Thứ Hai, 21/09/2015, 10:28 (GMT+7)
.

Cái Bè: Khai thác và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng toàn diện

Nhờ lợi thế nước ngọt quanh năm, huyện Cái Bè đã quy hoạch được các tiểu vùng chuyên canh cây ăn trái, cánh đồng lớn và nuôi trồng thủy sản nước ngọt... Với cách quy hoạch vùng chuyên canh một cách bài bản, hợp lý, kinh tế nông nghiệp của huyện đã từng bước đi vào chiều sâu, phát huy được lợi thế của từng vùng.

Thu hoạch lúa trên Cánh đồng lớn ở huyện Cái Bè
Thu hoạch lúa trên Cánh đồng lớn ở huyện Cái Bè.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận trên lộ trình phát triển kinh tế của huyện Cái Bè trong thời gian qua là chất lượng kinh tế nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu. Các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp huyện đã được quan tâm quy hoạch vùng chuyên canh, phát triển thâm canh để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Nhờ công tác quy hoạch, xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, kết hợp với đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên.

Lợi thế về cây ăn trái, thủy sản ở vùng 1 và vùng 2, cây lúa ở vùng 3 tiếp tục được đầu tư phát huy được hiệu quả. Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định năm 2010) đến năm 2015 ước đạt 7.806 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,4%/năm, trong đó ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lần lượt tăng 4,1%, 7,6%, 7,4%; doanh thu từ đất sản xuất nông nghiệp (theo giá cố định
năm 2010) đạt 228 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: “Kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và chất lượng. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông dân được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô, cải tạo và thay đổi phương thức sản xuất, nâng dần trình độ canh tác; sản xuất từng bước gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp được quan tâm đầu tư; đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phát huy được hiệu quả. Các tiến bộ KH-KT được tăng cường chuyển giao, ứng dụng. Công tác quản lý và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng; khuyến nông, khuyến ngư được đẩy mạnh.

Các hình thức sản xuất sinh thái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... có bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Một trong những tiểu vùng kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương theo định hướng chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh là quy hoạch vườn cây ăn trái ở Nam Quốc lộ 1. Tổng diện tích vườn chuyên canh trái cây đặc sản 16.800 ha (trong đó có 79% vườn chuyên canh) như cam sành, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò… với sản lượng đến năm 2015 đạt 305.000 tấn, tăng 59.000 tấn so năm 2010.

Theo UBND huyện Cái Bè, hiện toàn huyện có 14.436/16.800 ha vườn đang trồng các loại cây đặc sản của địa phương như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành… với thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè cho biết, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế vườn được nâng lên.

Các loại cây ăn trái đặc sản, có lợi thế của huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, gắn với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và xây dựng thương hiệu. Hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm được quan tâm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thời gian tới, huyện nỗ lực tăng diện tích cây ăn trái lên 17.000 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản khoảng 7.500 ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), sản lượng 300.000 tấn; tăng nhanh diện tích vườn đạt lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đối với cây ăn trái đạt trên 90%.

Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân ra đồng ở Cánh đồng mẫu xã Hậu Mỹ Bắc B.
Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân ra đồng ở Cánh đồng mẫu xã Hậu Mỹ Bắc B.

Bên cạnh lợi thế về cây ăn trái, UBND huyện Cái Bè đã quy hoạch, phát triển cây lúa theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, chất lượng cao ở phía Bắc Quốc lộ 1. Diện tích trồng lúa của huyện duy trì 17.500 ha với năng suất bình quân 6,4 tấn/ha, sản lượng hàng năm 336.000 tấn, trong đó tập trung đầu tư xây dựng cánh đồng lớn diện tích 1.265 ha.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu đạt từ 96 - 100%, sử dụng giống nguyên chủng và giống xác nhận đạt 67% diện tích gieo trồng, diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao được mở rộng. Giá trị sản xuất được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 48,2 triệu đồng/ha, trong đó thu nhập trên 50 triệu đồng đạt 8.460 ha.

Tại xã Hậu Mỹ Bắc B, Cánh đồng lớn ấp Mỹ Trung được hình thành, đưa vào sản xuất từ vụ đông xuân 2012 - 2013 đến nay là 4 vụ với tổng diện tích 400 ha, trong đó có 350 ha ruộng, 50 ha vườn với trên 500 hộ dân. Kết quả khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện trong mô hình Cánh đồng lớn xã Hậu Mỹ Bắc B cho thấy chi phí sản xuất lúa giảm từ 5 - 6 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ giảm chi phí từ 16 - 20%.

 Bên cạnh đó, nông dân khi tham gia mô hình còn được một số lợi ích khác như khỏi phải sắm sửa, bảo trì máy móc, bao bì đựng lúa, chi phí vận chuyển, hao hụt khi thu hoạch, phơi sấy…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết: “Mô hình cánh đồng lớn thực hiện trên địa bàn huyện đến thời điểm này được đánh giá là thuận lợi và đạt được kết quả nhất định, đặc biệt mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân khi tham gia.

Ngành Nông nghiệp huyện chú trọng vào 3 mũi nhọn quyết định thành công mô hình cánh đồng lớn là: Quy hoạch (đầu tư khép kín hệ thống ô đê bao), liên kết (chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư bao tiêu), đầu tư KH-KT (chuyển giao KH-KT), hướng đến sản xuất theo mô hình “công nghệ sinh thái”.

Thời gian tới, từ mô hình điểm của 3 xã Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh và Mỹ Trung, huyện Cái Bè tiếp tục nhân rộng ra các xã còn lại thuộc vùng quy hoạch lúa đặc sản gồm các xã tuyến lộ 20 và phía Đông kinh 28; chủ động mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Được biết, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đặc biệt tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Thanh cho biết thêm về định hướng của huyện: Tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh đa dạng, bền vững, áp dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Tập trung phát triển các loại cây, con có thế mạnh của huyện.

Duy trì hợp lý diện tích từng loại cây trồng; nâng cao năng lực cung ứng con giống, cây giống có chất lượng cao; nhân rộng việc áp dụng các mô hình VietGAP, GlobalGAP; chú trọng công tác quản lý và phòng, chống các loại dịch bệnh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân; tiếp tục gia tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp.

Duy trì hợp lý diện tích lúa khoảng 16.000 ha; trong đó, vùng lúa chất lượng cao khoảng 12.000 ha tại 8 xã Bắc Quốc lộ 1 (vùng 3), sản lượng từ 310 - 320 ngàn tấn; mở rộng quy mô Cánh đồng lớn lên 2.000 - 3.000 ha.

Tăng diện tích cây ăn trái lên 17.000 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản khoảng 7.500 ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), sản lượng 300.000 tấn; tăng nhanh diện tích vườn đạt lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm.

HỮU CHÍ

.
.
.