Chủ Nhật, 13/09/2015, 05:49 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp hiệu quả đưa hàng Việt về nông thôn

Nhận định thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng trong tiêu thụ hàng hóa. Do đó, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn và xây dựng Bản đồ phân phối hàng Việt về nông thôn. Đây được xem là những giải pháp mang lại hiệu quả trong việc “khai thông”, đưa hàng Việt về thị trường tiềm năng này.

Các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn ngày càng thu hút người dân tham quan, mua sắm.
Các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn ngày càng thu hút người dân tham quan, mua sắm.

Chương trình “khai thông” hàng Việt về nông thôn

Thực hiện theo tinh thần Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Sở Công thương cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch đã thực hiện Chương trình “Khuyến mại và tiêu dùng hàng Việt Nam”; “Hàng Việt về nông thôn”.

Thông qua các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiếp cận, mua sắm hàng hóa, đặc biệt là hàng Việt của người dân nông thôn. 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, trong hơn 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh diễn ra 10 hội chợ phát triển kinh tế thương mại - nông nghiệp, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và khoảng 140 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với gần 3.000 lượt doanh nghiệp tham gia.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Bởi hầu hết các DN đều nhận thấy hiệu quả lâu dài của chương trình này, với mức sống cũng như mức chi tiêu của người dân nông thôn đang từng ngày được nâng lên.

Cụ thể là trong nhiều Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ có sự tham gia của các DN trong tỉnh mà có cả các DN ngoài tỉnh với nhiều ngành hàng như: Bột Vĩnh Thuận, bánh kẹo Bidrico, kem đánh răng Dạ Lan, nhựa Duy Tân, hàng điện tử VTB…

Ông Võ Chí Thành, chủ doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Dịch vụ Thành Phát (TP. Mỹ Tho), một đơn vị thường xuyên tham gia các đợt đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua, cho biết:

“Khi tham gia các phiên chợ hàng Việt ở nông thôn, DN đều không đặt nặng vấn đề doanh thu mà xem đây là dịp góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước. Nhưng kết quả lại không ngờ là trong những năm qua, thương hiệu của doanh nghiệp đã được nhận biết ở nhiều vùng sâu, vùng xa, hệ thống đại lý cũng được mở nhiều hơn đến tận các chợ xã”.

Còn bà Phan Kim Hoàn, chủ cơ sở sản xuất nước rửa chén 9 Rồng (Vĩnh Long), một đơn vị thường xuyên tham gia bán hàng tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh cho rằng, tham gia các phiên chợ bán hàng ở nông thôn là cơ hội tốt nhất để các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường và đối tác để mở đại lý.

Bà Nguyễn Thị Bé Năm, một người tiêu dùng ở xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo), nơi đã từng có nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức, cho rằng:

“Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận, mua sắm hàng Việt một cách dễ dàng hơn. Từ đó tạo cho họ niềm tin hơn đối với hàng Việt và không ít gia đình ở nông thôn bây giờ chủ yếu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cần được tổ chức quy mô, thường xuyên và cải tiến hơn. Đây được xem là điều kiện để doanh nghiệp và người dân nông thôn cùng đồng hành hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, chính các chương trình, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã để lại dấu ấn hàng Việt và tạo hiệu ứng, góp phần làm thay đổi xu hướng mua sắm hàng Việt ngày càng nhiều hơn ở người tiêu dùng. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng Việt tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có cơ hội quảng bá sản phẩm, tiếp xúc với tiểu thương, người tiêu dùng, hiểu rõ hơn về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Quan trọng hơn hết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được nhân dân hưởng ứng tích cực, thể hiện qua việc đông đảo bà con tham gia mua hàng và các hoạt động khác của các chương trình bán hàng Việt ở vùng nông thôn.

Hàng may mặc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ngày càng được các tiểu thương chọn lựa để buôn bán nhiều hơn (ảnh chụp ở Chợ Cai Lậy, TX. Cai Lậy).
Hàng may mặc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ngày càng được các tiểu thương chọn lựa để buôn bán nhiều hơn (ảnh chụp ở Chợ Cai Lậy, TX. Cai Lậy).

Xây dựng bản đồ phân phối hàng Việt về nông thôn

Nhiều DN đang cố gắng xây dựng bản đồ phân phối tới các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang, nơi mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến hàng hóa của các DN trong nước, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, may mặc, giày da...

Ghi nhận thực tế cho thấy, sau một loạt thông tin về những loại hàng hóa Trung Quốc chứa chất bảo quản ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người tiêu dùng ở vùng sông nước này đã chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm nội địa.

Theo khảo sát thực tế, tại một số chợ ở các vùng nông thôn của TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, sự hiện diện của sản phẩm trong nước tăng lên khá nhiều so với trước, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, may mặc.

Chị Thanh Hương, một tiểu thương kinh doanh hàng may mặc tại chợ Cai Lậy (TX. Cai Lậy) cho biết, nhiều tiểu thương thời gian gần đây đã hạn chế bán sản phẩm may mặc của Trung Quốc, chuyển sang lấy quần áo may sẵn (mua sỉ) ở chợ Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) về bán lại cho người dân sử dụng.

“Đây là những sản phẩm do các cơ sở nhỏ lẻ ở TP. Hồ Chí Minh may theo đơn đặt hàng và sau đó cung cấp sỉ cho cửa hàng kinh doanh, tiểu thương ở các chợ của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” - chị Hương cho biết.

Vấn đề của các DN hiện nay là mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm về thị trường nông thôn. Cách đây khoảng 5 năm, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) đã khởi xướng việc thành lập bản đồ phân phối hàng Việt nông thôn.

Ông Lê Minh Quân, Trưởng Dự án Chương trình hàng Việt về nông thôn của BSA cho biết, bản đồ phân phối hàng Việt về nông thôn do BSA phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành thực hiện. Có được bản đồ phân phối, các DN sẽ nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, để biết họ đang cần món hàng gì, chất lượng ra sao, chế độ hậu mãi thế nào.

DN chỉ việc xuống tận nơi đã được đánh dấu trên bản đồ, thương lượng với các điểm bán lẻ, đại lý để phân phối hàng đến tay người tiêu dùng. Tới thời điểm này, việc triển khai thực hiện bản đồ phân phối hàng Việt đã vươn tới một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.