GCĐ: Sóng biển đang uy hiếp nhà dân, xâm thực mạnh rừng phòng hộ
Gió biển thổi mạnh trong nhiều ngày qua đã làm cho những hộ dân sống ven biển thuộc ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) luôn thắc thỏm lo sợ theo từng cơn sóng triều. Còn về phía Bắc, rừng phòng hộ cũng đang bị xâm thực từng ngày, tạo nên những vạt rừng “loang lổ”, đe dọa sự an toàn của đê biển Gò Công.
Rừng phòng hộ đang bị xâm thực nghiêm trọng. |
NƠM NỚP MÙA GIÓ BIỂN
Chúng tôi về xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) trong một ngày đầu tháng 12. 15 giờ, gió biển thổi về đất liền như càng lúc mạnh hơn, mang theo những con sóng triều mỗi lúc lớn hơn. Tại xóm nhỏ ven biển ở ngoài đê của ấp Cầu Muống, biển đã tiến sát đến nhà dân. Cách điểm tiếp giáp giữa biển và đất liền hiện tại khoảng 10 m về phía biển là vài ba tấm tường hay trụ cây đứng chổng chơ còn sót lại của 2 ngôi nhà sau những đợt tàn phá của sóng biển.
Gần đó là những ao, đầm nuôi thủy sản của người dân đã bị san phẳng. Cái xóm nhỏ ven biển nhộn nhịp ngày nào đang thưa dần và nhô ra biển như một bán đảo không hơn không kém. Người dân nơi đây đang từng ngày đối mặt với sự uy hiếp của nước triều và sóng biển.
Chị Đặng Thị Mai đang sống trên nền nhà bị nước triều và sóng biển xâm thực hàng ngày cho biết, trước đây bờ biển cách nhà của chị trên 100 m và có 7 - 8 căn hộ sinh sống ở ngoài đó, nhưng giờ bờ biển đã tiến đến sát nhà rồi. Năm nào cũng vậy, mùa gió biển đến là khu vực này bị xói lở dữ dội. Năm nay, gió biển sớm và mạnh nên tình hình xói lở xảy ra mạnh hơn.
“Vừa rồi, tôi phải thuê người lấy xà bần từ những căn nhà bị hỏng để kè lại nền nhà. Tình hình thế này, không biết căn nhà của tôi có trụ được đến đầu năm tới hay không” - chị Mai lo lắng.
Cứng hóa mặt và lát mái bảo vệ đê. |
Chúng tôi đi tiếp về phía Nam, nơi có căn nhà nhỏ đang nằm cheo leo bên những ao, đầm nuôi thủy sản đã bị tan hoang do nước biển xâm thực. Chú Phan Minh Hùng cho biết: “Trước con nước rằm tháng 9, mấy ao nuôi nghêu giống của tôi còn cách biển 50 m mà giờ đã bị nước biển san bằng và tiến sát đến tận căn chòi này rồi. Nhanh quá!”.
Anh Võ Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều và Rừng phòng hộ cho biết, mỗi năm cứ đến những tháng cuối năm và đầu năm là thời điểm bờ biển bị xói lở rất mạnh. Đặc biệt năm nay, tình hình xói lở bờ biển và xâm thực rừng phòng hộ xảy ra mạnh hơn, đe dọa đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân sinh sống ven biển, cũng như đê biển Gò Công.
“Từ ấp Cầu Muống đến ấp Đèn Đỏ (dài khoảng 2,5 km), nhiều nơi bị biển lấn sâu về phía đất liền cả trăm mét, có nơi biển tiến sát đến đường dân sinh. Nếu xử lý không kịp thời, các hộ dân đang sống ở ngoài đê sẽ rất nguy hiểm” - anh Phong cho biết.
Chị Đặng Thị Mai, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành lo lắng không biết căn nhà mình có an toàn qua năm sau không. |
RỪNG PHÒNG HỘ BỊ XÂM THỰC QUÁ NHANH
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2007 - 2011, diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực trên 68,6 ha. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực nghiêm trọng hơn, trên 174 ha. Hiện tại, đai rừng còn rất mỏng, khoảng từ 10 - 250 m; có một số nơi bề dày đai rừng chỉ còn từ 4 - 20 m.
