Huyện Tân Phú Đông: Khai thác lợi thế các vùng nông nghiệp
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông tăng bình quân 7,6%/năm. Điểm nhấn làm nên kết quả trên là sự chuyển dịch trong ngành Nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá rõ rệt từ sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái, cây dừa, cây màu với lợi nhuận mang lại cao hơn từ 4,6 - 14,5 lần. Đây là tiền đề quan trọng để huyện cù lao đẩy mạnh phát triển nông, lâm, thủy sản trong nhiệm kỳ mới.
Sả là một trong những loại cây phù hợp thổ nhưỡng ở Tân Phú Đông, cho lợi nhuận cao. |
XÁC LẬP LỢI THẾ VÙNG
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phù hợp điều kiện tự nhiên, phát huy thế mạnh kinh tế của các vùng.
Theo đó, đối với vùng ngọt lợ (xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh và một phần phía Tây của xã Tân Thạnh), huyện chú trọng đầu tư cải tạo vườn dừa, hướng đến khai thác tổng hợp kinh tế vườn, kết hợp chăn nuôi hộ gia đình. Đặc biệt, trong vùng này, huyện tập trung phát triển vùng trồng mãng cầu Xiêm theo hướng chuyên canh, thâm canh tại xã Tân Phú và các khu vực lân cận.
Còn vùng đê bao thuộc xã Phú Thạnh, Phú Đông, huyện ưu tiên chuyển đổi sản xuất lúa hiệu quả thấp tại các khu vực nhiễm phèn - mặn sang trồng cây màu, mãng cầu Xiêm.
Cuối cùng, vùng mặn (vùng ngoài đê bao xã Phú Đông, Phú Tân và một phần phía Đông của xã Tân Thạnh) sẽ tập trung phát triển mô hình nuôi thủy sản công nghiệp khoảng 1.000 ha; các mô hình nuôi thủy sản quảng canh, quảng canh cải tiến sẽ được từng bước chuyển dần sang luân canh lúa - cá, lúa - tôm.
Riêng vùng đất giồng cát thuộc xã Phú Tân sẽ chú trọng phát triển cây rau màu ngắn ngày, còn vùng bãi bồi thì đẩy mạnh công tác trồng rừng theo hướng lấn biển.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện ổn định diện tích cây dừa 3.158 ha; mở rộng diện tích cây mãng cầu Xiêm ở Phú Thạnh và Phú Đông, nâng tổng diện tích cây trồng này đến năm 2020 đạt 1.250 ha; diện tích lúa canh tác 1.245 ha theo hướng luân canh lúa - màu; nhân rộng mô hình tôm - lúa 1.000 ha với giống lúa chịu mặn ở xã Phú Tân và một phần xã Phú Đông. |
PHÁT TRIỂN CÂY, CON PHÙ HỢP
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thủy sản và trồng trọt; điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh bền vững; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi.
Thực hiện nghị quyết trên, trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tập trung cải tạo vườn dừa có năng suất kém bằng những giống dừa cho năng suất, chất lượng tốt; kết hợp trồng xen cây ăn trái và chăn nuôi nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế vườn theo hệ thống canh tác, lấy ngắn nuôi dài.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, nâng cao chất lượng nông sản là hướng ưu tiên của huyện trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, ngành từng bước chuyển đổi 600 ha diện tích lúa cho năng suất thấp ở các xã Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông sang trồng cây mãng cầu Xiêm; đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng, quảng bá thương hiệu mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông.
Mặt khác, ngành cùng với các xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng Phú Thạnh - Phú Đông mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang chuyên canh, luân canh màu trên nền đất lúa.
Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích và hỗ trợ các hộ, trang trại kết hợp với trại giống tỉnh tổ chức các vệ tinh nhân giống gia công và chuyển giao công nghệ giống cho huyện. Qua đó, ngành đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình theo hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp.
Tân Phú Đông có nhiều lợi thế về phát triển thủy sản và kinh tế biển. Đây được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Dù những năm qua, nuôi trồng thủy sản đối mặt với nhiều rủi ro nhưng huyện xác định phát triển 2 lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.
Trong nuôi trồng, huyện tập trung bảo vệ, khai thác hợp lý giống nghêu, sò ở bãi bồi ven biển; đa dạng hóa mô hình nuôi các loại giống thủy sản bảo đảm thích nghi với từng tiểu vùng. Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản trong vùng, chủ yếu là con tôm, giải pháp quan trọng được xác định là đẩy mạnh và nhân rộng mô hình lúa - tôm, lúa - cá; vận động ngư dân chỉ nuôi 2 vụ tôm công nghiệp/năm, sử dụng giống có chất lượng được cơ quan chức năng kiểm dịch trước khi thả nuôi.
“Đây là cách để cắt đứt sự lưu tồn, phát tán mầm bệnh. Các giải pháp này phát huy hiệu quả khi đi kèm với việc phát huy vai trò của quản lý Nhà nước ở cơ sở về hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này” - ông Hải nhấn mạnh.
Để thực hiện được các định hướng trên không thể thiếu giải pháp chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp, thủy sản cho nông, ngư dân để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản. Vì thế, huyện sẽ phối hợp với các viện, trường, trung tâm giống tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm, tuyển chọn, nhân giống cây và con phù hợp điều kiện sinh thái của huyện.
Trước mắt, huyện kết hợp với Trường Đại học Tiền Giang, Đại học Cần Thơ thử nghiệm giống lúa chịu mặn tại vùng nuôi tôm quảng canh xã Phú Tân để tạo ra nguồn giống cung cấp cho khu vực, tăng hiệu quả sản xuất; phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững.
N.VĂN