Các khu, cụm công nghiệp đón "sóng" Hiệp định TPP
Qua gần 18 năm thành lập và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh đang từng bước thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm và tạo đà vững chắc cho các bước phát triển tiếp theo, nhất là đón “sóng” Hiệp định TPP.
Tiến độ khai thác các KCN, CCN
Nhớ lại trong những năm thập niên 1990, khi ngành Công nghiệp tỉnh nhà mới manh nha phát triển thì được phép của Chính phủ, vào tháng 9-1998, tỉnh tiến hành khởi công KCN Mỹ Tho trên khu đất rộng 79,14 ha. Trong điều kiện ra đời sớm và khó khăn, thế nhưng KCN Mỹ Tho đã vượt qua để đón đầu phát triển.
Thành công nối tiếp thành công, theo sau KCN Mỹ Tho, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh ra đời và hoạt động hiệu quả như: KCN Tân Hương (huyện Châu Thành), KCN Long Giang (huyện Tân Phước); CCN Trung An, CCN Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), CCN An Thạnh (huyện Cái Bè)...
May mặc là ngành hàng mà Tiền Giang có nhiều tiềm năng phát triển và có số dự án chiếm khá cao ở các KCN của tỉnh. |
Tính đến nay, toàn tỉnh có 7 KCN, với tổng diện tích 2.083,47 ha, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động, với diện tích 1.101,47 ha, chiếm 52,86% diện tích đất quy hoạch KCN. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê của các KCN đạt như sau: KCN Mỹ Tho (diện tích 79,14 ha) lấp đầy 100%, KCN Tân Hương (diện tích 197 ha) lấp đầy đạt 98,93%, KCN Long Giang (diện tích 540 ha) lấp đầy 40,98% và KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp Tiền Giang (diện tích 285 ha) lấp đầy 13,08%. Còn lại 3 KCN: KCN Bình Đông (diện tích 212 ha), KCN Tân Phước 1 (diện tích 470 ha) và KCN Tân Phước 2 (diện tích 300 ha) đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục và kêu gọi đầu tư.
Hiện các KCN của tỉnh thu hút 77 dự án (bao gồm 2 dự án đang xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh), trong đó có 51 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng vốn đầu tư của các dự án là 1,38 tỷ USD và 3.984 tỷ đồng. Trong 4 KCN đang hoạt động đã giải quyết việc làm cho 67.794 lao động, trong đó có 404 lao động nước ngoài.
Về đầu tư phát triển CCN, trên địa bàn tỉnh có 4 CCN đang hoạt động, với 86 dự án (có 7 dự án FDI); tổng số vốn đầu tư đăng ký 3.121 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng 77,53 ha. Các CCN trong tỉnh đều có tỷ lệ diện tích đất cho thuê lấp đầy từ 88,05 - 100%, cụ thể: CCN An Thạnh (diện tích 10,04 ha) đã lấp đầy 100%, CCN Song Thuận (diện tích 57,9 ha) lấp đầy 88,05%, CCN Tân Mỹ Chánh (diện tích 23,5 ha) lấp đầy 100% và CCN Trung An (diện tích 17,5 ha) lấp đầy 100%. Với hoạt động của 4 CCN đã giải quyết việc làm cho 12.800 lao động, trong đó có 14 lao động nước ngoài.
Sự đầu tư của nhiều thành phần kinh tế vào các KCN, CCN với sự đa dạng của các lĩnh vực đầu tư như: Sản xuất linh kiện điện và điện tử, ống đồng; chế biến nông - lâm - thủy sản, thức ăn thủy sản, thức ăn gia sức, gia cầm; dệt may, giày da, nhựa... đã làm cho công nghiệp Tiền Giang thêm phong phú, thiên về xu hướng công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn và sức cạnh tranh ngày càng mạnh hơn.
Ông Cao Minh Tâm, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang cho rằng, sự hình thành và phát triển KCN, CCN đã có những đóng góp đáng kể trong việc tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm hơn 65% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Bên cạnh đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách. Các KCN, CCN còn là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và xây dựng tác phong lao động công nghiệp.
Đón “sóng” Hiệp định TPP
Các hiệp định kinh tế, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 thành viên bao gồm có Việt Nam, vừa kết thúc vòng đàm phán, đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9-2015, cả nước có 299 KCN được thành lập, với tổng diện tích 84.000 ha, trong đó có 212 KCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất cho thuê 26.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 48%. Về thu hút FDI trong 9 tháng qua, tổng số vốn FDI vào KCN, khu kinh tế cả nước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2015 đã thu hút 4 dự án FDI, trong đó có 3 dự án ở KCN Long Giang và 1 dự án ở KCN Tân Hương, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 1 dự án; tổng vốn đầu tư đăng ký mới 43 triệu USD; tổng diện tích thuê đất 9,35 ha.
Theo nhận định của các chuyên gia, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, nhất là những nước nhập khẩu nhiều sản phẩm của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản... Nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tái nhập các sản phẩm của Việt Nam nhờ vào việc miễn thuế. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhắm đến các KCN tại các tỉnh, thành phía Nam để “an cư”.
Chưa kể, nhiều tập đoàn lớn đang khẩn trương chuyển nhà máy từ các nước ngoài khối TPP như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ... sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. Điều này sẽ gia tăng nhu cầu thuê đất để xây nhà máy, làm kho bãi...
Với riêng ngành may mặc, khi TPP có hiệu lực, đây là ngành có nhiều lợi thế nên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam nhiều hơn. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cũng sớm đưa ra dự báo, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tăng cường đầu tư xây dựng các KCN dệt may và triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam mà Tiền Giang đang có tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng này. Khi đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới vào vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước của tỉnh và một số KCN, CCN khác trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, để thúc đẩy ngành Công nghiệp tăng trưởng nhanh, cũng như đón “sóng” từ các hiệp định kinh tế, Tiền Giang đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai và khai thác có hiệu quả các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, thu hút đầu tư khai thác hạ tầng các KCN, CCN đã được quy hoạch như: Vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước, vùng Gò Công... để nhanh chóng đưa vào hoạt động.
Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Định hướng phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống hướng về xuất khẩu, với chất lượng ngày càng cao. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế đến Tiền Giang đầu tư phát triển...
HỮU NGHỊ
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự kiến thu hút đầu tư khoảng 45 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 570 triệu USD và giải quyết việc làm thêm cho khoảng 25 ngàn lao động. Nâng tổng số lao động tại các KCN của tỉnh lên khoảng 90 ngàn lao động. Kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, KCN Bình Đông để thu hút đầu tư. Dự kiến đến năm 2020, diện tích đất cho thuê của các KCN sẽ được lấp đầy như sau: KCN Long Giang sẽ lấp đầy 100%, KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp Tiền Giang lấp đầy 80%, KCN Tân Phước 1 lấp đầy khoảng 30%, KCN Bình Đông lấp đầy 40%... Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 149.950 tỷ đồng, tăng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18,3%/năm. |