Chủ Nhật, 27/12/2015, 06:38 (GMT+7)
.

Biến đổi khí hậu "xâm nhập" ruộng đồng

Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều hiện tượng thời tiết bất lợi như hiện nay. Và những hiện tượng thời tiết như thế này đã không còn là điều mới mẻ, chỉ có khác là mức độ ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh ít hay nhiều.

Nạo vét kinh để tăng cường nguồn nước trữ phục vụ sản xuất đông xuân năm 2015 - 2016 tại xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây).
Nạo vét kinh để tăng cường nguồn nước trữ phục vụ sản xuất đông xuân năm 2015 - 2016 tại xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây).

NẮNG NÓNG KÉO DÀI, MẶN SỚM

Theo kết quả báo cáo của nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm khí hậu và bước đầu đánh giá sự tác động của biến đổi khí hậu đến vùng Gò Công” vào năm 2013 cho thấy, trong 28 năm qua, tại Trạm Vàm Kênh mực nước trung bình đã tăng thêm 19 cm; tại Trạm thủy văn Hòa Bình, mực nước trung bình tăng thêm 23 cm. Từ đó cho thấy, nước biển dâng làm cho thời gian nước ngọt thu hẹp lại.

Còn về nhiệt độ, trong 28 năm qua, nền nhiệt tăng đáng kể, đặc biệt từ năm 1988 đến thời điểm nghiên cứu, nhiệt độ trong khu vực tăng khoảng 0,10C/thập kỷ. Đối với mưa, mùa mưa trong vùng có xu hướng kết thúc sớm. Qua đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, biến đổi khí hậu tác động đến vùng Gò Công không còn là vấn đề lý thuyết, mà thực tế đang diễn ra và đang tác động đến các ngành kinh tế, xã hội, môi trường cũng như đời sống người dân trong vùng.

Còn theo ghi nhận về diễn biến khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho thấy, mặn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể qua ghi nhận, trung bình nhiều năm mặn bắt đầu xuất hiện ở Trạm Thủy văn Hòa Bình từ đầu tháng 2, nhưng năm 2013 mặn xuất hiện 1g/l ngay trong tháng 1; còn năm 2014 mặn xuất hiện vào tháng 12 và trong năm 2015 mặn xuất hiện rất sớm vào ngày 20-11.

Qua quan trắc về lượng mưa những năm gần đây, tổng lượng mưa hàng năm ít hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, năm 2015 tổng lượng mưa ghi nhận được thấp đứng hàng thứ 3 trong chuỗi số liệu (khoảng 30 năm). Trong khi đó, nhiệt độ những năm gần đây có xu hướng tăng dần. Nhiệt độ trung bình 3 năm gần đây (từ năm 2012, 2013, 2014) cao hơn 3 năm trước đó 0,5 0C.

Còn trong 10 tháng của năm 2015, nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm 2014 cũng như trung bình nhiều năm từ 1 - 20C. “Từ đó cho thấy biến đổi khí hậu diễn biến rất rõ rệt, không còn nghi ngờ gì nữa và nó đang tác động không nhỏ đến sản xuất và dân sinh của người dân, nhất là khu vực phía Đông của tỉnh” - ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang nói.

SẢN XUẤT RỦI RO, CHI PHÍ CAO

Trong những ngày này, nhiều trà lúa thu đông ở ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) chỉ mới trổ đòng. Theo tính toán, từ nay đến khi lúa chín còn khoảng 1 tháng nữa và việc lắp vụ đông xuân năm 2015 - 2016 phải bắt đầu sau tháng 12. Với tình hình trên, các nhà chuyên môn cảnh báo rằng, nhiều diện tích lúa đông xuân năm 2015 - 2016 sẽ khó có thể thoát hạn vào cuối vụ. Nhưng đó là chuyện sắp tới.

Còn hiện tại, ngay trong vụ lúa thu đông này cũng rất khó khăn. Anh Lê Tấn Kiệt, ấp Bình Trinh cho biết, do năm nay mưa ít, lại dứt sớm nên vụ thu đông phải bơm nước nhiều hơn mọi năm. Cứ trung bình 1 tuần là anh phải bơm nước cho lúa 1 lần nên chi phí vụ này cầm chắc tăng thêm khoảng 500 ngàn đồng.

