Thị trường lúa gạo: Nhiều tín hiệu khả quan
Chưa đầy 1 tháng, ngành lúa gạo Việt Nam đón nhận 2 tin vui, khi trúng thầu bán 450.000 tấn gạo cho Philippines và 1 triệu tấn gạo cho Indonesia. Theo đó, thị trường lúa gạo nội địa cũng như xuất khẩu được dự báo sẽ khả quan từ nay cho đến đầu năm 2016.
Thị trường lúa gạo có nhiều tín hiệu khả quan, nông dân phấn khởi. |
Chặn đà suy giảm
Kể từ khi Việt Nam giành được hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo, loại 25% tấm cho Philippines ngày 17-9-2015, xu hướng giảm giá trên thị trường lúa gạo nội địa đã chững lại. Tiếp đó, sau khi Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, giá lúa gạo thị trường nội địa bắt đầu “nhích” dần, tăng từ 300 - 400 đồng/kg chỉ trong khoảng hơn 1 tháng qua.
Theo các thương lái kinh doanh lúa gạo ở khu vực chợ Bà Đắc (một trong những chợ chuyên kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè) cho biết, thị trường lúa gạo đang khá sôi động, với giá lúa, gạo đều tăng mạnh.
Cụ thể, hiện giá lúa khô tại kho loại thường từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.300 - 5.400 đồng/kg. Hiện giá gạo thành phẩm 5% tấm từ 7.200 - 7.300 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 7.100 - 7.200 đồng/kg và gạo 25% tấm từ 6.800 - 6.900 đồng/kg. So với cuối tháng 9-2015, giá lúa nguyên liệu tăng từ 100 - 200 đồng/kg, giá gạo thành phẩm tăng từ 300 - 450 đồng/kg.
Theo các chủ ghe chuyên đi thu mua lúa ở chợ Bà Đắc, lúa càng lên giá càng khó mua, do tâm lý nông dân chờ giá lên thêm. Hiện nay, bất ngờ nhất là lúa IR50404 được tiêu thụ mạnh. Tại Cần Thơ, thương lái thu mua lúa tươi IR 50404 với giá từ 4.200 - 4.300 đồng/kg, lúa khô từ 5.100 - 5.300 đồng/kg. Bên cạnh đó, các giống lúa hạt dài như OM 5451, OM 2517 cũng tăng giá, lúa tươi từ 4.500 - 4.800 đồng/kg, lúa khô từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè), thông tin trúng thầu 2 hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines và Indonesia đã làm thay đổi diễn biến thị trường lúa gạo nội địa ở ĐBSCL. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đàm phán các hợp đồng tiếp theo, bao gồm cả hợp đồng thương mại. “Nhưng ở góc độ của nông dân, họ không được lợi vì lúa sau khi thu hoạch cơ bản đã được bán ra trước đó hết” - ông Đôn cho biết.
Theo đó, nhiều nông dân trồng lúa trong tỉnh cũng như vùng ĐBSCL đã không thật sự hào hứng khi đón nhận tin Việt Nam vừa trúng thầu xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn gạo. Anh Dương Văn Mến (huyện Cái Bè), thương lái thu mua lúa ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang cho rằng thời điểm Việt Nam có thêm những hợp đồng xuất khẩu gạo mới cũng là lúc vụ thu đông sắp kết thúc, lượng lúa trên đồng không còn nhiều. Do đó, không nhiều nông dân hưởng lợi từ việc giá lúa tăng. Rất nhiều nông dân khi nghe tin giá lúa tăng đã tiếc rẻ vì đã bán lúa tươi tại ruộng gần hết trước đó.
Giá sẽ tốt lên
Sau khi trúng liên tiếp 2 gói thầu với tổng khối lượng lên đến 1,45 triệu tấn gạo cung cấp cho Philippines và Indonesia, thị trường lúa gạo nội địa đã sôi động hẳn lên. Giá lúa gạo nội địa lẫn xuất khẩu cũng đã có sự cải thiện đáng kể.
Trước hết, việc Việt Nam trúng thầu 450.000 tấn gạo (trong đợt đấu thầu ngày 17-9) cung ứng cho Philippines trong những tháng cuối năm 2015 và quý I-2016, với giá 426,6 USD/tấn, được coi là một “cú hích” cần thiết cho thị trường lúa gạo trong nước. Bởi theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu trừ đi cước vận chuyển, phí bảo hiểm... thì giá FOB ở Việt Nam cho lô hàng 450.000 tấn gạo đi Philippines nói trên sẽ vào khoảng 330 USD/tấn.
