Thứ Hai, 09/11/2015, 10:44 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả nhưng chưa bền vững

Thời gian qua, huyện Cai Lậy tập trung triển khai mô hình “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thu hút nông dân tham gia. Các mô hình đã phát huy hiệu quả bước đầu khi định hướng nông dân sản xuất theo hướng tập trung, tạo đầu ra nông sản sạch, tăng giá trị kinh tế. Tuy nhiên, việc “vắng bóng” doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ đang đặt ra thách thức cho việc duy trì các mô hình.

Tháng 4-2014, Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Bình Hòa A (ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) được thành lập với mục đích giúp nông dân thay đổi quy trình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo sản phẩm trái sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.

Tổ gồm 17 thành viên tham gia với diện tích 12 ha theo mô hình VietGAP. Được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trạm Khuyến nông huyện Cai Lậy, các thành viên được tập huấn kỹ năng sản xuất, làm việc trong tổ kinh tế hợp tác, trao đổi về việc sản xuất trái cây sạch, quảng bá sản phẩm…

Chôm chôm sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Tân Phong.
Chôm chôm sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Tân Phong.

Có 6.000 m2 chuyên canh sầu riêng RI 6 và Monthong tham gia THT, Ông Nguyễn Văn Thắm cho biết, hiện nay ông và các thành viên THT đều áp dụng thành công mô hình xử lý sầu riêng ra hoa vụ nghịch, cách canh tác để đạt năng suất cao, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hợp lý, tuân thủ việc ghi chép sổ nhật ký, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo định kỳ.

Năm 2014, ông Thắm thu hoạch 20 tấn sầu riêng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 1 tỷ đồng. Ông Thắm chia sẻ: “Trước đây, tuy diện tích vườn liền kề nhưng mọi người ít có cơ hội cùng ngồi lại trao đổi. Bây giờ, kiến thức của một người cùng chia sẻ cho nhiều người qua các lần họp định kỳ và khi kết thúc vụ sẽ rút ra kinh nghiệm từ quá trình sản xuất. Nhờ vậy, canh tác đạt hiệu quả hơn”.

Tại vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa phía Bắc Quốc lộ 1A, mô hình “Cánh đồng lớn” những năm gần đây đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Trong năm 2015, huyện Cai Lậy triển khai mô hình tại các xã: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam với diện tích 490 ha.

Có 1,8 ha tham gia “Cánh đồng lớn” từ vụ đông xuân 2014 - 2015, ông Lương Văn Tư - nông dân ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc cho biết, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, phun thuốc và bón phân theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, sản lượng lúa tăng đáng kể, có vụ đạt 10 tấn/ha.

Được Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu nên sau 3 vụ tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, ông Tư và các nông dân khác không còn lo về giá lúa khi đến vụ thu hoạch. So sánh lợi nhuận giữa lối canh tác truyền thống và tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi thêm từ 2 - 3 triệu đồng/ha.

Là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết “4 nhà” ở huyện Cai Lậy thời gian qua đã cho thấy hiệu quả để phát triển nông nghiệp theo hướng ổn định và lâu dài. Bên cạnh những tín hiệu khả quan, việc “vắng bóng” doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ nông sản đang đặt ra thách thức cho việc duy trì và phát triển mô hình.

Điển hình THT chôm chôm Tân Phong với việc sản xuất chôm chôm theo quy trình VietGAP. Sau 4 năm được cấp chứng nhận, diện tích chôm chôm VietGAP đã được mở rộng lên 50 ha với 82 thành viên tham gia. Trong hoạt động giới thiệu và tìm kiếm khách hàng, THT chôm chôm Tân Phong đã chủ động tìm hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với một số DN nhưng việc tuyển chọn trái đạt kích cỡ và mẫu mã đẹp, giá thành tiêu thụ chưa cao, chi phí vận chuyển lớn là nguyên nhân khiến nông dân vẫn phải bán cho thương lái với giá thị trường và chịu cảnh “dội chợ, rớt giá”.

Ông Trần Hữu Trí, Tổ trưởng THT chôm chôm Tân Phong chia sẻ: “Sau khi nhận chứng nhận VietGAP, chúng tôi đã liên hệ với một số DN để tìm đầu ra. Tuy giá thu mua của DN cao hơn thị trường nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển thì vẫn không có lãi. Vì thế đến nay, hoạt động của THT chỉ dừng ở việc định hướng tổ viên đến khâu sản xuất trái an toàn, chất lượng cao chứ chưa nâng được giá trị kinh tế cho cây trồng”.

Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong việc nhân rộng và duy trì các mô hình liên kết sản xuất, bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy nhìn nhận: “Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP, VietGAP, thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Các mô hình cho thấy nông dân hoàn toàn có khả năng thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt nếu được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, thị trường tiêu thụ chưa minh bạch giữa sản phẩm an toàn được chứng nhận và sản phẩm không rõ nguồn gốc nên chưa được ưu tiên trong giá cả, trong khi các yêu cầu về kỹ thuật khá khắt khe khiến nông dân thiếu “mặn mà” trong việc tham gia THT. Hiện Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy đang tích cực liên hệ với các DN để tìm đầu ra ổn định, giúp nông dân yên tâm gắn bó với mô hình”.

Là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, mỗi năm Cai Lậy có trên 8.900 ha sản xuất lúa hàng hóa ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1A. Các xã phía Nam Quốc lộ 1A cũng mở rộng diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái hơn 14.000 ha với các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, mít Thái...

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã đem lại hiệu quả khi giúp nông dân có điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu đầu vào cho các DN, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để các mô hình liên kết được duy trì bền vững rất cần sự tiếp sức từ các ngành chức năng, bởi nếu đầu ra không thật sự hấp dẫn, nông dân sẽ trở lại với lối canh tác truyền thống.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.