Thứ Hai, 28/12/2015, 14:34 (GMT+7)
.

Cửa ngõ Bình Đông

10 năm. Đó là khoảng thời gian gắn bó với TX. Gò Công, tuy không quá dài nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu về vùng đất “khu 2, vùng 3” - Bình Đông, nơi nằm ở cuối nguồn của vùng Ngọt hóa Gò Công. Dẫu rằng, đã có đến hàng chục chuyến đi về nhưng chúng tôi vẫn muốn quay lại khi Bình Đông đang đứng trước một cơ hội mới.

Cầu Mỹ Lợi đã tạo ra cơ hội mới cho xã Bình Đông.
Cầu Mỹ Lợi đã tạo ra cơ hội mới cho xã Bình Đông.

1. Ấn tượng của chúng tôi về vùng đất Bình Đông 10 năm trước, khi xã Bình Đông còn thuộc huyện Gò Công Đông, không phải vì những thương hiệu lạp xưởng hay món mắm nổi tiếng khắp vùng mà phần nhiều là từ một bài báo của anh bạn đồng nghiệp.

Đó là bài viết “Sa mạc giữa vùng ngọt hóa” được đăng tải vào năm 2005. Vùng đất Bình Đông đã được ghi lại:“Nắng, gió biển táp vào mặt nóng bừng, gió chướng thổi ù ù, mồ hôi tươm ra nhớt nhợt khắp cả người, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một vùng sa mạc. Một vùng đất kỳ lạ! Chúng tôi thật bất ngờ khi dừng xe gắn máy trước cổng Ấp Văn hóa Hồng Rạng, xã Bình Đông. Không một cây lúa. Cỏ hoang mọc đầy trên đồng đã chết khô tự bao giờ. Càng đi sâu vào bên trong ấp Hồng Rạng, cái cảm giác đi giữa sa mạc càng rõ hơn. Cây cối chết trơ cành. Đường làng vắng tanh. Một ít nước còn sót lại trong ao giờ đặc quánh màu đỏ pha đen như nước màu dừa dùng để kho thịt, cá”.

Và rồi câu chuyện được kết lại bằng việc người dân trong vùng bỏ xứ mà đi nơi khác để tìm kế sinh nhai vì không làm lúa được. Tất nhiên điều này không phải là tất cả của vùng đất Bình Đông mà chỉ phản ảnh một phần diện tích nằm ở cuối nguồn ngọt hóa. Nhưng nhìn chung, Bình Đông vẫn là một vùng đất khó, hay nói đúng hơn là rất khó. Và một thời gian dài Bình Đông là như thế.

Khi Dự án Ngọt hóa Gò Công được thực hiện, Bình Đông nằm trong “khu 2, vùng 3”. Nơi đây được xem là “túi phèn” do nằm ở cuối nguồn của dự án, nên một phần diện tích đất bị ảnh hưởng, bị nhiễm phèn rất nặng. Những vị cao niên ở vùng đất Bình Đông đã nhiều lần tâm sự với chúng tôi rằng, một thời gian dài rất nhiều diện tích đất người dân không thể sản xuất nông nghiệp.

Như thế, Bình Đông được xem là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nằm trong nhóm các xã vùng bãi ngang ven biển, tiềm năng kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Và tất nhiên là đời sống của người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cũng ở mức rất cao.

Gắn bó cả đời với vùng đất Bình Đông, ông Lê Minh Đức, ấp Cộng Lạc, tâm sự rằng, đời sống của người dân hôm nay đã được thay đổi rất nhiều. Trước đây, người dân xã Bình Đông luôn đối mặt với vô vàn khó khăn do chỉ độc canh cây lúa và mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ; bị ảnh hưởng của thủy triều và xâm nhập mặn. Từ khi tiếp nhận Chương trình Ngọt hóa Gò Công, từng bước khai thông thủy lợi, xổ xả phèn mặn, người dân đã cải tạo mặt bằng, thâm canh, tăng vụ.

Nhờ đó, ruộng lúa từ 1 vụ tăng lên 3 vụ mỗi năm, năng suất từ 3 tấn/ha tăng lên 7 tấn/ha. Riêng năm 2014, nhờ thực hiện chương trình Cánh đồng lớn, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa có nơi đạt 9 tấn/ha.

Nhờ nguồn nước ngọt, phong trào chăn nuôi cũng phát triển theo. Đối với diện tích đất nằm ngoài đê bao, bà con còn tận dụng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cho thu nhập khá cao. “Các tuyến đường giao thông trước đây lầy lội đến nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa” - ông Lê Minh Đức cho biết.

