Cảnh báo thiếu nước vụ đông xuân khu vực phía Đông
Do ảnh hưởng tác động từ El Nino, sản xuất vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh vốn đã khó khăn giờ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Sau khi đóng ngăn mặn, cống Xuân Hòa sẽ tiến hành lấy gạn nước để phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng Dự án. |
NHIỀU DIỆN TÍCH XUỐNG GIỐNG MUỘN
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày trung tuần tháng 11 này, còn rất nhiều diện tích lúa thu đông ở khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công đang ở giai đoạn chuẩn bị làm đòng và làm đòng. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, với giai đoạn này, các trà lúa thu đông thu hoạch sớm nhất cũng phải ngoài ngày 20-12. Thực tế này đang đặt ra bài toán nan giải cho việc sản xuất an toàn vụ lúa đông xuân 2015 - 2016.
Ông Nguyễn Thân Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) cho biết, do địa bàn xã nằm ở cuối nguồn ngọt hóa nên khi thời tiết diễn biến không thuận lợi, nhiều diện tích sản xuất lúa trên địa bàn sẽ phải xuống giống trễ hơn so với các khu vực khác của xã bạn khoảng 20 ngày.
Năm nay thời tiết bất lợi nên xã có khoảng 400 ha lúa hè thu xuống giống khá trễ đã ảnh hưởng đến thời vụ lúa thu đông. Do vậy, vụ lúa đông xuân năm nay sẽ bắt đầu rất muộn. Trong đó, khó nhất là khoảng 187 ha sản xuất lúa ở ngoài vùng ngọt hóa.
Hiện nay, những trà lúa này còn chưa vào giai đoạn làm đòng nên khả năng phải đến sau ngày 30-12 mới thu hoạch và lắp vụ đông xuân. Tình hình này, nếu cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn sớm thì 187 ha lúa đông xuân ở khu vực ngoài vùng Dự án này có khả năng bị mất trắng do thiếu nước.
Việc xuống giống đông xuân muộn cũng được dự báo sẽ xảy ra ở một số xã khác trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Qua khảo sát và tính toán của huyện, đến ngày 30-12, toàn huyện có khả năng xuống giống đạt 95% diện tích, số diện tích còn lại xuống giống sau thời gian này dự báo sẽ rất khó khăn về nước.
Ở huyện cuối nguồn Gò Công Đông được dự báo sẽ còn căng thẳng hơn. Căn cứ vào các trà lúa thu đông hiện tại, cơ quan chức năng thống kê, số diện tích có khả năng xuống giống sau ngày 20-12 ở huyện ven biển này trên 4.500 ha, trong đó có trên 2.300 ha xuống giống sau ngày 31-12. Theo đó, các xã có nhiều diện tích xuống giống sau ngày 30-12 là Tân Phước trên 570 ha, Kiểng Phước gần 250 ha, Tân Tây gần 600 ha, Tân Đông gần 400 ha, Tăng Hòa trên 160 ha...
Còn qua khảo sát tình hình sản xuất lúa hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi dự kiến toàn vùng Dự án sẽ có khoảng 5.000 ha lúa đông xuân xuống giống từ ngày 21 đến 30-12 và trên 3.600 ha xuống giống sau ngày 31-12.
Nguyên nhân chủ yếu của việc xuống giống muộn là do mùa mưa năm 2015 đến nuộn, nắng nóng kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa hè thu bị chết phải sạ lại hoặc sạ muộn đã ảnh hưởng đến thời điểm sản xuất vụ thu đông, từ đó kéo theo vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 cũng sẽ xuống giống muộn.
CĂNG THẲNG NHẤT TRONG NHỮNG NĂM TRỞ LẠI ĐÂY
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình hạn, thiếu nước ngọt vào mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ rất cao; khả năng xâm nhập mặn vào các cửa sông sẽ sớm và cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm. Cụ thể, theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tại vùng Dự án, từ cuối tháng 9 đến nay, độ mặn xuất hiện tại cống Rạch Mương thường xuyên cao hơn 2 g/l (cao nhất 7 g/l, cao hơn cùng kỳ 3 g/l) nên cống này đã phải đóng ngăn mặn.
