Thứ Hai, 19/10/2015, 10:10 (GMT+7)
.

Thu hút đầu tư trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với nhận diện những hạn chế, khó khăn của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, cộng với định hướng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì việc thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung vào thế mạnh kinh tế riêng của 3 vùng trong tỉnh theo cụm liên kết huyện, thành phố, thị xã để phát huy tiềm năng kinh tế và nguồn nhân lực sẵn có, tạo thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Một góc KCN Mỹ Tho.
Một góc KCN Mỹ Tho.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), vùng kinh tế - đô thị trung tâm: Gồm TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành, trong đó TP. Mỹ Tho là đô thị trung tâm của tỉnh. Vùng kinh tế - đô thị phía Đông: Gồm TX. Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, trong đó TX. Gò Công là đô thị hạt nhân.

Vùng kinh tế - đô thị phía Tây: Gồm TX. Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, trong đó TX. Cai Lậy là đô thị hạt nhân. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản (lúa gạo, trái cây); nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thương mại - dịch vụ chợ đầu mối nông sản; khai thác du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, vùng Đồng Tháp Mười.

Về những giải pháp thu hút đầu tư cho từng vùng, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Đối với vùng kinh tế - đô thị trung tâm cần phát huy tối đa những tác động tích cực của đoạn đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương mang lại, tập trung mời gọi đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu dân cư để chỉnh trang và phát triển TP. Mỹ Tho lên đô thị loại 1.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của vùng, nâng chất Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, KCN Tân Hương, phát triển Khu du lịch Thới Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành. Tập trung mời gọi đầu tư các dự án phát triển giáo dục, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần chú trọng làm tốt công tác lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để làm cơ sở mời gọi đầu tư.

Những mặt còn hạn chế trong thu hút đầu tư của Tiền Giang

Công tác quy hoạch chất lượng vẫn chưa cao; thiếu sự đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Tầm nhìn dài hạn, khả năng dự báo, định hướng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, chủ yếu là DN vừa và nhỏ năng lực vốn và kinh nghiệm còn hạn chế, vì vậy chưa đủ sức để thực hiện các dự án lớn. Do đó, cần chú trọng thu hút nguồn vốn từ các DN ngoài tỉnh và các nhà đầu tư nước ngoài để cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện nhưng chất lượng vẫn chưa bảo đảm.

Môi trường đầu tư của tỉnh chưa được cộng đồng DN đánh giá cao. Điều này phản ánh qua chỉ số PCI của Tiền Giang lên xuống thất thường, năm 2014 xếp hạng 52/63. Chỉ số PCI năm 2014 của tỉnh xếp vào nhóm có chỉ số PCI được đánh giá là tương đối thấp.

Với vùng kinh tế - đô thị phía Đông: Phát huy lợi thế của Sông Soài Rạp và Cầu Mỹ Lợi, tập trung mời gọi đầu tư các dự án cảng biển tổng hợp và khu dịch vụ hậu cần cảng biển, KCN Bình Đông, KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp và các dự án khu đô thị mới, khu dân cư, khu du lịch sinh thái biển và ven sông Tiền theo quy hoạch được duyệt.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch Vùng phát triển công nghiệp khu vực Gò Công phù hợp với tình hình thực tế, tập trung nguồn lực để đầu tư Đường tỉnh 871B, Quốc lộ 50 và hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng.

Rà soát lại quy hoạch và có kế hoạch mời gọi đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị tại TX. Gò Công.

Nghiên cứu, quy hoạch và mời gọi đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái tại huyện Tân Phú Đông.
Với vùng kinh tế - đô thị phía Tây:

Sẽ tiếp tục đầu tư ĐT 878 để kết nối giao thông vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước với đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, tạo tiền đề mời gọi đầu tư các dự án KCN Long Giang, KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, sân Golf, khu nghỉ dưỡng, các khu dân cư, khu đô thị mới, các dự án phát triển giáo dục, khu xử lý rác thải tại huyện Tân Phước.

Tiếp tục quy hoạch vị trí và diện tích đất để phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng miệt vườn để mời gọi đầu tư, đón nhận các tác động tích cực từ dự án đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chú trọng công tác quy hoạch các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại TX. Cai Lậy.

“Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư vào từng vùng kinh tế theo đặc thù của các địa phương, cùng với việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thu hút đầu tư trong thời gian qua, tỉnh sẽ tập trung được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo đúng mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020” - ông  Trần Văn  Dũng cho biết.

DUY SƠN

Kết quả huy động vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ 2010 -2015

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trong 5 năm 2011 - 2015 ước đạt trên 96.700 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 và đạt khoảng 80,6% so mục tiêu kế hoạch đề ra 120.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư công là 10.500 tỷ đồng, tăng 1,73 lần so giai đoạn 2006 - 2010, bằng 87,5%  mục tiêu kế hoạch đề ra 12.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vốn thu hút đầu tư từ các DN trên địa bàn tỉnh trong 5 năm khoảng 133 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.384 tỷ đồng, trong đó có 48 dự án đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.599 tỷ đồng và 85 dự án đầu tư ngoài các KCN với tổng vốn đầu tư 11.825 tỷ đồng.

5 năm qua, tỉnh đã thu hút được 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.041 triệu USD, tăng 6 dự án và tăng gấp đôi lượng vốn đầu tư so với cùng kỳ 5 năm trước. Tính đến cuối tháng 9-2015, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.629 triệu USD.

Quy mô vốn FDI thu hút của tỉnh Tiền Giang đứng hạng 29 trong cả nước, đứng thứ 3 so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (xếp sau Long An và Kiên Giang).

 

.
.
.