Đưa hàng Việt về nông thôn: Hiệu quả chưa như mong muốn
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những chương trình trọng điểm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập.
Mang tính mùa vụ
10 Hội chợ phát triển kinh tế thương mại - nông nghiệp, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và khoảng 140 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp, với gần 3.000 lượt DN tham gia là con số thống kê mà Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đưa ra sau 5 năm triển khai cuộc vận động.
Những chuyến hàng này đã đưa nhiều loại sản phẩm như: Hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, bánh kẹo, đồ uống... của các DN sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn. Con số trên phần nào thể hiện sự tích cực, nỗ lực của các DN khi tham gia vào chương trình. Tuy nhiên, sức lan tỏa của những phiên chợ hay chuyến hàng Việt về nông thôn dường như vẫn chưa được như mong muốn.
Các DN tham gia bán hàng ở một phiên chợ hàng Việt về thị trấn Chợ Gạo. |
Theo phản ánh từ nhiều DN từng tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, việc tổ chức của không ít phiên chợ hàng Việt về nông thôn còn khá rời rạc, thiếu sự liên kết nên đã tạo ra sự “bát nháo”, nhàm chán cho DN và cả người tiêu dùng.
Thậm chí có một vài DN chưa có ý thức coi trọng khách hàng khi tham gia các phiên chợ để bán hàng lỗi mốt, hàng tồn hay bán hàng kèm theo quà tặng là hàng Trung Quốc... Thế nhưng không hề có sự kiểm soát hay nhắc nhở từ các đơn vị tổ chức. Điều này đã ít nhiều tác động, ảnh hưởng đến tâm lý e ngại mua sắm của người tiêu dùng ở các phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Là DN đã có nhiều năm kinh nghiệm đưa hàng Việt về nông thôn, bà Phan Kim Hoàn, chủ một cơ sở sản xuất nước rửa chén 9 Rồng (ở tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội cho DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu về vùng sâu, vùng xa; đồng thời là cơ hội giúp DN phát triển mạng lưới phân phối. Nhưng điều đáng suy nghĩ ở chỗ là, với các DN nhỏ lẻ, việc đưa hàng Việt về nông thôn giống như... đi lễ hội!”.
Vì sao lại như vậy? Theo lý giải của các DN, do DN không có nguồn lực. Bởi điểm chung của các DN Việt Nam cũng như DN trong tỉnh là DN nhỏ và vừa nên DN không có điều kiện để phát triển kênh phân phối tại nơi vừa mới tham gia xúc tiến. Nguyên nhân còn đến từ những người đứng đầu các chương trình xúc tiến thương mại cho DN không có tư duy liên kết, kết nối.
Theo phân tích của ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, một DN chuyên sản xuất quần áo trẻ em và tham gia rất tích cực Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, những phiên chợ hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. Trên thực tế, các cơ quan xúc tiến thương mại chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần cho DN bằng cách phối hợp với các địa phương tạo “cơ sở” cho DN xúc tiến, chủ lực vẫn là DN. Tuy nhiên, sự tích hợp giữa địa phương và đơn vị hỗ trợ chưa đồng bộ.
“Địa phương vui vẻ đón nhận một phiên chợ hàng Việt về nông thôn giống như vui vẻ đón nhận một... ngày hội; còn đơn vị xúc tiến làm theo trách nhiệm. Thực chất, chương trình không có chiều sâu, “mạnh ai nấy làm” mà không có định hướng” - ông Sinh cho biết. Vì thế mà nhiều người tiêu dùng phản ánh, khi các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn “rút” đi, họ không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào.
Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 chỉ rõ, đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Các điểm bán hàng Việt Nam cố định này được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ mua sắm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng cho đông đảo người tiêu dùng. Toàn quốc hiện đã có 28 điểm bán hàng Việt Nam cố định được triển khai tại 23 tỉnh, thành phố. Riêng tại Tiền Giang chưa có điểm bán hàng Việt Nam cố định. |
Nghĩa vụ với người tiêu dùng
Có thể thấy rằng, những phiên chợ hàng Việt về nông thôn mang tính chất quảng bá, giúp kênh phân phối tại chỗ của DN phát triển. Với kinh nghiệm nhiều năm đưa hàng Việt về nông thôn; đồng thời nhận thấy tiềm năng của thị trường nông thôn với hàng Việt, ông Lý Thành Sinh khuyến cáo: “Việc đưa hàng Việt về nông thôn là điều DN phải làm thường xuyên.
Việc làm này một mặt mang tính chất nghĩa vụ công bằng thông tin với người tiêu dùng, mặt khác giúp DN quảng bá thương hiệu, hệ thống phân phối để bán được nhiều hàng. Bởi hàng hóa muốn bán được, đến được tay người tiêu dùng thì phải thông qua kênh phân phối”.
Để xây dựng được hệ thống phân phối, một số DN đã từng tham gia những phiên chợ hàng Việt tại nông thôn cũng hiến kế, sau mỗi phiên chợ DN có thể cho nhân viên đem sản phẩm đi chào hàng với các tiểu thương tại địa bàn - nơi mà phiên chợ vừa đi qua, để từ đó thâm nhập sâu rộng vào thị trường nông thôn. Đây cũng là một cách làm có thể mang lại hiệu ứng tốt cho DN.
Muốn đưa hàng Việt về nông thôn hiệu quả, các DN cho rằng, Chính phủ phải vào cuộc bằng các chương trình xúc tiến thương mại, các chính sách để hỗ trợ cho kênh phân phối phát triển. Do đó, việc đưa ra chính sách để DN thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường là rất cần thiết.
PHƯƠNG NGHI