Châu Thành: Trồng khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế cao
Hiện tại, nông dân các xã: Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Tân Hương (huyện Châu Thành) đã xuống giống hơn 200 ha khoai lang cho mùa vụ mới. Những năm gần đây, khoai lang luôn có giá cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng.
Ông Huỳnh Hiếu Nghĩa đang chăm sóc ruộng khoai của mình. |
Ở thời điểm hiện tại, các ruộng khoai ở xã Tân Lý Tây và các xã lân cận đã được lên giồng hơn 20 ngày. Khoai lang mỗi năm chỉ xuống giống được 1 vụ, từ cuối tháng 9 đến tháng 2 âm lịch năm sau, đây là thời điểm kết thúc mùa mưa, không gây sạt giồng, cây dễ tạo củ, cho năng suất cao. Những tháng còn lại bà con luân canh 1 vụ lúa hoặc hoa màu khác.
Ông Huỳnh Hiếu Nghĩa (ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây) cho biết: “Luân canh như vậy vừa tăng thêm nguồn thu nhập, vừa giúp cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa khoai mới. Do gốc rơm rạ, hoa màu còn trong đất sẽ hoai mục thành một lớp phân hữu cơ, độ xốp cao rất tốt cho khoai”.
Giống khoai được trồng là khoai bí, người dân thường gọi là khoai bí đỏ (vì thịt củ có màu như bí đỏ), do củ to, ngọt, được thị trường ưa chuộng. Khoai giống được bà con chọn từ những củ tốt nhất của mùa trước. Ươm củ cho lên mầm, sau đó tách mầm ra thành từng hom, tiếp tục ươm đến khi hom có chồi từ 6 - 7 mắt lá (cao từ 30 - 35 cm) là có thể xuống giống trên các giồng đất cao được đắp trước đó.
Theo kinh nghiệm của nông dân nơi đây, nên xắn rãnh lên giồng trồng khoai theo hướng từ đông sang tây để khoai dễ hấp thụ ánh nắng mặt trời, đủ độ ấm, cho củ lớn. Các hom khoai trồng giữa giồng, chôn sâu từ 15 - 20 cm, mỗi hom cách nhau 1 gang tay. Sau khi xuống giống 20 ngày, tiến hành vun gốc, bón phân, phun thuốc phòng trừ sùng, hà, kết hợp với xới đất, làm cỏ thường xuyên…
Trong thời gian chăm sóc, cần chú ý đến màu lá khoai có quá xanh hay quá vàng hay không để điều chỉnh lượng phân khi bón. Ngoài dịch bệnh, thời tiết thất thường là một tác nhân lớn ảnh hưởng đến năng suất của khoai. Theo ông Nghĩa, năm nào mưa lớn trái mùa là năng suất khoai giảm nhiều, do mưa lớn làm sạt giồng, khoai không thể tạo củ hoặc tạo củ nhưng củ nhỏ.
Để hỗ trợ bà con nông dân, các xã đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai lang. Ngoài ra, các xã còn phối hợp với Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Tiền Giang thực hiện dự án ủ phân bón lót hữu cơ bằng chế phẩm nấm sinh học Tricoderma, giúp giảm chi phí phân bón.
Do thích hợp với đất giồng pha cát, tơi xốp, đất đã qua canh tác hoa màu nên khoai trồng luôn cho năng suất cao. Theo những nông dân giàu kinh nghiệm ở đây, tính trung bình 1.000 m2 đất trồng khoai lang nếu được chăm sóc tốt sẽ cho năng suất gần 3 tấn củ.
Những năm gần đây, giá khoai luôn giữ ổn định từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, đỉnh điểm của mùa trước có lúc lên đến 7.400 đồng/kg. Với mỗi công khoai đạt năng suất như trên, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lãi trên 10 triệu đồng. “Nhờ trồng khoai lang mà thu nhập của gia đình ổn định hơn, tôi có điều kiện lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn” - ông Huỳnh Hiếu Nghĩa cho biết.
PHAN THẮNG