Chuyển mình từ chính doanh nghiệp
Giai đoạn 2011 - 2015, nền kinh tế cả nước chứng kiến nhiều bước ngoặt quan trọng do tác động của nhiều yếu tố; từ đó nhiều nhóm, ngành bị suy giảm nghiêm trọng do gặp khó khăn. Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh không nằm ngoài bức tranh chung này.
Công bằng mà nói, ngoài một số DN ở mỗi nhóm ngành gặp khó khăn, “rơi rụng” nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các DN trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều nhân tố mới. Sự chuyển mình vươn lên từ chính các DN ở nhiều nhóm ngành khác nhau trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đã thực sự mạng lại nhiều ý nghĩa.
Ông Phạm Đức Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phú Đạt (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) cho biết, những năm qua do nhu cầu phát triển và mở rộng sản xuất, chúng tôi đã đầu tư dự án tại huyện Gò Công Đông. Được thành lập năm 2009, Công ty TNHH SXTM Phú Đạt chuyên sản xuất các mặt hàng lưới phục vụ cho ngành Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, với công nghệ cao.
Tất cả các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn mới nhất của Nhật Bản, một trong những thị trường tiêu thụ truyền thống của công ty. Những năm đầu thành lập, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước. Thế nhưng, với những nỗ lực của công ty cùng với sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành và địa phương, công ty đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt.
Cụ thể, nếu như giá trị xuất khẩu (XK) của công ty năm 2013 chỉ đạt 3,2 triệu USD thì sang năm 2014 đạt 3,8 triệu USD và năm 2015 dự kiến đạt 5 triệu USD. Bên cạnh đó, công ty đã giải quyết việc làm cho 400 lao động tại nhà máy; tổ chức được 2 cơ sở gia công tại địa phương, tạo thêm việc làm cho 300 hộ gia đình, với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/hộ/tháng.
Sự chuyển mình vươn lên từ chính các DN thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. |
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong chặng đường vừa qua, ông Phạm Đức Thuyên cho rằng, trước hết là công ty tập trung đổi mới công nghệ sản xuất cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của khách hàng; đặc biệt là nhập công nghệ sản xuất từ thị trường tiêu thụ Nhật Bản; đồng thời cử nhóm nhân viên kỹ thuật sang học tập kinh nghiệm vận hành.
Bên cạnh đó, công ty chủ động về nguồn vốn kinh doanh và nguyên liệu. Đặc biệt là đối với nguyên liệu sản xuất, công ty luôn tranh thủ những thời điểm giá xuống thấp để nhập vào kho với số lượng lớn, chủ yếu là nguyên liệu thô. Từ đó, công ty chủ động được nguyên liệu sản xuất trong thời gian dài và có giá thành cạnh tranh hơn.
“Hiện nay, công ty thực hiện chủ trương là không tập trung nhiều lao động tại nhà máy mà làm theo cơ chế khoán sản phẩm cho công nhân để thực hiện theo mô hình gia công tại các hộ gia đình, nên số lượng sản phẩm sản xuất ra tăng rất nhanh trong khi lực lượng lao động trực tiếp tại công ty tăng không đáng kể” - ông Phạm Đức Thuyên cho biết.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua ngành Lương thực chứng kiến những biến chuyển một cách nặng nề nhất, nhiều DN trong ngành rơi vào cảnh khó khăn hoặc sụt giảm các chỉ tiêu kinh doanh một cách nghiêm trọng, nhưng cũng có một số DN tăng trưởng khá tốt. Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè) là một trong những điển hình như thế.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, trong 5 năm qua mỗi năm công ty đều có sự tăng trưởng khá. Nếu như năm 2010, công ty chỉ XK khoảng 15.000 tấn gạo; những năm kế tiếp tốc độ tăng trưởng của công ty dao động từ 50 - 60%, có năm tăng 100%. 3 năm liên tiếp gần đây, công ty đều XK dao động từ 100.000 - 115.000 tấn gạo.
“Tình hình XK gạo đạt được như thế trong lúc kinh tế gặp khó khăn, một phần là nhờ lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến vấn đề mở rộng thị trường, bên cạnh là vấn đề marketing, giữ chữ tín đối với khách hàng. Từ đó, sản phẩm của Công ty TNHH Việt Hưng được khách hàng tín nhiệm. Hiện nay, công ty đang XK loại gạo với giá cao, nhờ loại gạo do công ty chế biến đạt được yêu cầu của khách hàng” - ông Nguyễn Văn Đôn phân tích.
Ông Nguyễn Văn Đôn phân tích thêm, hiện nay Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương để hỗ trợ cho hoạt động SXKD của DN, nhưng thực sự DN được hưởng lợi từ các chủ trương này chưa nhiều. Tuy nhiên, vấn đề xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính đã có chuyển biến rất tốt, hỗ trợ tích cực cho hoạt động SXKD của công ty.
“Công ty hiện đang trăn trở là cần nâng cao chất lượng gạo để đi vào các thị trường khắt khe hơn, với mức giá tốt hơn. Nhưng thực sự là hiện nay hạt gạo Việt Nam cũng chưa đủ tầm đi vào các thị trường khắt khe này do nhiều yếu tố tác động từ sản xuất, giống, chế biến...” - ông Nguyễn Văn Đôn cho biết.
Nhóm DN tạo ra nhiều điểm nhấn nhất trong thời gian qua có lẽ là từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng trưởng về số lượng, mà còn không ngừng nâng cao về quy mô hoạt động thông qua các chỉ tiêu về tăng vốn đầu tư mở rộng SXKD, giá trị XK và nộp ngân sách Nhà nước.
Một trong những DN tạo ra những điểm nhấn cho khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH VBL Tiền Giang. Theo tính toán của ngành Thuế, dự kiến đến cuối năm 2015, đơn vị này sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng, trở thành một trong những đơn vị có số nộp ngân sách Nhà nước cao nhất tỉnh.
Sự tăng trưởng của Công ty TNHH VBL Tiền Giang thời gian qua thông qua việc đầu tư vào dự án mở rộng công suất nhà máy bia từ 65 triệu lít bia/năm lên 150 triệu lít bia/năm, được triển khai từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2014. Với dự án mở rộng công suất nhà máy bia lần này, VBL Tiền Giang đã lắp đặt các trang thiết bị, máy móc hiện đại, cùng với quy trình công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 1.060 tỷ đồng (tương đương 50,5 triệu USD). Với quy mô của dự án sau khi hoàn thành, VBL Tiền Giang trở thành một trong những nhà máy bia hiện đại nhất Việt Nam.
Phát biểu với các DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do cấp khu vực và quốc tế như: Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi có hiệu lực sẽ mở ra cho DN nhiều cơ hội mới; đồng thời cũng đi kèm với những thách thức mới, trong đó một số ngành nghề có nhiều cơ hội thuận lợi như ngành dệt may, thủy - hải sản; đồng thời cũng có nhóm ngành nghề sẽ chịu tác động mạnh, nhất là đối với ngành nông nghiệp.
“Cộng đồng DN cần nghiên cứu sự tác động từ những thời cơ, thách thức do các hiệp định thương mại mang lại, có chiến lược đầu tư dài hạn, chủ động tìm ra những ý tưởng đầu tư, kinh doanh cho mình trong tương lai, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh, đoàn kết, hợp tác nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp...” - ông Nguyễn Văn Khang đề nghị.
THẾ ANH