“Dù sau thì vụ thu đông này còn đỡ hơn vụ hè thu vừa rồi. Do nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít, nhiều diện tích lúa mới sạ bị chết phải sạ lại, những diện tích còn lại lúa phát triển cũng không tốt nên năng suất không cao, trong khi đó chi phí bơm nước, phân thuốc để phục hồi sức khỏe cho cây lúa tăng cao. Giờ tôi chỉ còn trông chờ vào vụ đông xuân tới thôi, nhưng xem ra tình hình nguồn nước cũng không khả quan lắm. Nói vậy thôi chứ dù như thế nào thì cũng phải tiếp tục sản xuất, bởi không trồng lúa thì trồng cây gì thay thế hiệu quả đây?” - anh Kiệt tâm tư.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tình hình khí tượng thủy văn năm 2015 - 2016 biến đổi rõ rệt do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino (mùa mưa năm 2015 đến muộn nhưng kết thúc sớm, lượng mưa ít và mặn xâm nhập sớm). Dự báo, mùa khô năm 2015 - 2016 mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào các con sông. Biên mặn tại Mỹ Tho có thể đạt 5,3 g/l và tại Đồng Tâm đạt 2,7 g/l.
 

Tại xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đầu vụ hè thu 2015 có nhiều diện tích lúa non bị chết phải sạ lại do nắng nóng kéo dài. Hệ quả của nó là nhiều diện tích lúa đông xuân năm 2015 -2016 sẽ xuống giống muộn, cộng với mặn năm nay đến sớm nên ước tính toàn xã có khoảng 350 ha lúa đông xuân có khả năng thiếu nước phải tổ chức bơm chuyền 2, 3 cấp.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, mùa khô năm 2015 - 2016, mặn đến sớm hơn cùng kỳ năm 2014 (cống Vàm Giồng đóng ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ năm 2014 là 20 ngày). Với diễn biến mặn hiện nay và dự báo mặn trong thời gian tới, Chi cục ước tính trong vụ đông xuân năm 2015 - 2016, diện tích lúa thiếu nước cần phải tổ chức bơm chuyền 2, 3 cấp có thể lên đến hàng ngàn ha.

Thực ra, đây không phải là năm đầu tiên sản xuất lúa ở khu vực phía Đông gặp khó khăn do thời tiết và nước tưới. Do là vùng dự án ngọt hóa nên nguồn nước sản xuất chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự thay đổi của thời tiết, thủy văn. Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã làm những diễn biến khí hậu bất thường gây bất lợi cho sản xuất, dân sinh diễn ra thường xuyên hơn, làm cho nguồn nước phục vụ cho sản xuất, dân sinh trong vùng thêm căng thẳng.

“Trước đây, hầu như không xảy ra tình hình thiếu nước sản xuất phải tổ chức bơm chuyền ở vụ lúa đông xuân khu vực phía Đông, nhưng gần đây việc này xảy ra thường xuyên hơn như vụ đông xuân năm 2012 - 2013 và 2014 - 2015, nhiều diện tích lúa thiếu nước vào cuối vụ phải bơm chuyền. Ngoài ra, chất lượng nước kém, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn hay mưa ít ở đầu vụ hè thu cũng thường xảy ra hơn và gây bất lợi, thậm chí gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất lúa” - một nhà chuyên môn trong lĩnh vực Thủy lợi cho biết.

Thời tiết, thủy văn thời gian gần đây diễn biến theo hướng “cực đoan” hơn. Từ đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là làm sao đảm bảo nguồn nước ổn định cho sản xuất ở Dự án Ngọt hóa Gò Công nói riêng và trong tỉnh nói chung. Trước tình trạng thiếu nước ngọt trong vùng ngọt hóa Gò Công xảy ra thường xuyên, căng thẳng hơn do tác động của biến đổi khí hậu, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão đề nghị tỉnh xem xét dự án lấy nước từ phía Tây qua kinh Chợ Gạo đưa về cung cấp cho Dự án Ngọt hóa Gò Công.

N.VĂN
 

.
.
.