Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế về xuất khẩu
Theo báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng khá. Đây là một trong những dấu hiệu khả quan trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 9 tháng năm 2015 đạt 1.289,2 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước thực hiện 20,2 triệu USD, bằng 17,3% so với cùng kỳ; kinh tế ngoài Nhà nước thực hiện 416,8 triệu USD, tăng 19,1% so cùng kỳ và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 852,2% triệu USD, tăng 39,4% so cùng kỳ.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty TNHH Freeview Industrial (100% vốn của Đài Loan) ở khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành). |
Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với các mặt hàng xuất khẩu tăng ở mức cao như: Dệt may đạt 267,8 triệu USD, tăng 25% so với cùng và chiếm 20,8 trị giá xuất khẩu của tỉnh; giày dép các loại đạt 226,9 triệu USD, tăng 20,9% so cùng kỳ; túi xách sản phẩm bằng nhựa đạt 322,6 triệu USD, tăng 72,4% so cùng kỳ...
Trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm dệt may, rau quả, gạo và thủy sản thì có 2 mặt hàng dệt may và rau quả đều có kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ. Còn lại gạo và thủy sản có kim ngạnh xuất khẩu giảm. Hàng thủy sản, xuất khẩu được 90.047 tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ, về giá trị đạt 204,3 triệu USD, giảm 8,9% so cùng kỳ.
Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm là do giá cá tra nguyên liệu luôn biến động. Cụ thể, trong đầu tháng 1-2015 tăng 500 đồng/kg; sang tháng 2-2015 giảm khoảng 400 - 600 đồng/kg và sau Tết Nguyên đán 2015, giá ổn định. Sang quý II-2015, mặt hàng cá tra xuất khẩu chủ yếu sang thị trường EU và các nhà nhập khẩu liên tục đòi hạ giá bán, bởi đồng Euro mất giá nên ảnh hưởng đến giá trị hàng thủy sản.
Riêng mặt hàng gạo, xuất khẩu được 139.376 tấn, giảm 15,8% so với cùng kỳ, về trị giá đạt 60 triệu USD, bằng 79,3% so cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê tỉnh, nguyên nhân xuất khẩu gạo gặp khó khăn là do trong quý I-2015, tỉnh tập trung thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 được khoảng 83 ngàn tấn; sang quý II-2015, tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, cụ thể trong tháng 5-2015, giá chào bán gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp từ 355 - 365 USD/tấn, với loại gạo 5% tấm, mức giá này thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 USD/tấn so với gạo Pakistan và 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan.
Đến đầu quý III-2015, giá gạo ở mức thấp, giá chào bán gạo 5% tấm là 350 USD/tấn, thậm chí có những doanh nghiệp bán phá giá chỉ còn 340 USD/tấn, trong khi đó gạo Ấn độ, Pakistan thấp nhất cũng từ 370 - 380 USD/tấn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn gặp khó từ đầu năm 2015 đến nay, do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường gạo thế giới...
Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu của tỉnh vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp FDI, mặc dù giá trị xuất khẩu đã tăng rất cao, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, nên thực chất giá trị mang lại cho địa phương không lớn, chủ yếu là giải quyết lao động.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 769,8 triệu USD, tăng 21% so cùng kỳ, trong đó kinh tế ngoài Nhà nước đạt 200,2 triệu USD, tăng 34%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 569,6 triệu USD, tăng 28,9%. Hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 764 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
PHƯƠNG NGHI