Một năm chuyển mình mạnh mẽ của VNPT
Sau một thời gian dài “ngủ yên”, năm 2015 thị trường viễn thông chứng kiến sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
VNPT hiện không còn là doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế trên thị trường viễn thông. Đây chính là điểm mấu chốt để VNPT đưa ra các chiến lược kinh doanh nhằm chiếm lại thị phần một cách “danh chính ngôn thuận”.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT nhận định: Trước đây đúng là các đối thủ lấy thị trường như đi vào chỗ “vườn không nhà trống” hoặc gặp phải sự chống trả yếu ớt từ phía VNPT. Tuy nhiên, sau khi VNPT tái cơ cấu và đầu tư quyết liệt cho mạng lưới thì cán cân bắt đầu trở nên ngang bằng. “Trong năm qua, chúng tôi đã làm được một số việc và có kết quả tăng trưởng tốt nhưng VNPT vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - ông Phạm Đức Long cho biết.
Nhóm tác giả Hệ thống bệnh viện điện tử của VNPT Tiền Giang nhận Giải Nhân tài đất Việt năm 2015. |
Khi bàn về chiến lược đầu tư của VNPT, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, VNPT đã quyết tâm giải quyết vấn đề này bằng việc đầu tư mạnh cho mạng lưới. VNPT đã chỉ đạo các viễn thông tỉnh, thành phối hợp với VinaPhone để mở rộng vùng phủ sóng.
Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2015, VNPT đã lắp thêm 10.000 trạm 3G. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của VNPT từ trước đến nay. Trạm 3G này có ưu thế là vùng phủ rộng thậm chí gấp 3 lần 1 trạm 3G dùng băng tần 2.1 GHz cho các nhà mạng trước đó. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã nâng cấp thêm 3.000 trạm thu phát sóng 3G hiện có.
Như vậy, VNPT đã có vùng phủ sóng 3G rộng nhất, với mật độ phủ chiếm 90% diện tích Việt Nam. VNPT cũng đầu tư mạng cáp quang không thua kém đối thủ cạnh tranh nào. Đây sẽ là cơ sở để VNPT bứt phá trong thời gian tới.
Từ những chiến lược đầu tư thời gian qua, các chỉ tiêu kinh doanh của VNPT đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2015, VNPT đạt tổng doanh thu 89.122 tỷ đồng, giảm 11.933 tỷ đồng so với năm 2014, nhưng doanh thu năm 2015 của VNPT không còn tính doanh thu của MobiFone nữa. Một điểm nhấn của VNPT trong năm 2015 là lợi nhuận tăng rất cao khi đạt tới mức tăng trưởng 20% so với năm 2014, đạt được là 3.280 tỷ đồng.
Đây là con số khá ấn tượng của VNPT. Để đạt được những kết quả kinh doanh trong năm 2015, VNPT đã đồng thời đổi mới công tác quản trị, điều hành sản xuất - kinh doanh với việc áp dụng đồng bộ các công cụ quản trị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Nhiều giải pháp kinh doanh được VNPT triển khai đồng bộ, các cơ chế kinh tế nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho các đơn vị tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh đã được xây dựng và ban hành. Có thể nói, các giải pháp và chính sách kinh doanh được VNPT ban hành trong năm 2015 đã góp phần tạo ra mức tăng trưởng khá so với năm 2014, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận.
Năm 2015 cũng được ghi nhận là năm VNPT cho ra mắt hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, tạo điểm nhấn cho công nghệ công nghiệp ICT Việt Nam. Tất cả sản phẩm đều được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi đội ngũ cán bộ của Tập đoàn. Sau tái cơ cấu, VNPT đã tổ chức lại đội ngũ chuyên biệt trong phát triển dịch vụ giá trị gia tăng.
Nhờ đó, VNPT đã phát huy được nội lực và tự phát triển được các sản phẩm Platform dịch vụ, tiêu biểu như: Hệ thống truyền hình tương tác đa màn hình trên công nghệ IPTV (VMP), hệ thống Nhạc chuông chờ cho người gọi (RRBT)… khẳng định VNPT đã làm chủ các công nghệ nền tảng cho dịch vụ giá trị gia tăng mà trước kia phải hợp tác, phải thuê, mua của nước ngoài với trị giá nhiều triệu USD.
Trong năm, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT với Tập đoàn Becamex, Tổng Công ty Xăng dầu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Ngân hàng Techcombank, BIDV, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 UBND tỉnh, thành. Tính đến thời điểm hiện tại, VNPT đã có thỏa thuận hợp tác với 42 UBND tỉnh, thành, bộ, ban, ngành và doanh nghiệp lớn” - ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho biết.
Với mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường CNTT, năm 2015 VNPT đã phát triển và cung cấp ra thị trường nhiều dịch vụ, giải pháp CNTT có sự khác biệt của VNPT như: Hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống hành chính công một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử.
Riêng Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện VNPT HIS đã triển khai tại 3 cơ sở tuyến Trung ương, 103 cơ sở tuyến tỉnh, 284 cơ sở tuyến huyện, 57 phòng khám khu vực và 3.187 trạm y tế xã, phường. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thông tin giáo dục VNEdu đã được triển khai tại hơn 8.000 trường với gần 3 triệu học sinh. VNPT cho biết đã đề ra chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2016 có mức lợi nhuận tăng 15% và doanh thu tăng 8% so với thực hiện năm 2015.
VNPT Tiền Giang cũng đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của VNPT. Một trong những điểm nhấn quan trọng của VNPT Tiền Giang là Hệ thống bệnh viện điện tử. Đây là thành quả nghiên cứu của nhóm 4 thành viên thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Tiền Giang đã và đang được triển khai rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vừa đoạt giải Ba Nhân tài Đất Việt năm 2015.
Từ đầu năm 2015 đến nay, hệ thống này đã được nhiều đơn vị y tế tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hưng Yên, Tây Ninh và Bình Phước triển khai ứng dụng rộng rãi. Hiện hệ thống bệnh viện điện tử đã được áp dụng tại 166/166 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh có chức năng khám chữa bệnh BHYT.
NHÓM PVKT