Chuyển từ mục tiêu "số lượng việc làm" sang "chất lượng việc làm"
Chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tạo việc làm và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong các lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm và giảm nghèo trong những năm qua đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh.
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Thông qua chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển tạo việc làm và thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, 5 năm qua tỉnh đã tạo việc làm cho 114.360 lao động.
Với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển, trong 5 năm qua, GRDP tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%, trong đó khu vực Công nghiệp - Xây dựng từ 14 - 17%, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm hơn 66.000 lao động; trong đó, việc đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn này đã thu hút gần 50.000 lao động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG về việc làm cũng đã tác động tích cực đến việc cải thiện tình trạng việc làm của tỉnh. Trong đó, dự án cho vay hỗ trợ việc làm đã giải ngân cho 9.524 hộ dân và cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ, doanh số cho vay 166.760 triệu đồng, đã giúp tạo việc làm, sử dụng thời gian nhàn rỗi, cải thiện thu nhập cho 47.670 lao động, nhất là đối với số lao động có tuổi không đủ điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp.
Dự án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thông qua hình thức hỗ trợ một phần chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, chi phí đi lại, làm thủ tục xuất cảnh … cũng đã giúp cho 670 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập khá, nhiều gia đình, sau khi về nước đã xây dựng nhà cửa khang trang, tích lũy vốn để kinh doanh và có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc phù hợp với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tỉnh cũng đầu tư nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, đã tổ chức 88 phiên giao dịch việc làm, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 75.926 lượt lao động; trong đó số lao động tìm được việc làm 18.440 lượt lao động, hỗ trợ kết nối hiệu quả cung cầu lao động, tạo cơ hội việc làm tốt cho người lao động và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nhìn chung, những kết quả của công tác giải quyết việc làm qua đầu tư, tăng trưởng và qua các dự án thuộc Chương trình MTQG về việc làm đã giúp cải thiện rõ rệt tình trạng việc làm của lao động trong tỉnh. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đã giảm từ 4,1% (2010) còn 2,36% (2014).
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, tỉnh cũng đã đầu tư mới và nâng cấp các cơ sở dạy nghề, đến nay hệ thống các cơ sở dạy nghề công lập đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh theo định hướng quy hoạch gồm:
Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang, Trường Trung cấp nghề khu vực Gò Công, Trường trung cấp nghề khu vực Cai Lậy, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải và Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật Công đoàn và đầu tư xây dựng 6 Trung tâm Dạy nghề ở các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Đến nay trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành, thị trong tỉnh đều có ít nhất 1 trường hoặc trung tâm dạy nghề.
Nhờ chính sách đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề, những năm qua toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo hơn 5.300 học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng nghề với 13 nghề đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện và cơ khí để phục vụ cho phát triển công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp, có hơn 80% học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định; hơn 54.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó có hơn 32.000 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg. Trong các doanh nghiệp hàng năm cũng đã dạy nghề kèm cặp cho hơn 5.000 lao động.
Chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn tỉnh |
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG VIỆC LÀM
Trên bình diện tổng thể, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng có những mặt hạn chế:
Chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư đã tạo ra nhiều chỗ làm việc, nhưng chủ yếu là việc làm trong các ngành gia công, thâm dụng lao động, với chất lượng việc làm, thu nhập thấp, cường độ lao động cao, điều kiện lao động chưa tốt.
Về tổng thể, tình trạng việc làm được cải thiện rõ rệt, nhưng còn một bộ phận lao động qua đào tạo thuộc khối quản lý kinh tế, tài chính, sư phạm… không tìm được việc làm do đào tạo vượt nhu cầu của thị trường, gây lãng phí lớn và bức xúc trong dư luận xã hội. Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp dịch vụ sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật hầu như chưa phát triển, chưa tạo môi trường tốt để thu hút lao động có chuyên môn kỹ thuật.
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bước đầu có khởi sắc trở lại, nhưng kết quả còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu; dự án cho vay hỗ trợ việc làm do không được bổ sung nguồn vốn, trong khi suất chi phí đầu tư tạo việc làm tăng lên nên số lượng người được tạo việc làm ngày càng giảm.
Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề chưa đạt chỉ tiêu do công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh học nghề, chất lượng đào tạo một số nghề chưa cao, một số lao động chưa ứng dụng được những kỹ năng đã học vào sản xuất; nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề chưa nhiều nên chưa tạo động lực cho người lao động học nghề; công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn bất cập, nguồn tuyển sinh để dạy nghề nghiệp không nhiều.
Từ thực tế như thế, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo như sau:
Trong lĩnh vực việc làm, với xu hướng nguồn cung lao động tiếp tục giảm, định hướng công tác giải quyết việc làm của tỉnh là chuyển từ mục tiêu “số lượng việc làm” sang “chất lượng việc làm”, điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý để khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nguồn nhân lực (kể cả thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài); nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh dự kiến giải quyết việc làm cho 90.000 - 95.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 18.000 - 19.000 lao động; ổn định tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%.
Đối với chính sách thu hút đầu tư, kiến nghị tỉnh thực hiện giải pháp từng bước điều chỉnh giảm cơ cấu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thay thế bởi các ngành có hàm lượng vốn, công nghệ với giá trị gia tăng cao nhằm tạo môi trường thu hút nhân lực có chuyên môn kỹ thuật người Tiền Giang về tỉnh làm việc; việc cấp phép đầu tư đối với các ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động nữ cần phải được cân nhắc ở quy mô hợp lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG về việc làm, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm theo Chương trình MTQG về việc làm mỗi năm từ 5.000 - 6.000 lao động, với mục tiêu chủ yếu là tạo thêm việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập thu nhập cho lao động khu vực nông thôn góp phần thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới.
Nghiên cứu xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động, tạo nguồn xuất khẩu lao động với những “sản phẩm” phù hợp với một số thị trường tỉnh có thế mạnh và đầu tư lâu dài, không dàn trải, chú trọng thị trường có thu nhập cao và nghiên cứu một số thị trường mới; thực hiện các biện pháp tạo nguồn, tư vấn, giáo dục định hướng; tiếp tục chính sách hỗ trợ chi phí và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài....
KHÁNH LINH