2. Chúng tôi lại về Bình Đông vào những ngày cuối năm 2015 trong tiết trời se lạnh của mùa Đông. Có lẽ khác với nhiều lần trước, cảm nhận của chúng tôi là Bình Đông hôm nay đã được khoác lên mình một diện mạo mới. Và giờ đây, chắc hẳn Bình Đông không còn được nói đến là xã thuần nông. Bởi cửa hàng kinh doanh, dịch vụ nhà nghỉ, hàng quán, nhà cửa khang trang đã được mở ra tấp nập...

Đó có lẽ là những điểm mới nhất của Bình Đông sau khi cầu Mỹ Lợi được khánh thành. Bà Nguyễn Lê Thanh, nhà gần chân cầu Mỹ Lợi nói với chúng tôi rằng, từ khi có cầu Mỹ Lợi bà con ở đây vui lắm. Người mở quán bán nước giải khát, ai có vốn khá thì mở nhà nghỉ để kinh doanh, người mở cửa hàng kinh doanh lạp xưởng, mắm... Xe cộ, hành khách qua lại tấp nập đã giúp bà con ở đây có điều kiện làm ăn hơn.

Công bằng mà nói, cầu Mỹ Lợi là 1 công trình có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội không chỉ cho TX. Gò Công mà cho các huyện phía Đông và cả tỉnh. Đó cũng là niềm mơ ước từ bao đời của người dân Gò Công để đoạn đường đi từ Gò Công đến Long An, TP. Hồ Chí Minh được thông suốt, rút ngắn được thời gian đi lại.

Chính vì ý nghĩa quan trọng đó, việc thực hiện bồi thường, thu hồi đất thực hiện dự án đường dẫn vào cầu Mỹ Lợi có một thời gian gặp rất nhiều khó khăn nhưng UBND TX. Gò Công đã tập trung giải quyết, kịp thời bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai thực hiện kịp tiến độ.

Ngày 29-8-2015, ước mơ từ bao đời của người dân Gò Công đã trở thành sự thật với cây cầu Mỹ Lợi được xây xong và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển giữa Gò Công với các tỉnh lân cận. Lúc này, Bình Đông mới thực sự được xem là cửa ngõ quan trọng của các huyện khu vực phía Đông của tỉnh.

Bình Đông đang đứng trước một cơ hội mới. Điều này là không sai. Nhưng tận dụng cơ hội như thế nào để vực dậy Bình Đông không phải là điều đơn giản. Chúng tôi cũng đã đề cập vấn đề này với lãnh đạo xã Bình Đông.

Ông Nguyễn Hồng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho rằng, Bình Đông trước nay là một xã thuần nông nghiệp. Xã có đến 920 ha sản xuất nông nghiệp, có nơi sản xuất được 3 vụ, có nơi 2 vụ (khu vực ấp Hồng Rạng và ấp Lạc Hòa); đặc biệt ấp Trí Đồ không có diện tích trồng lúa, chỉ có một phần diện tích nuôi trồng thủy sản.

Những năm gần đây, các dự án thủy lợi nội đồng được tập trung thực hiện, dòng nước được khai thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Đối với cây lúa, Bình Đông cũng đã và đang tham gia thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, tập trung ở ấp Cộng Lạc, được Công ty Lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên thu nhập của người dân tương đối ổn định hơn.

Ông Nguyễn Hồng Sang còn cho biết thêm, Bình Đông còn được biết đến là nơi có nghề xe nhang truyền thống; sản xuất lạp xưởng, mắm được tiêu thụ khắp nơi trên cả nước. Tất nhiên, sau khi khánh thành cầu Mỹ Lợi, cơ hội mới sẽ mở ra cho Bình Đông, nhất là cơ hội phát triển về công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn xã cũng đã quy hoạch 1 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp.

Mới đây, theo chỉ đạo của UBND TX. Gò Công, xã đã kết hợp với Phòng Kinh tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cắm mốc Cụm công nghiệp số 3, với diện tích 50 ha, bao gồm ấp Năm Châu và một phần diện tích của ấp Lạc Hòa. Khi khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành thu hút được nhiều nhà đầu tư, Bình Đông sẽ vực dậy tiềm năng kinh tế.

“Từ một xã thuần nông nghiệp, sản xuất gặp nhiều khó khăn, trước cơ hội mới, nhất là từ khi cầu Mỹ Lợi đi vào khai thác, Bình Đông sẽ từng bước tận dụng lợi thế, chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp đối với các khu vực đã được quy hoạch” - ông Nguyễn Hồng Sang cho biết.

PHƯƠNG ANH
 

.
.
.