Còn tại cống Vàm Giồng, vào đầu của tuần cuối tháng 10 vừa qua, độ mặn cao nhất đo được tại đây đạt 1,5 g/l (cùng kỳ năm 2014 không xuất hiện mặn). Từ tình hình này, công ty dự báo, cống Vàm Giồng sẽ lấy nước không ổn định đến cuối tháng 11 và từ đầu tháng 12 trở đi sẽ đóng ngăn mặn.
Cống Xuân Hòa sẽ lấy nước không ổn định từ đầu tháng 2, khả năng cống sẽ đóng ngăn mặn hoàn toàn từ giữa tháng 3. “Vụ đông xuân 2015 - 2016 sẽ thiếu nước về cuối vụ, diện tích bơm tưới khó khăn sẽ tăng hơn nhiều năm do mặn đến sớm, nhiều diện tích lúa xuống giống muộn” - ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty nhận định.
Để ứng phó với khả năng thiếu nước phục vụ đông xuân, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, trước mắt, huyện chỉ đạo các xã nắm chắc tình hình xuống giống vụ đông xuân, những khu vực có khả năng khó khăn về nước; xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn, mặn cụ thể từng địa bàn; đôn đốc người dân thực hiện theo khuyến cáo về ứng phó hạn, mặn của cơ quan chuyên môn; rà soát các kinh nội đồng, kinh cấp 3, ra quân trục vớt lục bình. “Chúng tôi sẽ tham mưu Huyện ủy ban hành Đảng văn chỉ đạo các Đảng ủy xã lãnh đạo cơ sở tập trung ứng phó với hạn, mặn đảm bảo sản xuất an toàn vụ đông xuân. Trước mắt, UBND huyện sẽ tổ chức cuộc họp với các ngành, các xã để thông báo tình hình khí tượng thủy văn; chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống hạn; rà soát các kinh cấp 2 trên địa bàn” - ông Nam cho biết. |
Trước tình hình và dự báo trên, ông Trương Văn Cho, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ Thực vật cho biết, giải pháp chuyển đổi sang trồng màu hay cắt vụ rất khó thực hiện do đầu ra cho những cây trồng mới chưa đảm bảo, tập quán sản xuất lúa lâu đời của người dân khó thể thay đổi một sớm, một chiều.
Vì thế, giải pháp ưu tiên hiện nay là khuyến cáo người dân sử dụng giống ngắn ngày. Tuy nhiên, đối với các trà lúa sạ từ cuối tháng 12 trở đi thì không có giống lúa ngắn ngày nào có thể đảm bảo thoát hạn.
Bên cạnh nguy cơ thiếu nước, ông Cho còn cảnh báo, những vụ lúa gần đây tình hình bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu đục thân trên lúa đang có dấu hiệu phát triển trở lại, sẽ đe dọa đến vụ lúa đông xuân năm nay.
Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân biết những khó khăn mà vụ đông xuân tới sẽ đối mặt để chủ động ứng phó; khuyến khích nông dân áp dụng nhiều giải pháp ứng phó (như chuyển đổi cây trồng khi điều kiện cho phép, tích trữ nước…), tăng cường trục vớt lục bình; nghiên cứu và tiến hành các giải pháp chuyển đổi đối với những cây trồng đã có đầu ra ổn định nhằm giảm áp lực về nước ở vụ đông xuân.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung chống hạn, nhất là chủ động công tác bơm trữ, bơm chuyền; thường xuyên kiểm tra tình hình mặn, nguồn nước cũng như hoạt động của các cống; đồng thời đề xuất kịp thời với lãnh đạo ngành các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại thấp nhất cho vụ lúa đông xuân 2015 - 2016.
NGÔ VĂN