Quản lý đất đai 70 năm xây dựng và trưởng thành
70 năm qua, ngành Quản lý đất đai đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đất nước đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, mà đặc điểm nổi bậc nhất là đất chật người đông, lao động chủ yếu là nông nghiệp, lại phải dành đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, do đó các quan hệ đất đai luôn luôn là vấn đề thời sự vừa phải được giải quyết kịp thời, vừa phải giữ được thế ổn định chính trị, xã hội.
Ngành Quản lý đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thế Anh |
NHỮNG ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC
Trong quá trình vừa xây dựng vừa phát triển, ngành Quản lý đất đai Việt Nam nói chung và ngành Quản lý đất đai Tiền Giang nói riêng từng bước trưởng thành và có những đóng góp lớn lao, đáp ứng ngày càng tốt các yêu cầu phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.
Đóng góp của ngành Quản lý đất đai Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến mọi mặt về dân sinh, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, sử dụng đất đai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực và bảo vệ môi trường.
Điểm nổi bật là ngành Quản lý đất đai đã góp phần ổn định chính trị - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thông qua việc điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên đất đai, quy hoạch sử dụng đất kết hợp với các chính sách đất đai hợp lý và các hoạt động cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước, ngành Quản lý đất đai đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, chống suy thoái tài nguyên đất và góp phần bảo vệ môi trường.
Cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp đã được phân bổ để sử dụng phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động quản lý như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, ngành Quản lý đất đai đã có những đóng góp đáng kể, góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương, ngành Quản lý đất đai tỉnh Tiền Giang đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích đóng góp, trao tặng các danh hiệu cao quý cho tập thể, cá nhân: 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ TN-MT và UBND tỉnh.
70 năm trôi qua, ngành Quản lý đất đai Việt Nam và ngành Quản lý đất đai Tiền Giang đã có những bước phát triển vượt bậc trong tiến trình phát triển chung của đất nước, của địa phương nhưng ngành vẫn còn nhiều mặt khó khăn, thử thách trước mắt. Việc đánh giá, rút ra những kinh nghiệm là rất cần thiết để ngành ngày càng hoàn thiện, vững vàng bước tiếp.
THÁCH THỨC
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra rộng khắp và sâu sắc trên toàn thế giới cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và tiếp theo là nền kinh tế tri thức đòi hỏi các nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy tiến trình cải cách, thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý.
Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển nhảy vọt, thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tri thức, tác động nhiều mặt và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực về đời sống xã hội của tất cả các quốc gia.
Đối với các nước đang phát triển nếu không chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở hạ tầng thông tin - viễn thông, điều chỉnh các quy định về pháp lý... thì nguy cơ tụt hậu ngày càng xa. An ninh lương thực trở thành vấn đề quốc tế trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp.
Ngành Quản lý đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại với những biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới.
Biến đổi khí hậu tác động lên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có tài nguyên đất. Đất đai bị suy thoái, hủy hoại do nhiều nguyên nhân với nhiều biểu hiện đa dạng như hoang mạc hóa, xói mòn, sạt lở, rửa trôi, chua hóa, mặn hóa, ô nhiễm, khủng hoảng hệ sinh thái đất đang diễn biến theo chiều hướng xấu, ngày càng nhanh hơn. Thoái hóa tài nguyên đất càng làm tăng áp lực lên tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực.
Ngay trong nội bộ Quốc gia, ngành Quản lý đất đai vẫn còn phải đối diện với khó khăn, thách thức, đó là: Sự gia tăng dân số và các vấn đề xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ gây ra nhiều áp lực đến tài nguyên đất đai; thoái hóa đất là xu thế phổ biến từ đồng bằng đến trung du và miền núi.
Việt Nam được cảnh báo là 1 trong 5 quốc gia bị tổn thất nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Dự báo biến đổi khí hậu có ảnh hưởng nặng nề đến tài nguyên đất; năng lực quản lý tài nguyên đất đai, khai thác không gian trong lòng đất đòi hỏi phải có sự hoàn thiện và đột phá trước những nhu cầu mới; nguồn lực của ngành Quản lý đất đai còn nhiều khó khăn, bất cập; hạ tầng thông tin và hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; thiếu cán bộ có trình độ cao về chuyên môn, đòi hỏi ngành phải ngày càng đổi mới, phát triển để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai hiện đại.
CHẶNG ĐƯỜNG TIẾP THEO
Trong 5 năm sắp tới (2016 - 2020), với mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, ngành Quản lý đất đai đang đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề - vừa phải bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển bền vững, vừa phải chuyển hóa từ quản lý hành chính về tài nguyên đất đai sang quản lý Nhà nước về kinh doanh tài sản đất đai Quốc gia, làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển.
Về lâu dài, đến năm 2030, ngành Quản lý đất đai phải vượt qua mọi thách thức, đưa công tác quản lý đất đai ngày càng hiện đại từ hệ thống pháp luật đến tổ chức thực hiện; xây dựng được Bộ Luật đất đai để điều chỉnh mọi quan hệ đất đai trong thời kỳ mới; xây dựng xong bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng hệ thống công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời về thông tin đất đai, đăng ký đất đai và chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường sự tiếp cận dịch vụ thông tin đất đai cho mọi đối tượng và phát huy tối đa hiệu quả của quá trình công khai, dân chủ trong quản lý Nhà nước về đất đai; phát triển, hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, phấn đấu đạt được những thành tựu và đóng góp đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện được những nhiệm vụ lớn nêu ra trên đây, ngành Quản lý đất đai cần khẳng định tầm vóc, ý chí của ngành, tổ chức chặt chẽ lại đội ngũ, nâng cao trình độ, năng lực phục vụ, khai thác mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia vào nhiệm vụ quản lý, sử dụng tốt tài sản đất đai Quốc gia.
Đối với ngành Quản lý đất đai Tiền Giang cần phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chung của Trung ương để cụ thể hóa từng nhiệm vụ phù hợp với thực tế của địa phương về ban hành chính sách pháp luật đất đai, xây dựng bản đồ, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện còn lại gắn với cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, cung cấp dịch vụ đất đai ở mức độ 4, công khai minh bạch trong hoạt động và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai của tỉnh...
NHÓM PVKT