Thứ Bảy, 19/09/2015, 15:22 (GMT+7)
.

Ngành Nông nghiệp giữ vai trò tham mưu trực tiếp, toàn diện

Tại Hội nghị hôm nay, chúng ta đã nghe Báo cáo Tổng kết 40 năm hoạt động, xây dựng và phát triển Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang; ý kiến phát biểu của các cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là nghe một số ý kiến, tham luận của các nhà khoa học để minh họa thêm những thành tựu và xác định những hạn chế của ngành trong thời gian qua. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, tôi xin cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, tham luận quý của các đồng chí; đồng thời sẽ nghiên cứu để đưa vào giải pháp triển khai  thực hiện.

Các đại biểu dự hội nghị.


Trong 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của UBND các cấp và sự năng động, sáng tạo của bà con nông dân, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng phấn khởi. Nổi bật là: sản xuất lương thực đã đạt vượt bậc về diện tích, năng suất, sản lượng và phẩm chất lúa gạo, từ chỗ thiếu đói cục bộ của những năm đầu sau giải phóng, đã nhanh chóng ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tham gia xuất khẩu.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn của tỉnh chuyển dịch tích cực, đúng hướng và hiệu quả, giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích và hiệu quả sản xuất đều có sự tăng trưởng; thay đổi được tập quán sản xuất từ chỗ sản xuất tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, hình thành những vùng chuyên canh, thâm canh theo hướng mở rộng dần về quy mô, khối lượng hàng hoá lớn, tập trung và cải thiện dần chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu của thị trường; nhiều nông sản chủ lực của tỉnh đã tham gia xuất khẩu với kim ngạch ngày càng tăng như gạo, thịt heo, rau quả, thuỷ sản,...; trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ của nông dân ngày càng được nâng cao; các chương trình tập huấn, huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được quan tâm, được nhiều nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất mang lại hiệu quả.

Nhìn lại 40 năm qua, có thể khẳng định rằng, nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã vượt qua được nhiều thời điểm khó khăn, thách thức, khai thác ngày càng tốt hơn các tiềm năng, lợi thế, ứng phó thời tiết bất lợi, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển liên tục, khá toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn và góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang phát biểu tại hội nghị.

Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua là sự kết tinh của tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của các thế hệ; là kết quả của sự tham gia, điều hành năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền qua các thời kỳ; trong đó Ngành Nông nghiệp là cơ quan giữ vai trò tham mưu trực tiếp, toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp.

Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Ngành Nông nghiệp, của những đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp tỉnh nhà trong 40 năm qua.

Trong quá trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới, tuy ngành Nông nghiệp đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, thách thức và những vấn đề mới nảy sinh cần giải quyết, đó là:

- Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp có khuynh hướng chậm lại và chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh; sản xuất hàng hoá tuy đã phát triển, nhưng khả năng cạnh tranh của một số nông sản chủ lực chưa cao; chưa khai thác và phát huy hết lợi thế, tiềm năng từng vùng sinh thái;

- Diện tích canh tác bình quân/hộ ít và còn nặng tập quán làm ăn nhỏ lẻ, nên khó phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao và đồng đều để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

- Các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích nông dân hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn và bền vững trong thực tế còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, nhất là vùng nguyên liệu, vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác chưa mạnh; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tuy được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng rõ nét và nghiêm trọng, thời tiết, khí hậu thay đổi khó lường, các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi lan nhanh gây thiệt hại lớn cho sản xuất; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mặc dù được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng các nhà khoa học và cán bộ
 ngành Nông nghiệp tại hội nghị.

Để phát huy những thành tưu đã đạt được trong 40 năm qua và nhanh chóng khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế; tập trung triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, nhất là hoàn thành các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung triển khai tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng chuyên canh gắn với triển khai đề án tái cơ cấu ngành theo hướng thích nghi đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nông dân,... giỏi về nghiệp vụ, xem đây là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Tiền Giang nói riêng và của tỉnh nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển. 

3. Tập trung chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, nhất là khâu ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chú trọng nâng cao chất lượng giống và từng bước ứng dụng công nghệ cao (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh,…), công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo bước đột phá nâng chất lượng nông, thủy sản.

4. Tổ chức liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp kết nối với vùng sản xuất theo mô hình ký kết hợp đồng đầu tư - tiêu thụ sản phẩm phù hợp điều kiện và lợi ích của các bên liên quan.

5. Tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chọn đúng vùng, đầu tư đúng trọng điểm, sẽ tạo được động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích được người nông dân phấn khởi, tích cực sản xuất, góp phần đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Tiền Giang ngày càng phát triển trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

6. Đẩy mạnh công tác vận động, thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ trọng tâm. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Các đại biểu xem triển lãm thành tựu 40 năm qua của ngành Nông nghiệp.


Để phát huy hơn nữa những thành quả quả đã đạt được trong 40 năm qua, sau Hội nghị này, tôi đề nghị lãnh đạo ngành Nông nghiệp nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch định hướng hoạt động của ngành Nông nghiệp, làm cơ sở để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời gian tới.

(Theo Cổng TTĐT Tiền Giang)

 

.
.
.