Các vị trí còn lại của đai rừng đang tiếp tục bị xói lở và thu hẹp dần. Hạt Quản lý Đê điều và Rừng phòng hộ cho biết, hàng năm rừng bị xói lở từ 10 - 15 m, nhưng năm nay tốc độ xói lở nhanh hơn, khoảng 20 - 25 m.
Từ đó, các ngành chức năng cảnh báo, trong thời gian tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, với tốc độ xâm thực rừng như hiện tại, nếu không có biện pháp bảo vệ các đoạn rừng còn lại và khôi phục các đoạn rừng đã mất phía ngoài đê biển Gò Công thì rừng ngập mặn sẽ bị mất hoàn toàn vào khoảng năm 2020. Lúc đó, toàn bộ tuyến đê biển Gò Công sẽ trực diện với Biển Đông (nguy cơ đê biển bị xói lở vào mùa mưa bão rất cao), đe dọa đến sản xuất và người dân phía trong đê.
Trước tình hình này, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển rừng phòng hộ, nâng cấp đê biển. Cụ thể, theo Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã lập Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công với tổng mức đầu tư 887 tỷ đồng, gồm các công trình nâng cấp trên 21 km đê biển, nâng cấp trên 75 km đê sông; xây dựng và sửa chữa các cống dưới đê; cứng hóa mặt đê đoạn xung yếu; gây bồi để trồng rừng ở những đoạn bị mất rừng.
Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên đến nay tỉnh chỉ mới triển khai thực hiện các công trình như đắp đất đê biển, xây dựng và sửa chữa các cống dưới đê; cống Rạch Bùn mới và nhà quản lý; cầu qua kinh 3 nối với đê dự phòng nhánh 2; đê nhánh 2, đê nhánh 3 và các cống dưới đê; xử lý đoạn kè mái đê biển Gò Công bị sạt, xói lở và lún sụp; kè chắn sóng bảo vệ mái đê biển; làm mặt đường bê tông và lát mái bê tông ở phía bên trong đồng.
Ao nuôi nghêu giống đã bị nước biển san phẳng. |
Dù vậy, theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, gần đây tình hình xâm thực rừng phòng hộ diễn ra nhanh hơn dự tính nên nguy cơ đe dọa an toàn của đê biển rất lớn. Vì thế, tỉnh đã điều chỉnh lại Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công để đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, các công trình cần thực hiện khẩn cấp trong thời gian tới là cứng hóa mặt đê biển đoạn còn lại, thay thế cầu giao thông trên cống Rạch Bùn cũ, kè chắn sóng bảo vệ mái đê biển và xây dựng tuyến đê dự phòng.
Song, theo ông Pháp, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, để phát triển bền vững rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển, cần đầu tư Dự án Chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển. Nếu giải pháp “kè mềm” này được thực hiện thì rừng phòng hộ mới có khả năng phục hồi, bảo vệ bền vững đê biển Gò Công, đảm bảo cho đê biển chịu được bão đến cấp 9.
“Có thể nói, hiện nay các giải pháp trước mắt và lâu dài đối với rừng phòng hộ, đê biển đều đã có, nhưng vấn đề ở chỗ là nguồn vốn thực hiện các hạng mục, dự án trên” - ông Pháp chia sẻ.
NGÔ VĂN
Trước tình trạng nước biển gây xói lở ở khu vực ven biển của huyện Gò Công Đông, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho di dời 47 hộ sống ở ngoài đê có nguy cơ bị nước biển gây xói lở vào trong đê. Bộ NN&PTNT đã chấp nhận chủ trương trên nhưng chưa có nguồn vốn để thực hiện. Để giải quyết khó khăn về vốn, trong tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 405 tỷ đồng để kè mái đê ở những nơi rừng phòng hộ không còn hoặc còn nhưng rất mỏng; cứng hóa mặt đê biển; “kè mềm” để chống xói lở, gây bồi và trồng lại cây chắn sóng bảo vệ mái đê ở những đoạn xung yếu. |