Tiền Giang với những giải pháp nhằm khai thác lợi thế để phát triển
Bài 1: Tiền Giang: Nhận diện lợi thế để phát triển
Bài 2: Những "quả ngọt" đầu mùa từ khai thác lợi thế để phát triển
Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế lạc hậu nên chất lượng và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế chưa cao. Năng suất lao động và trình độ công nghệ còn hạn chế, đã làm giảm khả năng cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư. Đó là những “điểm yếu” của Tiền Giang trong việc tận dụng lợi thế vốn có của mình trong những năm qua.
Dù có diện tích lớn nhất khu vực, nhưng trái cây Tiền Giang đang mất dần vị thế, ngay cả những trái cây có thương hiệu. |
Những vấn đề đặt ra
Song song với những kết quả đạt được trong khai thác lợi thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng Tiền Giang vẫn còn đó những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể: Trên lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất còn nhiều bất cập từ khâu giống, kỹ thuật, chất lượng, giá thành sản phẩm, đến hệ thống tổ chức phân phối, tiêu thụ.
Phần lớn sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Sản xuất nông - ngư nghiệp còn mang tính phân tán và rủi ro cao nên sức hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản còn hạn chế; giá cả đầu ra của nông sản, thủy sản còn bấp bênh; thất thoát sau thu hoạch lớn, do lao động thủ công là chủ yếu nên giá thành sản phẩm cao, hiệu quả thấp.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT: Để nhanh chóng khắc phục tình trạng bị giảm điểm và tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI, đặc biệt là quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, ngày 5-6-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015 - 2016; Trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và phân giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan đến cả quá trình tìm hiểu, thực hiện thủ tục đầu tư; triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Tư pháp và thanh tra các sở, ngành kiểm tra thường xuyên các chỉ tiêu về thời hạn, trình tự thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh những đơn vị chưa thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần Kế hoạch 122/KH-UBND của UBND tỉnh. |
Công tác dự báo thị trường thiếu chính xác, sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào biến động của thị trường. Đặc biệt, diện tích cây ăn trái bình quân/hộ còn thấp, sản xuất còn manh mún nên việc hình thành vườn chuyên canh, cánh đồng lớn còn hạn chế; công tác quy hoạch vẫn chưa được triển khai quyết liệt nên sản phẩm làm ra không đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Nhiều loại trái cây “thương hiệu” của Tiền Giang như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò đang mất dần vị thế do diện tích sản xuất không lớn, đầu ra gặp khó khăn.
Trên lĩnh vực công nghiệp, yếu tố phát triển bền vững chưa cao, cụ thể: Ngoài chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, may mặc, lương thực có khả năng cạnh tranh trên thị trường; còn lại các sản phẩm khác sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Thu hút đầu tư về công nghiệp còn thiếu lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Công nghiệp tuy phát triển mạnh nhưng chưa có sự gắn kết chặt giữa công nghiệp chế biến với phát triển các vùng nguyên liệu nên đôi khi xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu nguyên liệu.
Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém, việc chuẩn bị mặt bằng cho phát triển công nghiệp có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể như các tuyến giao thông nối liền 2 khu vực phát triển công nghiệp là khu vực đông nam Tân Phước và khu vực Gò Công với các tuyến đường giao thông mới chưa được đầu tư.
Về hoạt động xuất khẩu, mặc dù đã cán mốc 1 tỷ USD nhưng mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản, hải sản qua sơ chế, hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm thấp, do đó giá trị và hiệu quả kinh tế chưa cao. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng xuất khẩu còn ít về số lượng và nhỏ về quy mô sản xuất. Thị trường xuất - nhập khẩu tuy mở rộng nhưng thị phần còn nhỏ, chưa ổn định và chưa có bạn hàng lớn.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường đầu tư, Tiền Giang còn có 3 “điểm yếu” cần khắc phục. Đó là mật độ dân số đông (đứng nhóm đầu của khu vực ĐBSCL). Các dịch vụ hỗ trợ, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa có quỹ đất sạch nên chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư; thiếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ mạnh về tài chính, có uy tín… nhằm góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm đầu mối thu hút nguồn vốn đầu tư mới, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Cần Thơ: Tiền Giang cần chú trọng đến cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Tiền Giang cũng chú ý đến phát triển du lịch, đây là thế mạnh của tỉnh mà lâu nay vẫn chưa khai thác hết. Cần cải tiến môi trường kinh doanh để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngoài ra, Tiền Giang cần tập trung phát triển công nghiệp; tăng cường xuất khẩu; tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút FDI nhằm tạo ra giá trị gia tăng và việc làm; tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ cao để tăng giá trị cạnh tranh của các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, vốn là thế mạnh của tỉnh. |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Đệ, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Tiền Giang, thì PCI của Tiền Giang liên tục giảm từ sau năn 2009 đến nay, năm 2014 giảm rất sâu, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành trong cả nước và 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; các chỉ số tiếp tục giảm so với năm 2013 như Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động… đây là những “điểm yếu” của Tiền Giang.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ luôn gặp khó khăn. Xuất khẩu nông sản luôn gặp khó khăn, suy giảm về giá và sản lượng.
Làm thế nào để khai thác tốt hơn
Theo Sở KH-ĐT, để phát huy các lợi thế so sánh của Tiền Giang, trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp và phát triển mở rộng TP. Mỹ Tho; đồng thời chỉnh trang, nâng cấp và phát triển TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, các thị trấn, hình thành các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ mới gắn với các KCN tập trung ở khu vực Gò Công, đông nam Tân Phước…
Cố gắng thu hút lấp đầy các KCN; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các khu du lịch ở khu vực TP. Mỹ Tho (cù lao Thới Sơn), khu vực Gò Công Đông (biển Tân Thành), Tân Phú Đông (cồn Ngang). Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh vai trò đầu mối về thương mại, giao dịch, dịch vụ, du lịch khu vực Bắc sông Tiền của TP. Mỹ Tho gắn với 2 cực đối trọng là TX. Cai Lậy và TX. Gò Công.
Đặc biệt, trong 10 năm tới, tỉnh sẽ chọn ra những lĩnh vực trọng điểm để tạo các bứt phá như: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại cả nông thôn lẫn thành thị. Đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra bức tranh phân bổ dân cư mới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Đệ, Tiền Giang cần cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế, tăng cường thu hút đầu tư chủ động, phát triển doanh nghiệp bền vững trên cơ sở phân tích sâu sát chỉ số PCI cụ thể từng chỉ số thành phần để có giải pháp cải thiện phù hợp.
Tiền Giang có chỉ số PCI thấp nhưng thu hút FDI tăng, do đó thời gian tới hoặc phải cải thiện mạnh hoặc phải chịu sự cạnh tranh. Cần có nhiều hơn các cuộc họp mặt, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và công tác truyền thông.
DUY SƠN