Hội Nông dân huyện Cai Lậy: Gắn kết hiệu quả, hỗ trợ thiết thực
Với vai trò gắn kết, hỗ trợ nông dân, những năm qua, Hội Nông dân huyện Cai Lậy tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), trợ vốn để hội viên (HV) ứng dụng vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Phong trào Thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có thêm những kết quả nổi bật, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm giàu cho gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội.
Cai Lậy là một huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với 75% dân số sống bằng nghề nông. Địa phương đã quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao ở các xã phía Nam và vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1. Định hướng các vùng sản xuất chuyên canh là điều kiện để nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai, sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Đồng hành cùng HV, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh chuyển giao KHKT, dạy nghề, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả để nông dân ứng dụng vào thực tế. 5 năm qua các cấp Hội phối hợp tổ chức 2.179 lớp chuyển giao KHKT, dạy nghề ngắn hạn với hơn 75.000 lượt HV tham gia, khuyến khích nhân rộng các mô hình luân canh, xen canh, sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế rủi ro vì giá cả, dịch bệnh. Kiến thức tiếp thu là điều kiện để nông dân thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Triết với mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. |
Điển hình như anh Nguyễn Văn Triết (ấp 5, xã Phú An) với mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học. Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Triết luôn tìm tòi, học hỏi, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về xây dựng hệ thống chuồng trại, chọn con giống, cách chăm sóc, vệ sinh thú y để bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Năm 2013, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã kết hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện, anh Triết thử nghiệm mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học trên 1 chuồng nuôi với 10 heo thịt. Kết quả lứa heo đầu tiên tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh nên sau khi xuất chuồng, anh mở rộng lên 3 chuồng nuôi với 27 heo thịt.
Mô hình giúp anh Triết tiết kiệm chi phí điện, nước vệ sinh chuồng, hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi được tiêu hủy qua lớp đệm lót, phụ phẩm đệm lót sau thời gian sử dụng được tận dụng làm phân bón cho vườn cây ăn trái.
Anh nhận xét: “Trước đây, chủ yếu nuôi heo theo kinh nghiệm nên heo chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp, chất thải không xử lý đúng cách làm ảnh hưởng đến môi trường, gây phiền hà cho những hộ xung quanh. Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học vấn đề môi trường trong chăn nuôi được xử lý tốt, chi phí cũng không cao, phù hợp với những hộ chăn nuôi ở khu vực đông dân cư như gia đình tôi”.
Nắm bắt nhu cầu về vốn sản xuất của nông dân, 5 năm qua, các cấp Hội nông dân huyện Cai Lậy đã tranh thủ vốn vay lãi suất thấp từ các ngân hàng, dự án, quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân trên 635 tỷ đồng hỗ trợ HV mở rộng sản xuất, chăn nuôi bằng hình thức tín chấp. Hơn 40.600 lượt HV nông dân đã có điều kiện vươn lên từ sự tiếp sức của Hội với những mô hình kinh tế thành công, giảm tỷ lệ HV diện hộ nghèo.
Ông Trương Văn Chín, HV nông dân ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên là một điển hình thoát nghèo từ quỹ Hỗ trợ nông dân. Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông gặp khó khăn do ít đất sản xuất, lại thiếu vốn đầu tư chăm sóc vườn sầu riêng.
Được vay 3 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân xã, ông mua cây giống sầu riêng Mongthong, Ri6 trồng xen vào 4 công sầu riêng khổ qua xanh đang cho hiệu quả kinh tế thấp. Để lấy ngắn nuôi dài, ông tận dụng diện tích mặt ao quanh nhà ương cá tai tượng giống. Biết cách làm ăn, sau 3 năm liên tiếp được trợ vốn, ông Chín đều hoàn vốn đúng hạn, kinh tế gia đình dần cải thiện.
Ông cho biết: “Vốn ít nhưng nếu mình biết cách làm ăn vẫn cải thiện được thu nhập. Gia đình tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay. Bây giờ vườn cây đã bắt đầu giai đoạn cho trái, tôi sẽ chí thú làm ăn để vươn lên khá giàu”.
Những biện pháp hỗ trợ thiết thực là “chất keo” gắn kết HV nông dân huyện Cai Lậy với tổ chức Hội và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, đặc biệt là phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. 5 năm qua, toàn huyện đã bình chọn 47.511 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 cấp, trong đó có 2.265 hộ từ khó khăn đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, là nhân tố điển hình để nhân rộng.
Phong trào còn phát huy tinh thần tương thân tương ái trong HV qua hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cây con giống… cho HV diện hộ nghèo. Gắn kết hiệu quả, hỗ trợ thiết thực, Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
TRƯỜNG GIANG