ĐBSCL cần khoảng 150.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế
Để giúp phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 13 tỉnh, thành của vùng này đang kêu gọi đầu tư vào 177 dự án với tổng số vốn khoảng 150.000 tỉ đồng.
Vùng ĐBSCL đang kêu gọi đầu tư vào 177 dự án với tổng vốn kêu gọi khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong ảnh là cầu Mỹ Thuận, một công trình giao thông quan trọng giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại từ TP. Hồ Chí Minh về ĐBSCL và ngược lại. |
Thông tin này được công bố tại hội nghị “Đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ 3 năm 2015” vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ. An Giang là một trong ba địa phương có số dự án kêu gọi đầu tư thấp nhất với 5 dự án, nhưng có tổng số vốn kêu gọi đầu tư lớn nhất, lên đến gần 31.200 tỷ đồng.
Còn Bến Tre là địa phương có số dự án kêu gọi đầu tư lớn nhất, 39 dự án với tổng số vốn kêu gọi đầu tư hơn 15.600 tỉ đồng và 50 triệu đô la Mỹ. Riêng Sóc Trăng, có 21 dự án được giới thiệu và kêu gọi đầu tư tại hội nghị, nhưng địa phương này không công bố tổng mức vốn cần đầu tư.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, các dự án kêu gọi đầu tư của các tỉnh, thành ĐBSCL chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng cánh đồng lớn ở lĩnh vực lúa gạo; chế biến nông, thủy sản; đầu tư sản xuất giống; đầu tư vào hạ tầng giao thông; các dự án điện; các dự án xây dựng khu công nghiệp; các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, vui chơi, giải trí; lĩnh vực xây dựng đô thị, trung tâm thương mại…
Việc kêu gọi đầu tư vào các dự án nêu trên, theo đại diện của một số địa phương tại hội nghị, nhằm giúp cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạn chế sản xuất và xuất khẩu thô, qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế nơi đây.
Trong số các dự án kêu gọi đầu tư có một số dự án với quy mô lớn, như dự án xây dựng khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh của An Giang với tổng vốn lên đến 28.128 tỉ đồng hay dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan khu kinh tế Năm Căn của Cà Mau với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng…
Dù có nhiều dự án kêu gọi đầu tư được giới thiệu tại hội nghị, nhưng trao đổi với báo chí bên lề hội nghị này, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng các dự án chỉ mang tính chất gợi ý cho nhà đầu tư, để họ thấy các cơ hội tiềm năng ở địa phương.
“Chúng tôi (các địa phương vùng ĐBSCL), ở đây là địa điểm, còn các bạn (nhà đầu tư) đến đây chọn địa điểm. Dĩ nhiên, chúng ta phải giới thiệu địa điểm ở đây thuận lợi như thế nào về môi trường đầu tư, khí hậu, giao thông, chi phí lao động thấp, điện năng được cung cấp tốt…, nên nhà đầu tư có thể đến sản xuất ở địa phương chúng ta để cung cấp sản phẩm ra toàn cầu,” ông giải thích.
(Theo thesaigontimes.vn)