Nếu so với giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong những ngày cuối tháng 9-2015, thì giá trúng thầu bán cho Philippines tốt hơn nhiều. Bởi giá FOB là 330 USD/tấn cho gạo 25% tấm, sẽ tương đương với giá gạo thành phẩm 25% tấm là 7.500 - 7.600 đồng/kg, trong khi giá gạo thành phẩm 25% tấm đang giao dịch ở ĐBSCL hiện chỉ ở mức 6.800 - 6.900 đồng/kg.
Bên cạnh đó, việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam ban hành giá hướng dẫn mới với gạo xuất khẩu ngay sau khi trúng thầu xuất khẩu 450.000 tấn gạo sang Philippines, cũng sẽ có tác dụng giúp tạo mặt bằng giá mới cho gạo Việt Nam theo hướng tăng lên so với thời gian qua khi mà giá các loại gạo trắng xuất khẩu đều đã xuống rất thấp. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 25-9, giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo trắng 25% tấm là 340 USD/tấn (giá FOB), đóng bao 50kg. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác sẽ do các thương nhân tính toán và quyết định.
Hiện nhiều doanh nghiệp thu mua gạo trong tỉnh và ở ĐBSCL đang đẩy mạnh thu mua gạo hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có phân bổ chỉ tiêu cụ thể trong việc đưa gạo sang Philippines vào tháng 11 và tháng 12 sắp tới. Vì vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới, giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL sẽ còn tăng lên nữa, ít nhất là vài trăm đồng mỗi kg.
Thông tin từ một số doanh nghiệp cho thấy, giá gạo xuất khẩu cũng đang có xu hướng được cải thiện. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 25% tấm của Việt Nam vào ngày 19-10 đã tăng lên ở mức 345 - 355 USD/tấn, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 365 - 375 USD/tấn. Cả 2 loại gạo xuất khẩu này đều tăng 10 USD/tấn so với ngày 15-10.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu. |
Về hợp đồng tập trung cung cấp 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, mức giá thỏa thuận không được tiết lộ. Nhưng theo Bộ Công Thương, giá cung cấp gạo trong hợp đồng mới này khá tốt, cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình của các doanh nghiệp trong nước hiện nay. Hợp đồng mới này sẽ bảo đảm giúp ổn định hoạt động thu mua, kinh doanh lúa gạo trong nước những tháng tới. Trong số 1 triệu tấn gạo của hợp đồng mới này, có 750.000 tấn loại 15% tấm và 250.000 tấn loại 5% tấm, giao hàng từ tháng 10-2015 đến quý I-2016.
Với 2 hợp đồng tập trung này, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu những tháng vừa qua trầm lắng, việc trúng 2 gói thầu có ý nghĩa rất lớn, kéo theo mặt bằng giá thu mua lúa gạo của bà con cao lên so với mức trước đó từ 200 - 300 đồng/kg. Nếu được phân bổ, công ty có khả năng đáp ứng được số lượng, không lo nguồn cung.
Theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu căn cứ vào thời gian giao hàng từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016 thì bình quân khối lượng gạo cần giao cho 2 hợp đồng này chỉ khoảng hơn 240.000 tấn/tháng, tức từ nay đến cuối năm 2015, tổng khối lượng gạo cần giao chỉ khoảng 720.000 tấn.
Như vậy, khi cân đối với số gạo còn tồn kho, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được. Cùng với đó là những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt sẽ không có khả năng xảy ra, ít nhất trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm. Bởi đối với số lượng gạo sẽ giao trong quý I-2016 (khoảng 720.000 tấn), nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể từ vụ lúa thu đông 2015 và vụ đông xuân 2015 - 2016.
PHƯƠNG NGHI
Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 10-2015, Tiền Giang xuất khẩu 12.242 tấn gạo, giảm 21% so tháng trước. Trong 10 tháng của năm 2015, tỉnh xuất khẩu 152.615 tấn gạo, giảm 16,4% so 10 tháng năm 2014. Về trị giá đạt 65 triệu USD, giảm 22,4% so cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2015 so với 10 tháng năm 2014 giảm 7,2% (giảm 32,9 USD/tấn). Nhu cầu nhập gạo tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu hồi phục tích cực, khi Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonesia. Điều này sẽ giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới khả quan hơn. |