Thứ Tư, 30/12/2015, 13:52 (GMT+7)
.

Du lịch Tiền Giang một năm nhìn lại

Năm 2015, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động về chính trị và kinh tế, nhưng Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia ổn định, cùng chính sách hội nhập phát triển với các nước trên thế giới đã tác động thuận lợi đến du lịch Việt Nam.

Nhiều khách du lịch đã chuyển hướng đến các nước trong khu vực châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến đang thu hút mạnh khách du lịch quốc tế. Tất cả đã ảnh hưởng tích cực đến phát triển du lịch Tiền Giang.

Với cảnh quan sông nước, miệt vườn đặc trưng văn hóa Nam bộ, Tiền Giang đã thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch như: TP. Mỹ Tho, huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông…

Mặt khác, để hạn chế tình trạng trùng lắp sản phẩm với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp du lịch cùng cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế và hiệu quả cạnh tranh cao so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Du khách tham quan bằng đò chèo trên cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.
Du khách tham quan bằng đò chèo trên cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.

Khu vực TP. Mỹ Tho: Nằm cạnh dòng sông Tiền, với cù lao Thới Sơn là trung tâm thu hút khách du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh đều có tour du lịch đến TP. Mỹ Tho để du khách du thuyền trên sông Tiền, đi đò chèo trên kinh - rạch, nghe đờn ca tài tử, tham gia tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực địa phương trên cù lao và tham quan chùa Vĩnh Tràng, Trại rắn Đồng Tâm…

Khu du lịch cù lao Thới Sơn đã xây dựng được các điểm du lịch nhà vườn tiêu biểu, đặc trưng như: Nhà chú Tư Đàn, chú Ba Thảo, chú Năm Chánh…; đồng thời đã xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp The Island Lodge Thoi Son trên cù lao Thới Sơn và Khách sạn Mekong Mỹ Tho ở phường 4, đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng nhóm đối tượng khách du lịch.

Đặc biệt, vào mỗi dịp xuân về, các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều tour tham quan làng hoa xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho); tour về quê ăn Tết để du khách được trải nghiệm sinh hoạt truyền thống nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Năm 2015 Tiền Giang đón 1.515.000 lượt khách, trong đó có 517.000 lượt khách quốc tế. Riêng cù lao Thới Sơn đã đón 730.000 lượt khách, trong đó có 450.000 lượt khách quốc tế.   

Khu vực huyện Cái Bè, Cai Lậy: Với cảnh quan sông nước, vườn cây trái đặc sản: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, cam, bưởi, nhãn..., du khách thích thú khi tham quan chợ nổi, làng nghề truyền thống, thưởng thức các loại trái cây trên cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy và ở những điểm du lịch nhà vườn của chú Chín Thương, chú Năm On, chú Sáu Ca…

Đặc biệt là trải nghiệm nghỉ đêm trong các ngôi nhà ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè như: Nhà cổ ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt truyền thống mang bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam bộ.

Huyện Cái Bè đã xây dựng 2 khu resort nghỉ dưỡng cao cấp Mekong River Side ở xã Hòa Khánh và Mekong Flodge ở xã Đông Hòa Hiệp phục vụ nhu cầu khách du lịch với chất lượng cao. Năm 2015 các khu, điểm du lịch ở huyện Cái Bè, Cai Lậy đã đón 143.000 lượt khách tham quan.

Khu vực biển Gò Công: Vùng đất địa linh nhân kiệt, có lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định; lăng Hoàng Gia, lăng mộ dòng họ bên vợ vua Tự Đức ở TX. Gò Công; cùng Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển Tân Thành của huyện Gò Công Đông, du khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các món ăn hải sản, kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề tủ thờ, mắm tôm chà, vườn sơ ri Gò Công.

Từ khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành, nối liền 2 bờ Tiền Giang - Long An, đã góp phần gia tăng lượng du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng Gò Công. Năm 2015, Khu vực biển Gò Công đã đón 61.500 lượt khách du lịch.

Ngoài 3 khu vực chính nêu trên, các điểm du lịch khác và các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống như: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc ở TX. Cai Lậy; lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút ở huyện Châu Thành; lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân; lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng… thu hút nhiều lượt khách du lịch.

Năm 2015, Sở VH-TT&DL phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch cùng các doanh nghiệp đã khảo sát Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước. Với cánh đồng mênh mông rộng 107 ha rừng tràm, hệ sinh thái ngập nước độc đáo, gắn với Khu Thiền viện Trúc lâm Chánh giác để mở tour du lịch “sinh thái - tâm linh” mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình của vùng Đồng Tháp Mười.

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các cơ sở phục vụ du lịch đã không ngừng phát triển. Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 51 đơn vị kinh doanh lữ hành; 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; 24 khu, điểm du lịch chính; 14 làng nghề truyền thống; 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy (có 320 đò chèo); 252 cơ sở lưu trú du lịch, 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp; cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó có 3 ngôi nhà cổ gần 100 năm), đủ đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách.

Thực tế cho thấy, du lịch Tiền Giang mặc dù cũng còn những điều trăn trở, nhưng thời gian qua đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng, mật ong, hàng thủ công mỹ nghệ…, tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển như ăn uống, bán hàng lưu niệm, trái cây đặc sản địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Điều quan trọng là, từ lợi ích thiết thực mang lại đã tạo điều kiện nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và phát huy giá trị bản sắc văn hóa địa phương.

Hy vọng trong năm 2016 với những thuận lợi, du lịch Tiền Giang sẽ có nhiều khởi sắc, không ngừng phát triển và ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

TẤN PHONG

.
.
.