Thứ Sáu, 18/12/2015, 14:41 (GMT+7)
.

Bài 1: Những khó khăn, bất cập trong cấp GCNQSDĐ

Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện, song đến nay tiến độ kê khai, đăng ký lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ còn chậm, lượng hồ sơ tồn đọng khá lớn và nhiều hồ sơ trễ hạn, gây bức xúc trong nhân dân.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh (trừ cấp GCNQSDĐ lần đầu và Dự án VLAP).
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh (trừ cấp GCNQSDĐ lần đầu và Dự án VLAP).

HỒ SƠ TỒN ĐỌNG KHÁ LỚN

Thời gian qua, công tác cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) các huyện, thành, thị (gọi tắt là cấp huyện) đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân, tạo điều kiện để các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã ứng dụng công nghệ mới trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ cấp GCNQSDĐ được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông, nên từng bước rút ngắn được thời gian cấp GCNQSDĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, tính đến ngày 30-9-2015, tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu liên quan đến hộ gia đình, cá nhân ở cấp huyện đạt tỷ lệ khá cao - trên 90%. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả đối với việc cấp GCNQSDĐ lần đầu liên quan hộ gia đình và cá nhân; còn đối với các hồ sơ biến động liên quan đến hộ gia đình và cá nhân thì vẫn đang tồn đọng lượng hồ sơ khá lớn, nhiều hồ sơ trễ hạn gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tính đến ngày 21-11-2015, tổng số hồ sơ biến động liên quan đến hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh được tiếp nhận từ cấp huyện gửi về và tồn đọng tại VPĐKĐĐ tỉnh (trực thuộc Sở TN-MT) là 6.396 hồ sơ, đến nay chỉ mới giải quyết 1.831 hồ sơ, còn 4.565 hồ sơ đang tồn đọng (chưa bao gồm hồ sơ Dự án VLAP).

Trong đợt giám sát tiến độ cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh mới đây, nhiều thành viên đoàn giám sát cho rằng, đất đai là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng con số hồ sơ tồn đọng trên là không thể chấp nhận được, cần phải khẩn trương xem xét vướng ở khâu nào để tháo gỡ, bởi công tác quản lý Nhà nước về đất đai ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Làm tốt công tác quản lý đất đai sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm lợi ích của
nhà đầu tư và đời sống người dân.

VP ĐKĐĐ tỉnh làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật nhưng vẫn luôn quá tải công việc (Ảnh chụp tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh).
VP ĐKĐĐ tỉnh làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật nhưng vẫn luôn quá tải công việc (Ảnh chụp tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh).

BỘC LỘ NHIỀU BẤT CẬP

Ngày 22-7-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1887/QĐ-UBND thành lập VPĐKĐĐ tỉnh trực thuộc Sở TN-MT, trên cơ sở hợp nhất giữa VPĐKĐĐ tỉnh và 11 VPĐKĐĐ cấp huyện. Theo đó, tất cả hồ sơ cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình và cá nhân trước đây do UBND cấp huyện cấp theo Quyết định 12/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Quyết định 12), thì kể từ ngày 1-8-2015 (ngày VPĐKĐĐ tỉnh chính thức hoạt động) các hồ sơ loại này thẩm quyền cấp thuộc Sở TN-MT (trừ cấp GCNQSDĐ lần đầu).

Theo VPĐKĐĐ cấp huyện, từ khi sáp nhập đến nay, lượng hồ sơ tồn đọng tăng cao. Lý giải về điều này, ông Văn Đình Tứ, Phó Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh cho biết, trước đây số hồ sơ tồn đọng do cấp huyện nhận nhưng người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trước ngày 1-8-2015 nên cấp huyện chưa giải quyết, nay chuyển cho VPĐKĐĐ tỉnh thẩm định, in giấy chứng nhận trình Sở TN-MT ký (số hồ sơ này chiếm hơn 50%), nên số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều.

Bên cạnh đó, hồ sơ từ các Chi nhánh VPĐKĐĐ chuyển về VPĐKĐĐ tỉnh thực hiện chưa đúng theo quy định, nhất là một số Phòng Công chứng thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho… còn nhiều sai sót so với GCNQSDĐ đã cấp, nên khi chuyển về VPĐKĐĐ tỉnh mất nhiều thời gian để thẩm định, lập danh sách (nêu lý do cụ thể từng trường hợp) chuyển trả về địa phương bổ sung đúng theo quy định.

Mặt khác, việc đo đạc của cán bộ, viên chức (CBVC) các Chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện chuyển về cho VPĐKĐĐ tỉnh kiểm tra còn nhiều sai sót, phải trả về làm lại. Vả lại, trước đây hồ sơ cấp GCNQSDĐ được 11 đơn vị cấp huyện cấp, nay chuyển về VPĐKĐĐ tỉnh thực hiện, trình lãnh đạo Sở TN-MT ký, vì vậy nguồn nhân lực thẩm định, thực hiện tại VPĐKĐĐ tỉnh công việc quá tải, dẫn đến lượng hồ sơ tồn đọng nhiều.

Thật vậy, trong đợt giám sát tình hình cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh mới đây, nhiều địa phương cũng đã thừa nhận tiến độ giải quyết việc cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân chậm lại từ khi hợp nhất giữa VPĐKĐĐ tỉnh và 11 VPĐKĐĐ các cấp huyện.

Theo nhiều Chi nhánh VPĐKĐĐ, công tác cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình và cá nhân còn nhiều bất cập từ cơ chế, chính sách như: Thủ tục hồ sơ nhiêu khê; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế…

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do Quyết định 12 đã không còn phù hợp với Luật Đất đai năm 2013, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định thay thế, làm nhiều địa phương chưa thống nhất về cách làm, gây chậm trễ trong công tác giải quyết.

Ông Đỗ Văn Ca, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Thành cho biết: Quyết định 12 của UBND tỉnh là cơ sở để giải quyết thủ tục về đất đai liên quan đến hộ gia đình và cá nhân được ban hành ngày 24-4-2014 dựa trên Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2014) thì Quyết định này không còn phù hợp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết các loại hồ sơ trên lĩnh vực đất đai, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành quyết định mới thay thế, nên cơ quan thực hiện thủ tục hành chính không có cơ sở để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ và hẹn thời hạn trả kết quả, gây thắc mắc và bức xúc trong nhân dân.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều, gây chậm trễ trong công tác giải quyết. Ngoài ra, trang thông tin điện tử còn gặp một số lỗi của phần mềm, mạng kết nối còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết số hồ sơ.

HOÀI THU
Kỳ sau, bài cuối: Tập trung tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng giải quyết
dứt điểm lượng hồ sơ tồn đọng

.
.
.