Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực hiện “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013.
Ngay sau khi có Quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Kế hoạch hành động 83/KH-UBND triển khai Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng để tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trình diễn máy cấy trên đồng ruộng. Ảnh: Tư liệu |
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 2 NĂM TRIỂN KHAI TÁI CƠ CẤU
1. Về quy hoạch: Tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng các quy hoạch ngành và sản phẩm ngành Nông nghiệp phù hợp với quan điểm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phù hợp các quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Về chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tổ chức sản xuất:
a) Trồng trọt:
- Toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 15.000 ha sang trồng dưa hấu và các loại rau, bắp…; nhiều diện tích chuyển đổi đã đem lại hiệu quả cao so trồng lúa (trung bình tăng 20 - 30%). Sản xuất và cung ứng giống lúa cho nông dân, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống có cấp (nguyên chủng và xác nhận) từ 49% vào cuối năm 2012 lên 63% vào cuối năm 2014; triển khai Kế hoạch thực hiện Cánh đồng lớn sản xuất lúa, diện tích 3.525 ha, với 9 doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất, là bước đệm tạo nền hình thành chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu thụ trên cây lúa. Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tăng đáng kể từ 70% diện tích (năm 2012) lên 86% (năm 2014).
- Trên cây ăn trái: Tiếp tục triển khai sản xuất theo GAP và tổ chức chứng nhận gần 500 ha; tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng giống; tăng cường phòng, chống bệnh trên cây trồng (bệnh đốm nâu trên thanh long và bệnh “chổi rồng” trên nhãn). Xử lý ra hoa nghịch vụ, rải vụ gần 30.000 ha sầu riêng, xoài, khóm, nhãn và thanh long cho sản lượng thu hoạch và tiêu thụ rất thuận lợi; sản lượng sầu riêng được tiêu thụ thuận lợi.
b) Lĩnh vực chăn nuôi: Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, kết hợp với hầm biogas; sử dụng chế phẩm sinh học (EM) để xử lý chất thải, khử mùi hôi trong chuồng trại. Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Công tác quản lý vật tư chăn nuôi, thú y; bảo đảm an toàn thực phẩm giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm được thực hiện chặt chẽ. Để thuận lợi hơn trong công tác quản lý, ngành đã triển khai quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.
Tiếp tục chuyển giao các giống heo lai 3 máu, nhất là đàn nái nền; giống bò Zêbu, gia cầm để tăng chất lượng thịt, trứng và trọng lượng xuất chuồng. Hình thành chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các điểm thu mua sữa của Công ty Vinamilk, trung bình tổng sản lượng sữa xuất đi TP. Hồ Chí Minh khoảng 12 - 15 tấn sữa/ngày; HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công với Công ty San Hà từ 1.000 - 1.500 con gà ta Gò Công/ngày.
c) Lĩnh vực thủy sản: Hướng dẫn áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, đang tập trung hướng dẫn các hộ nuôi cá tra, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ như lưới rê đáy.
Tổ chức triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tính đến tháng 6-2015 Tiền Giang là 1 trong những tỉnh đi đầu trong toàn vùng sông Cửu Long, đã hạ thủy 7 chiếc tàu (có 5 chiếc đã xuất bến).
3. Về đầu tư hạ tầng: Tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình cấp thiết phục vụ cho tái cơ cấu ngành, ổn định dân sinh và phát triển bền vững như đê biển Gò Công, kiểm soát lũ, hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản huyện Tân Phú Đông; các công trình trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
4. Xác định đổi mới hình thức tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu, ngành đã chọn HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công và HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh làm mô hình xây dựng HTX kiểu mới hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tiếp tục duy trì các mô hình liên kết đã có trong Cánh đồng lớn; thực hiện vai trò cầu nối giữa các HTX, tổ hợp tác sản xuất trái cây, rau các loại với các doanh nghiệp, các siêu thị tại TP. Hà Nội nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông, thủy sản.
5. Về xây dựng nông thôn mới, triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 13-7-2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015 tỉnh Tiền Giang có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí và có 19 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới (cơ bản là đạt từ 14 tiêu chí trở lên, các tiêu chí còn lại đạt từ 70% trở lên so với quy định).
