Hiệu quả từ mô hình sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP
Huyện Cai Lậy có 7.000 ha sầu riêng, tập trung ở các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn, Long Tiên, Long Trung… Riêng xã Tam Bình chuyên canh hơn 1.500 ha sầu riêng. Để phát huy thế mạnh của các giống cây ăn trái chủ lực, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn GAP, trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã Tam Bình đã triển khai xây dựng các mô hình về sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy trao Giấy chứng nhận VietGAP cho THT Bình Hòa A. |
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án xây dựng Nông thôn mới, vào tháng 10-2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy phối hợp Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, có 17 hộ tham gia với 12 ha.
Qua 9 tháng hình thành và đi vào sản xuất, mô hình VietGAP trên cây sầu riêng đã đem lại hiệu quả và được Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 7-2015. Đến nay, xã Tam Bình đã có 2 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP ở ấp Bình Hòa A và Bình Hòa B.
Tham gia mô hình sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng như: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, quản lý và xử lý chất thải, ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ và truy nguyên nguồn gốc, sử dụng thuốc bảo đảm an toàn sinh học và sức khỏe của người tiêu dùng...
Điển hình như hộ ông Đặng Văn Nữa ở ấp Bình Hòa A, là thành viên tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1,3 ha. Trong quá trình sản xuất, ông được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông và Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn từ khâu chăm sóc đến việc quản lý, phòng trừ các loại sâu bệnh, nhờ đó Sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất 2 tấn/công, cao hơn từ 300 - 500kg/công so với trước đó.
Với năng suất trên và bán được giá 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất ông thu lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Ông Đặng Văn Nữa phấn khởi cho biết: “Từ khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo chứng nhận VietGAP tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân hợp lý, nên chi phí sản xuất giảm mà năng suất lại tăng, thị trường tiêu thụ ổn định”.
Một thành viên khác tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP là ông Nguyễn Văn Thắm, ở ấp Bình Hòa A, với diện tích trồng 6.000 m2, áp dụng đúng quy trình sản xuất của cán bộ kỹ thuật, cuối vụ ông thu hoạch 2 tấn/công, bán được giá trung bình 55.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết: “Muốn sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Qua đây tạo ra các vùng nguyên liệu đặc thù, ổn định nguồn cung - cầu, bảo đảm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”.
THANH TÙNG