Thứ Sáu, 21/08/2015, 15:54 (GMT+7)
.

Xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

“Tình trạng người chăn nuôi heo sử dụng chất cấm Salbutamol đang ở mức báo động và phải khẩn cấp triệt ngay vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cần phải ra sức kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” - Đó là phát biểu của ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra viên chính, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn (NN&PTNT) tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang sáng ngày 18-8.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Dũng yêu cầu Tiền Giang phải xử lý cấp bách và triệt để chất cấm trong nuôi heo.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Dũng yêu cầu Tiền Giang phải xử lý cấp bách và triệt để chất cấm trong nuôi heo.

Khẩn cấp triệt chất cấm

Sau thời gian người chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol để tăng trọng cho heo tạm lắng xuống thì nay lại bùng phát trở lại. Các ngành chức năng đang ra sức xử lý triệt để chất độc hại này. Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phải khẩn cấp triệt chất cấm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, chất cấm Salbutamol được sử dụng cho heo đang đến mức khẩn cấp nhưng phản ứng của các địa phương lại quá chậm. Đây là tình trạng rất nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, chúng ta chỉ dừng lại việc kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, lấy mẫu thức ăn chứ chưa xử lý những nơi có dương tính với chất cấm mà lò giết mổ báo có chất cấm ở địa điểm đó.

“Khi phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol cho heo hoặc đối tượng bán chất cấm thì phải chuyển ngay cho cơ quan Công an điều tra xem người nuôi sử dụng bao nhiêu chất cấm cho heo, từ khi nào, nguồn gốc chất này ở đâu, ai cung cấp. Có như vậy thì mới xử lý triệt để vấn đề chất cấm trong chăn nuôi - ông Dũng nhấn mạnh.

Vấn đề phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc xử lý chất cấm ở Tiền Giang cũng chưa được Đoàn Thanh tra liên ngành của Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Bởi ông Dũng cho rằng: “Việc xử lý của các ngành chức năng tỉnh về chất cấm còn quá chậm, chưa triệt để.

Cụ thể, khi TP. Hồ Chí Minh báo về có 2 lô heo ở Tiền Giang dương tính với chất cấm thì chúng ta xuống xác minh, vận động hộ đó không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chứ chúng ta chưa trưng ra các bằng chứng mà TP. Hồ Chí Minh báo về, chúng ta chưa điều tra được hộ đó đã sử dụng chất cấm nuôi heo bao lâu và nguồn gốc chất cấm đó từ đâu. Trong quá trình điều tra “đường đi” của chất cấm thì rất cần cơ quan Công an, nhưng vấn đề này lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ”.

Ông Dũng cho biết: “Đoàn Thanh tra liên ngành của Bộ gồm: Thanh tra của Bộ, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Bộ Công an trực tiếp xuống các tỉnh, thành cũng như các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có dương tính với chất cấm mà Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh thông báo để làm việc và nắm tình hình về việc sử dụng chất cấm Salbutamol, các chất cấm khác, chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất và nuôi heo; phương pháp, thủ đoạn trong việc sử dụng chất cấm này; bàn phương án phối hợp, xử lý và có biện pháp phòng, chống có hiệu quả, triệt để”. 

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự, Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46)  nêu lên những khó khăn trong việc xử lý chất cấm tại buổi làm việc.
Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự, Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) nêu lên những khó khăn trong việc xử lý chất cấm tại buổi làm việc.

Khó xử lý

Với tình hình khẩn cấp hiện nay trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để chất cấm trong chăn nuôi heo đang gặp những khó khăn nhất định. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Tiền Giang Phạm Văn Chiến cho rằng rất khó xử lý chất cấm. Bởi  khi Thanh tra chuyên ngành xuống kiểm tra thì không phát hiện. Khi nhận được thông báo từ nơi nhập heo là có vài lô heo xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang dương tính với chất cấm, Thanh tra chuyên ngành xuống kiểm tra thì không còn nguồn heo nữa, không còn chứng cứ để xử lý, người nuôi khai người bán chất cấm đó ở đâu không biết.

Việc xử lý chất cấm trong nuôi heo cũng được ngành Công an quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề điều tra, xử lý cũng gặp không ít khó khăn. Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự, Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương đều chưa có máy móc để khi kiểm tra thì biết trong con heo đó hay chất đó có chất cấm hay không.

Nếu đưa máy móc hiện đại vào kiểm tra thì mới xử lý triệt để được. Khi có sự thông đồng giữa người bán và người mua thì họ đều có phương thức đối phó. Nếu nhận biết có chất cấm hay không bằng những phương pháp hiện nay thì những người bán hay mua sẽ chuyển từ phương thức này sang phương thức khác.

Còn theo Thiếu tá Trần Minh Thành, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), thời gian qua phòng được biết người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong nuôi heo qua thông tin báo chí, chứ cơ quan quản lý về vấn đề này chưa cung cấp chi tiết về chất cấm, hoạt động mua bán của các đối tượng ra sao. Trong khi việc mua bán của các đối tượng này diễn ra quá tinh vi. Trinh sát cũng chưa biết chất cấm đó là gì thì làm sao vận động quần chúng tố giác người mua bán loại chất này và hoạt động của chúng ra sao.

Ông Trang Sĩ Thanh Bình, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã thành lập 14 Đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh lực chăn nuôi, thú y. Trong đó có 4 Đoàn thanh tra hoạt động kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại 57 cửa hàng. Đoàn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 65 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 144 triệu đồng.

Ông Trang Sĩ Thanh Bình, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết: Việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi rất khó nhưng sẽ cố gắng làm đến nơi đến chốn. Thời gian qua, Chi cục Thú y Tiền Giang làm quyết liệt vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, chứ không phải bùng phát thông tin về sử dụng chất cấm trong nuôi heo rồi mới đi kiểm tra.

Cụ thể, trong năm 2014 đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 7/30 mẫu dương tính với chất cấm. Từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra 17 cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y.

Trong quá trình thực hiện, Đoàn kiểm tra đã lấy 17 mẫu, trong đó có 15 mẫu nước tiểu của heo tại các cơ sở chăn nuôi quy mô và 2 mẫu thức ăn bổ sung tại 2 cơ sở sản xuất thức ăn, nhưng không phát hiện chất cấm trong 17 mẫu nói trên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập và gửi xét nghiệm 90 mẫu để giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ trong tháng 8 và tháng 9 này. Lực lượng đã bắt đầu lấy mẫu mấy ngày nay” - ông Bình  cho biết.

SĨ NGUYÊN

.
.
.