, phải thay đổi. Chính điều này lại kích thích tỉnh quyết tâm thay đổi vùng Gò Công.
Sau này quyết định kế hoạch cuối cùng là thực hiện Dự án NHGC. Tất nhiên kế hoạch là của tỉnh và của Trung ương. Lúc này cũng đã có vốn do đất nước bắt đầu đổi mới, kỹ thuật cũng tương đối hơn. Khi trình bày kế hoạch này, tôi hỏi là làm cho đến kết thúc dự án hay không, còn làm nửa chừng thì thôi đừng làm vì nó nguy hại hơn, do tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm và Trung ương đã đồng ý, đã làm thì làm cho đến cuối cùng.
Tài chính ở trên cũng giúp cho tỉnh. Nói vậy chứ cũng bị trục trặc dữ lắm, nhưng tỉnh cũng quyết tâm làm, nếu ở trên không có kinh phí thì tỉnh cũng cố gắng chạy vốn để làm kịp thời. Cho nên kế hoạch làm Dự án NHGC là kế hoạch đầu tiên của Việt Nam, thời gian thực hiện hoàn thành nhanh nhất, phát huy được hiệu quả cũng nhanh nhất.
Đây là công trình quá lớn do phải làm hàng chục đập lớn nhỏ để bao xung quanh toàn vùng, chưa kể có những con sông rất lớn như: Sông Tra, sông Gò Công, sông Vàm Giồng…; còn bên trong phải làm thủy lợi nội đồng. Riêng thủy lợi nội đồng phải tự lực nên phải vận động người dân đóng góp rất lớn mới làm được hệ thống kinh cấp 2, cấp 3. Việc múc kinh cũng rất vĩ đại, đưa nước từ Bình Phan xuống Gò Công hay đưa nước từ Xuân Hòa xuống Rạch Bùn, sau này đưa nước qua khu vực Bình Xuân là rất ghê gớm.
Như vậy, dự án làm được tới đâu thì kiến thiết đồng ruộng theo kiểu mới tới đó nhằm đảm bảo làm được 2 - 3 vụ; ngoài ra phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cho sinh hoạt của người dân. Cho nên làm tới đâu thay đổi canh tác tới đó, tức là khi có nước ngọt đảm bảo được phải có giống mới, quy trình canh tác tiên tiến cũng thay đổi theo, kể cả sinh hoạt, mua bán, đời sống của người dân. Khu vực Gò Công ngày trước rất ít chợ vì đâu có nhiều hàng hóa để mua bán, nhưng nay đã khác nhiều.
Nói chung, NHGC là kế hoạch toàn diện chứ không phải ngọt hóa là chỉ đưa nước ngọt mà còn cải tạo đồng ruộng, thay đổi phương thức sản xuất, cải tạo quy hoạch để làm sao đưa nông nghiệp lên toàn diện hơn và giải quyết cuộc sống người dân.
Một điều hết sức mừng là môi trường cũng thay đổi hơn trước rất nhiều. Ngày trước vùng đất này vào mùa khô đất nứt nẻ, thiếu nước, chỉ trông chờ vào trời mưa. Do giai đoạn này Gò Công là khu vực thứ nhì của cả nước có lượng mưa ít (ít nhất là tỉnh Ninh Thuận). Gò Công không những không có nước mặt mà cũng không có nước ngầm.
Việc thực hiện NHGC là sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương nhưng cố gắng của địa phương lớn nhất, kể cả việc huy động sức dân cũng rất lớn, mặc dù giai đoạn đầu vận động gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp của toàn dân, người dân quyết định. Sau 40 năm việc ngọt hóa đã tạo ra bước thay đổi rất lớn đối với vùng đất Gò Công. Đó là một sự thay đổi toàn diện.
THẾ ANH (ghi)