Thứ Tư, 23/09/2015, 10:12 (GMT+7)
.

Ông Nguyễn Văn Ngó: Điển hình nông dân sản xuất giỏi

Ông Nguyễn Văn Ngó được hội viên, nông dân ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy biết đến với mô hình chuyên canh sầu riêng hiệu quả. Thành công của ông là minh chứng cho tinh thần nhạy bén, cần cù lao động và không ngừng học hỏi để làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Văn Ngó hiện canh tác 6 công vườn sầu riêng RI 6 và Mongthong, trong đó có 4 công cho thu hoạch ổn định với sản lượng trung bình 13 tấn trái mỗi năm. Bằng cách xử lý cho cây ra hoa sớm hoặc muộn so với vụ thuận để tránh tình trạng “dội chợ, rớt giá”, lợi nhuận ông thu được khoảng 300 triệu đồng. Sau 14 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ khó khăn ông đã trở thành điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ngó bên vườn sầu riêng của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Ngó bên vườn sầu riêng của gia đình.

Ông Ngó cho biết, năm 2001 khi xã Phú An đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, ông chọn cây sầu riêng để chuyên canh. Muốn “cây lành cho trái ngọt” không phải là việc dễ dàng, nhất là vào thời điểm ấy sầu riêng không phải là cây trồng thế mạnh ở xã Phú An.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông cải tạo 3 công đất ruộng, mua cây giống về trồng và chăm sóc trong buổi đầu chuyển đổi. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen chanh bông tím và duy trì diện tích vườn tạp khi sầu riêng chưa cho thu hoạch.

Ngoài tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng qua báo, đài, ông tích lũy kinh nghiệm thực tế sau những lần tham quan vườn chuyên canh sầu riêng ở các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp.  Sau 6 năm chăm sóc, sầu riêng bắt đầu giai đoạn cho trái ổn định, ông Ngó đốn bỏ chanh để cây có điều kiện phát triển.

Nhiều năm chuyên canh sầu riêng, ông Ngó nhận thấy, để bảo đảm hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này, nông dân phải áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh hại và điều chỉnh mùa vụ, tránh tình trạng dội chợ, rớt giá”.

Sau khi thu hoạch phải cắt tỉa, loại bỏ những cành ốm yếu, cung cấp đủ dưỡng chất cho cây. Muốn trái to tròn, không bị lép, khi cây ra hoa nở nhụy, ông Ngó tiến hành thụ phấn bổ sung và chỉ để cây mang lượng trái vừa đủ. Vững về kỹ thuật, mức thu nhập của ông Ngó tăng thêm theo từng năm. Có nguồn vốn tích lũy, ông tiếp tục cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích chuyên canh sầu riêng.

Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Thông thường, sầu riêng chính vụ thu hoạch vào khoảng tháng 4 - 6 âm lịch, tôi xử lý cho cây thu hoạch sớm vào tháng 3 hoặc muộn vào tháng 7 âm lịch, giá sầu riêng sẽ ổn định hơn. Với cách này, thời điểm xiết nước cho cây đang vào mùa nắng nên không cần đậy ni lông quanh gốc mà chỉ bơm cạn nước trong mương, phun thuốc kích thích cây ra hoa. Thu hoạch trái xong tôi xử lý nấm bệnh, bón phân hữu cơ để cung cấp dưỡng chất cho cây đạt năng suất ở vụ sau”.

Hiệu quả từ mô hình chuyên canh sầu riêng càng tạo động lực cho ông Nguyễn Văn Ngó tiếp tục lao động, sản xuất và làm giàu bằng đôi tay cần cù lao động. Từng có bước khởi đầu khó khăn khi chuyển đổi cây trồng, ông sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho các nông dân khác để cùng phát huy lợi thế kinh tế của cây sầu riêng trên đất vườn Phú An.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.