Phòng, chống hàng gian, hàng giả luôn khó khăn, phức tạp
Thời sự liên quan đến lĩnh vực kinh tế trong thời gian gần đây được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải có lẽ phần nhiều liên quan đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ai cũng biết, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, việc tồn tại những “hạt sạn” như thế cũng là điều đương nhiên. Song, do diễn biến của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi nên việc phòng, chống các hành vi vi phạm của lực lượng chức năng ngày càng khó khăn, vất vả.
Ngay trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không nhiều so với các tỉnh vùng biên giới nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Biểu hiện cụ thể là số vụ vi phạm được các ngành chức năng phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014 lên đến 230 vụ. Theo đó, thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa hàng nhập lậu, đối tượng chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều phương tiện… gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra chuyên ngành.
Ngành chức năng kiểm tra hàng hóa trên thị trường. |
Theo phân tích của lực lượng chức năng, đối với hàng giả, các đối tượng sử dụng phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại để sản xuất hàng giả, giả mạo chỉ dẫn về nơi sản xuất, giả mạo nhãn hiệu, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để đối phó tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Hàng hóa vi phạm tập trung vào các mặt hàng: Phân bón, thức ăn chăn nuôi, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, thực phẩm, rượu, bia, mỹ phẩm, thuốc lá điếu, gỗ… Kết quả cụ thể là, trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 1.200 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 11,5 tỷ đồng; tịch thu 56.378 bao thuốc lá điếu các loại, 4.204 hộp mỹ phẩm, 198 chai rượu các loại; trong đó lực lượng QLTT đã phát hiện, xử phạt hơn 750 vụ, thu phạt hơn 4,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chi cục QLTT, hàng cấm, hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, kim khí điện máy. Một trong những hành vi vi phạm nổi bật là Chi cục QLTT đã tịch thu hơn 4.000 bao thuốc lá, hơn 100 chai thực phẩm chức năng, hơn 2.000 chai dinh dưỡng Ensure…
Về gian lận thương mại, vi phạm phổ biến là hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm về ghi nhãn, niêm yết giá, đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm, sử dụng phương tiện đo lường. Đáng chú ý, vi phạm về nhãn hiệu như vàng trang sức (trị giá gần 5 tỷ đồng), phân bón ghi xuất xứ PRC (trị giá 2,1 tỷ đồng).
Ngoài ra, Chi cục QLTT còn tịch thu 4.000 m3 gỗ bình linh không hồ sơ hợp pháp. Về hàng giả, vi phạm nhiều nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi giả không có giá trị sử dụng công dụng. Bên cạnh đó, Chi cục QLTT đã tịch thu 444 mũ bảo hiểm có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nơi sản xuất, 500 máy tính giả mạo nhãn hiệu Casio không xác định được chủ sở hữu.
Thực tiễn cho thấy rằng, việc đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế luôn được xác định là hết sức cam go bởi phần lớn đây là tội phạm ẩn, xảy ra nhiều nơi trên nhiều lĩnh vực; con người thực hiện hành vi luôn chủ động tìm cách che giấu hành vi phạm tội với thủ đoạn và tính chất hết sức tinh vi. Nổi cộm thời gian gần đây là các hành vi vi phạm liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả để đánh lừa người tiêu dùng.
Chẳng hạn, một trong những vụ vi phạm gần đây đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Tiền Giang) phát hiện, xử lý là vụ sản xuất và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả các nhãn hiệu khác đang có mặt trên thị trường. Kết quả là Tổ công tác đã thu giữ nhiều mặt hàng thuốc BVTV thành phẩm giả nhãn hiệu của nhiều doanh nghiệp như: Công ty Syngenta Việt Nam, DNTN Thương mại Tân Qui, Công ty TNHH Hóa sinh Á Châu, Công ty TNHH Bayer, Công ty TNHH MTV Trường Thành Phát, Công ty TNHH Sơn Thành, Công ty cổ phần Nông Việt và một số công ty nước ngoài.
Ngoài ra, Tổ công tác còn thu giữ nhiều phương tiện, công cụ, nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất hàng giả như xe gắn máy, máy ép nhựa, thùng chứa hóa chất, vỏ và nắp chai nhựa, thùng các-tông, tem chống hàng giả…
Trước thực tế như thế, việc phòng, chống tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian tới là không đơn giản. Do vậy, theo ông Phan Văn Tải, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT, một trong những biện pháp quan trọng là thực hiện tốt Quyết định 47 ngày 22-11-2011 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cần phân định rõ từng lĩnh vực, mặt hàng, cơ quan nào chịu trách nhiệm chủ trì và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, tuyến trọng điểm để có tính chủ động trong việc kiểm tra xử lý vi phạm.
Việc xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình, đối tượng, địa bàn, phương thức, thủ đoạn, mặt hàng, lĩnh vực vi phạm để phòng ngừa người dân tiếp tay với đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu đã và đang là nhu cầu cần thiết. Bên cạnh đó là việc xây dựng mối quan hệ phối hợp trên cơ sở có sự trao đổi, thống nhất giữa lãnh đạo các bên; bảo đảm tính chính xác, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh.
“Trước hết, Chi cục QLTT phối hợp với Phòng PC 46 (Công an Tiền Giang) sẽ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật thương mại khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành có liên quan” - ông Phan Văn Tải cho biết.
PHƯƠNG ANH