Thứ Hai, 14/12/2015, 10:30 (GMT+7)
.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đây: Vươn lên từ gian khó

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Đây ở ấp 3, xã Cẩm Sơn là 1 trong 7 nông dân ở huyện Cai Lậy nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”. Ông còn là cựu chiến binh gương mẫu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đây xử lý sầu riêng nghịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Đây xử lý sầu riêng nghịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Đây bắt đầu tạo dựng cơ nghiệp với 1,6 công đất ruộng được cha mẹ cho khi ra riêng. Làm ruộng nhiều năm không hiệu quả vì sâu bệnh, mùa màng thất bát, ông và vợ phải thuê thêm ruộng, luân canh cây màu mới đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình 7 nhân khẩu. Cái khó không “buộc” được người nhiều nghị lực, sau nhiều năm cần mẫn lao động và tích lũy, vợ chồng ông đã có điều kiện mở rộng diện tích đất canh tác lên 8 công.

Kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Đây chỉ thật sự khởi sắc từ năm 2000 khi ông chuyển sang chuyên canh sầu riêng. Không đủ điều kiện chuyển đổi nên ban đầu, ông chỉ lên mô trồng 70 gốc sầu riêng RI 6 và Monthong, diện tích còn lại sạ lúa để lấy ngắn nuôi dài. Khi cây bắt đầu cho trái ổn định, thông qua Chi hội Nông dân ấp 3, ông Đây tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng biện pháp xử lý cây ra hoa nghịch vụ để đón giá.

Sau những vụ thu hoạch liên tiếp cho lãi khá, nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây sầu riêng trên đất vườn Cẩm Sơn, ông Đây tiếp tục mở rộng diện tích vườn chuyên canh loại cây trồng này. Không ngừng tích lũy kinh nghiệm, nhạy bén tiếp thu khoa học - kỹ thuật, năng suất mỗi vụ càng tăng, mẫu mã trái đẹp, bán được giá cao. Trung bình mỗi năm vườn cây của ông cho sản lượng hơn 10 tấn trái vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng.

Ông chia sẻ quá trình sản xuất: “Trong khâu phòng bệnh và chăm sóc cây, tôi ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có gốc sinh học và phân chuồng để tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Cũng như những nông dân chuyên canh sầu riêng khác, việc áp dụng cách xử lý cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ là chìa khóa hiệu quả mang lại thành công về kinh tế. Tuy nhiên, để tránh suy cây, tôi luôn để cây mang lượng trái vừa phải, sau thu hoạch chú trọng khâu chăm bón để cây mau phục hồi và cho năng suất cao trong vụ thu hoạch tiếp theo”.

Không chỉ chí thú làm ăn, ông Nguyễn Văn Đây còn là hội viên cựu chiến binh nòng cốt. Thành công trong sản xuất, kinh tế ổn định, ông san sẻ khó khăn với hộ nghèo bằng những phần quà nghĩa tình ngày giáp Tết, hỗ trợ cây giống, giúp vốn cho hộ khó khăn, đóng góp kinh phí xây dựng giao thông nông thôn...

Tham gia CLB “Chuyên canh sầu riêng” ở ấp 3, xã Cẩm Sơn, ông trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tích lũy được cho các thành viên để cùng phát huy lợi thế kinh tế từ mô hình chuyên canh cây sầu riêng.

Thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen càng tiếp thêm động lực cho ông Nguyễn Văn Đây lao động, sản xuất và làm giàu bằng đôi tay cần cù lao động trên quê hương, là nhân tố tích cực để những nông dân khác noi theo.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.