Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Vẫn còn đó những khó khăn
Năm 2015, với những nỗ lực của các ngành chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Tiền Giang đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, với nhiều quy định khá bất cập gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) thì khó khăn cho công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn ở phía trước.
Các ngành chức năng đang kiểm tra hàng hóa nhập lậu. |
NỖ LỰC CỦA LỰC LƯỢNG QLTT
Theo Chi cục QLTT Tiền Giang, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2015 diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm được phát hiện tăng so với năm 2014. Trong đó hàng cấm, hàng nhập lậu vi phạm phổ biến là thuốc lá điếu nhập lậu (5.750 bao) và các loại hàng hóa ngoại nhập không hóa đơn chứng từ như thực phẩm các loại (105 chai thực phẩm chức năng, 2.032 chai dinh dưỡng Ensure nước hương Vanila)…
Đặc biệt, có nhiều trường hợp khi kiểm tra, tạm giữ hàng hóa thì chủ sở hữu không đến nhận hàng; do đó không xử phạt đối tượng vi phạm được mà chủ yếu xử lý tịch thu hàng hóa thuộc diện không xác định được chủ sở hữu.
Về gian lận thương mại và vi phạm trong kinh doanh: Chủ yếu là các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, vi phạm về ghi nhãn, đăng ký kinh doanh, sử dụng phương tiện đo lường...
Nổi bật, trong năm lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh vàng trang sức có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc (trị giá hàng hóa gần 5 tỷ đồng); kinh doanh phân bón (ghi xuất xứ PRC) có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (trị giá hàng hóa gần 2,1 tỷ đồng); sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có nhãn ghi không đầy đủ nội dung.
Với hàng giả, vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi giả không có giá trị sử dụng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; mũ bảo hiểm có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nơi sản xuất (444 cái); máy tính giả mạo nhãn hiệu Casio (500 cái); xe đạp điện ASAMA, xe đạp hiệu Martin @ giả mạo nhãn hiệu (32 chiếc, trị giá hàng hóa 85 triệu đồng).
Ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Tiền Giang cho biết, trong năm Chi cục luôn bám sát, nhanh chóng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Cục QLTT… có 34 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Đội QLTT thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng nổi cộm, trọng tâm như xăng dầu, LPG, thuốc lá, phân bón, mặt hàng dinh dưỡng Ensure nước, bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dán tem rượu, bố thắng xe máy giả nhãn hiệu ELIG…
Đặc biệt, mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong năm 2015, ngành đã kiểm tra 2.969 vụ (đạt 106,8% kế hoạch năm 2015), phát hiện vi phạm 1.248 vụ (tăng 17,1% so với năm 2014), đã xử phạt 1.229 vụ, thu phạt 7,036 tỷ đồng (đạt 133,2% chỉ tiêu năm 2015), gồm phạt hành chính 5,127 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 1,909 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra, xử lý nêu trên cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng tăng; thể hiện được vai trò, trách nhiệm của toàn thể lực lượng QLTT Tiền Giang trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; hoạt động kiểm tra ngày càng có trọng tâm, trọng điểm hơn; góp phần bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.
VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN
Theo ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Tiền Giang, hiện tại vẫn còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT. Cụ thể:
Với mặt hàng phân bón - một mặt hàng khá nhạy cảm thì Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt cho cơ quan QLTT, chỉ có thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành mới có thẩm quyền này; gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong công tác kiểm tra, xử lý.
Đối với mặt hàng vàng trang sức, theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định xử phạt hành vi sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa, nhưng tại Điều 51 Nghị định này không quy định thẩm quyền xử phạt cho QLTT. Do đó, khi phát hiện vi phạm trong khâu sản xuất, lực lượng QLTT không xử phạt được.
Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán, từ ngày 7-12-2015 đến 15-3-2016, lực lượng QLTT Tiền Giang sẽ kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 đối với các doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu (đường cát, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, thịt gia súc, gia cầm…); nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các điểm bán hàng thuộc diện bình ổn giá theo giá đăng ký. Tăng cường kiểm tra các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, bao gói và nhãn sản phẩm hàng hóa…), nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ có liên quan, tem, niêm yết giá. Tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, bún, bánh mì, hủ tiếu… |
Về xác định thẩm quyền xử phạt cũng gặp một số khó khăn, đó là một số nghị định của Chính phủ như Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…
Các nghị định này quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng QLTT còn chung chung (thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý), vì vậy gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
Về xác định giá trị hàng cấm kinh doanh: Việc xác định giá trị thuốc lá điếu nhập lậu và các loại hàng cấm kinh doanh khác để xác định thẩm quyền tịch thu, khởi tố hình sự chủ yếu khảo sát giá thông qua người tiêu dùng do chưa có hướng dẫn cách xác định giá trị các loại hàng hóa này.
Đối với kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, theo quy định của pháp luật thì các ngành chức năng phải lấy mẫu gửi thử nghiệm chất lượng (không được phép tạm giữ hàng hóa khi lấy mẫu do chưa có căn cứ, lý do tạm giữ).
Thời gian kiểm nghiệm thường kéo dài nên khi có kết quả kiểm nghiệm thì lô hàng phân bón cũng như hàng hóa khác vi phạm có thể đã được tiêu thụ hết. Do đó không áp dụng được các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tái chế, tiêu hủy…
DUY SƠN
Phát hiện 186.989 vụ buôn lậu, gian lận thương mại... Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến hết tháng 11-2015 cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ buôn lậu, gian lận thương mại..., thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt, truy thu thuế, bán hàng tịch thu được hơn 11.535 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Cụ thể: Lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 9.191 vụ, thu nộp ngân sách hơn 117 tỷ đồng. Bộ đội biên phòng phát hiện, xử lý 2.295 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 16 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý 197 vụ, thu phạt hơn 62 tỷ đồng; đặc biệt lực lượng hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 19.360 vụ, thu nộp ngân sách hơn 1.746 tỷ đồng. Thanh tra ngành Thuế tổ chức kiểm tra 60.070 doanh nghiệp, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra hơn 9.158 tỷ đồng; điển hình là vụ thanh tra Tổng cục Thuế thanh tra Công ty TNHH Metro & Carry Việt Nam, qua đó truy thu thuế 507 tỷ đồng. Riêng lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 94.474 vụ vi phạm, thu nộp hơn 400 tỷ đồng; ngoài ra các cơ quan thanh tra chuyên ngành cũng đã phát hiện, xử lý 1.402 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 33 tỷ đồng. Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2015 các bộ, ngành, địa phương đều tăng cường công tác đấu tranh; số vụ phát hiện nhiều, nhưng khởi tố về buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa tương xứng với tình hình thực tế nên hiệu quả răn đe với tội phạm này vẫn chưa cao. |