Thứ Bảy, 05/09/2015, 05:31 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Giữ vững và phát huy lợi thế cây rau màu

Cũng như những nông sản khác, thời gian qua, cây rau màu thực phẩm cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Song, dù ở thời điểm nào, rau màu vẫn luôn là cây trồng có lợi thế, chiếm vị trí quan trọng đối với kinh tế, đời sống người dân của huyện Châu Thành. Để giữ vững vị thế và tiếp tục phát triển cây rau màu trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành đang tiếp tục tìm các giải pháp phát huy tiềm năng của cây trồng lợi thế này.

Châu Thành nỗ lực giữ vững và phát triển cây rau màu.
Châu Thành nỗ lực giữ vững và phát triển cây rau màu.

Nghề trồng rau màu trên địa bàn huyện Châu Thành phát triển rất lâu đời và diện tích trồng rau màu không ngừng tăng lên qua từng năm. Nhiều hộ gắn bó với nghề trồng rau màu hàng chục năm. Theo thời gian, trên địa bàn huyện đã hình thành nên những vùng chuyên canh trồng rau ăn quả, rau ăn lá tập trung theo từng chủng loại gắn với nhu cầu thị trường.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, sở dĩ cây rau màu phát triển mạnh trên địa bàn huyện là do điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với tính hiệu quả tốt do cây trồng này mang lại. Theo tính toán, thu nhập từ người trồng rau thường cao gấp 3,5 lần so với trồng lúa. Bởi theo ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, vị trí Châu Thành nằm gần sông Tiền, cách xa biển, hệ thống thủy lợi phát triển đã bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất rau màu quanh năm.

Có thể nói, đây là lợi thế mà ít có địa phương nào có được, góp phần làm nên “vương quốc” rau hôm nay. Mặt khác, những năm qua, do biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng mạnh mẽ làm cho nhiều vùng có truyền thống trồng rau màu khác gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu nước. Đặc biệt, sau khi ngành Nông nghiệp có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa, diện tích trồng rau màu trên địa bàn phát triển mạnh hơn theo hình thức chuyên canh hay luân canh lúa - rau màu trên nền đất lúa.

Theo ước tính của Phòng NN&PTNT, toàn huyện hiện có 2.000 ha trồng rau màu, cung cấp khoảng 200.000 tấn rau các loại/năm cho các thị trường, chủ yếu ở miền Đông, miền Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, giống như nhiều cây trồng khác, sản xuất rau màu ở Châu Thành đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là tiềm năng và thế mạnh của cây rau màu chưa được phát huy đúng mức; hiệu quả và thu nhập mang lại từ cây trồng này còn bấp bênh; chất lượng rau màu nhiều lúc, nhiều nơi chưa tốt. Trong khi đó, dù nghề trồng rau màu có từ rất lâu nhưng sản xuất rau màu trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún dẫn đến chưa chủ động thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định…

Để củng cố và phát triển cây rau màu trên địa bàn, những năm qua, Châu Thành đã có nhiều nỗ lực phát huy lợi thế, hướng sản xuất cây trồng này theo chất lượng, an toàn và bền vững. Ngay từ năm 2008, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau đến năm 2015.

Tiếp theo đó, Huyện ủy Châu Thành ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển rau màu và xác định phát triển sản xuất rau màu là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy lợi thế của huyện góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Và kết quả sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay diện tích rau màu của huyện đã phát triển vượt kế hoạch về diện tích, sản lượng đã đề ra. Theo đó, diện tích gieo trồng rau màu bình quân hàng năm gần 10.000 ha (trồng từ 4 - 5 vụ/năm), sản lượng 200.000 tấn với chủng loại đa dạng và phong phú, chất lượng rau màu ngày càng được nâng lên. Dù giá cả thường xuyên biến động nhưng với hệ số quay vòng cao (5 lần/năm), người sản xuất rau màu có lợi nhuận khá tốt.

Cùng với phát triển về diện tích, sản lượng, Châu Thành cũng chú trọng đến phát triển cây rau màu theo hướng bền vững, chất lượng. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với các ngành triển khai thực hiện rất nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP; hình thành tại những vùng rau an toàn, GAP này mô hình kinh tế hợp tác. Theo ngành Nông nghiệp huyện, chỉ tính bình quân trong giai đoạn 2010 - 2015, diện tích gieo trồng rau màu 12.724 ha, trong đó 6.345 ha sản xuất theo hướng an toàn, sản lượng bình quân hàng năm 184.654 tấn.

Đặc biệt, qua dự án của tỉnh, hiện nay trên địa bàn huyện đã thực hiện thành công 3 mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Long Hưng, xã Long An, xã Thân Cửu Nghĩa; đã và đang xúc tiến xây dựng các nhà sơ chế rau. Bên cạnh tổ chức thực hiện các mô hình, hàng năm, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện phối hợp với các xã tổ chức từ 50 - 60 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất rau theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP; tiến hành củng cố, thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau, sản xuất rau an toàn.

Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, mô hình kinh tế hợp tác hoạt động không hiệu quả khiến cho người dân không mặn mà với các mô hình này. Hơn nữa, việc thiếu kinh phí, thiếu cán bộ kỹ thuật để triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn, VietGAP cũng gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện và nhân rộng mô hình.

Dù vậy, Châu Thành vẫn khẳng định quyết tâm giữ vững và phát triển cây rau màu trên địa bàn. Cụ thể, vừa qua, Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua Nghị quyết, trong đó xác định tiếp tục duy trì vùng chuyên canh sản xuất rau màu và rau màu luân canh với cây lúa. Theo đó, huyện phấn đấu diện tích gieo trồng rau màu hàng năm trên 14.700 ha, sản lượng rau màu trên 272.000 tấn.

Để phát triển cây rau theo Nghị quyết đề ra, ông Hòa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên rau màu; sản xuất rau màu theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất với tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất rau màu thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất (giảm công chăm sóc; lượng phân, thuốc phun xịt cho rau), giảm ô nhiễm môi trường (đã có từ 40 - 50 ha sản xuất rau màu áp dụng hệ thống phun xịt tự động); tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người sản xuất rau màu theo hướng an toàn, VietGAP để khi có đủ điều kiện xúc tiến việc công nhận; phát triển mô hình trồng rau - nuôi cá để giảm chi phí sản xuất; xây dựng thương hiệu cho cây rau màu trên địa bàn…

N.VĂN

.
.
.