Đến thời điểm hiện nay đã có 8/11 xã điểm đạt 19/19 tiêu chí và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới - đạt 109% chỉ tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Riêng đối với các xã diện thì hiện tại bình quân số tiêu chí đạt được tại các xã này là 12,26 tiêu chí/xã và dự kiến đến cuối năm 2015 số tiêu chí đạt được của các xã này ít nhất là 14 tiêu chí/xã, đáp ứng yêu cầu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Mô hình trồng dưa lưới. Ảnh: Mai Anh |
II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
1. Mục tiêu cụ thể:
- Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp (Khu vực I): Bảo đảm vai trò khu vực kinh tế nền tảng, tạo thế ổn định và bền vững cho phát triển chung. Dự kiến năm 2015, giá trị tăng thêm Khu vực I tăng 4,2 - 5%; cơ cấu kinh tế năm 2015 Khu vực I chiếm tỷ trọng 38,8%. Đến năm 2020 giá trị tăng thêm Khu vực I tăng bình quân 5%/năm (2016 - 2020 là 4%/năm); cơ cấu kinh tế Khu vực I đến năm 2020 chiếm khoảng 27,5 - 28,9% GRDP toàn tỉnh.
- Về xây dựng nông thôn mới: Đến năm 2020 có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và 50% số xã còn lại đạt trên 14/19 tiêu chí Quốc gia nông thôn mới.
2. Định hướng phát triển:
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, áp dụng khoa học - công nghệ với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng, mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
3. Nội dung tái cơ cấu từng ngành hàng:
a) Ngành hàng cây ăn trái: Phát triển cây xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng chiến lược theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao; cải tiến quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP; đầu tư phát triển chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết.
b) Ngành hàng lúa gạo: Rà soát vùng quy hoạch chuyên canh (2 dòng sản phẩm); cải thiện cơ cấu giống, tăng quy mô sản xuất; áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật thân thiện môi trường; liên kết Cánh đồng lớn; tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo.
c) Ngành hàng chăn nuôi (bò, heo, chim cút):
+ Sử dụng đàn bò cái nền lai Zêbu để đẩy mạnh công tác cải thiện đàn bò theo hướng chuyên thịt từ tinh bò thịt chất lượng cao. Từng bước chuyển dần từ chăn nuôi bò kiêm dụng, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, nông hộ thâm canh, bán thâm canh; hình thành cộng đồng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định kết nối với thị trường tiêu thụ.
+ Phát triển ngành chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa, tăng chất lượng thịt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; chăn nuôi trang trại gắn với an ninh sinh học, xử lý môi trường kết hợp tái tạo năng lượng phục vụ đời sống hàng ngày.
+ Áp dụng các mô hình cải tiến kỹ thuật trong nuôi chim cút, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
d) Ngành hàng tôm, nghêu:
+ Xây dựng vùng nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC) nhằm đạt được mục tiêu vừa gia tăng sản lượng nghêu do có biện pháp khai thác bền vững, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
+ Xây dựng các mô hình nuôi tôm tiên tiến và hướng đến đạt chứng nhận VietGAP; thực hiện chuyển dịch diện tích nuôi tôm sú sang tôm chân trắng một cách phù hợp.
4. Một số giải pháp trọng tâm sẽ triển khai:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xác định đây là chủ trương lớn xuất phát vì lợi ích của người dân và vì yêu cầu của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.
b) Tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết 6-NQ/TU ngày 20-9-2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 6-12-2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch 83/KH-UBND ngày 25-4-2014 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; rà soát quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
c) Hỗ trợ đầu tư hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật; tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công, đặc biệt là đầu tư hệ thống đê bao kiểm soát lũ, triều cường cho vùng trồng cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1; cho chuyển dịch thời vụ sản xuất lúa ở các huyện phía Tây và vùng nuôi thủy sản huyện Tân Phú Đông.
d) Áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
e) Thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp với tổ chức đại diện nông dân, đơn giản các thủ tục cấp phép đầu tư và đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản phẩm.
f) Đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập dân cư nông thôn.
g) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: Phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các HTX kiểu mẫu và nhân rộng.
h) Cải cách hành chính: Đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường... Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đây là 2 vấn đề phải gắn kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang. Để góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân, trong từng lĩnh vực chỉ đạo, quản lý sản xuất, ngành sẽ tập trung hỗ trợ tương ứng với thế mạnh về đối tượng sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng hy vọng rằng, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự năng động, linh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành và sự đồng thuận của người nông - ngư dân, ngành NN-PTNT sẽ thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
CAO VĂN HÓA
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT