Thứ Tư, 30/12/2015, 13:55 (GMT+7)
.

Những chặng đường vẻ vang của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Với chặng đường 70 năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và gần 40 năm xây dựng, trưởng thành của Sở KH-ĐT Tiền Giang, thời gian không phải là dài, nhưng cũng đủ để ngành KH-ĐT Tiền Giang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triền kinh tế - xã hội (KT-XH), đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN)…

Ông Nguyễn Văn Khang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Khang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các các nhà đầu tư.

1. Ngay sau khi được thành lập ngày 3-3-1976, Ủy ban Kế hoạch tỉnh bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ I của tỉnh giai đoạn 1976 - 1980. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch, nhưng các kế hoạch của tỉnh đề ra đã thu được kết quả tương đối khả quan, góp phần khắc phục một bước hậu quả chiến tranh, khôi phục lại các cơ sở sản xuất bị tàn phá, cải tạo sản xuất nông nghiệp, tạo nên sự chuyển biến ban đầu về mọi mặt trong đời sống KT-XH của nhân dân trong tỉnh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đánh dấu một bước ngoặt lịch sử về đổi mới tư duy và đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang chủ động vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng. Công tác kế hoạch của tỉnh cũng từng bước chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kế hoạch định hướng, coi trọng việc xây dựng các quy hoạch, chiến lược và kế hoạch trung dài hạn.

Trong giai đoạn này, ngành KH-ĐT Tiền Giang đã tham mưu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh 1990 - 2000; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng một số chương trình, dự án trọng tâm đã góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh, như: Dự án Ngọt hóa Gò Công, với tổng vốn đầu tư trên 325 tỷ đồng; dự án đi vào khai thác, điều kiện sản xuất được cải thiện, tạo động lực phát triển KT-XH trên địa bàn. Hay Chương trình Khai hoang Đồng Tháp Mười nhằm khai thác tiềm năng dồi dào do thiên nhiên ban tặng, đây là khởi đầu để huyện mới Tân Phước hình thành, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, dựa vào vị thế và tiềm năng của mình, tỉnh đã có những định hướng đầu tư đúng đắn để phát triển toàn diện trên lĩnh vực: Ngành Công nghiệp chế biến (hình thành các cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu), xây dựng, các ngành dịch vụ... Chính vì vậy, nhiều DN mới ra đời những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX nhưng đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ như: Xí nghiệp Cơ khí 1-5, Nhà máy Thức ăn gia súc Mỹ Tường thuộc Xí nghiệp Liên hiệp chăn nuôi, Xí nghiệp Liên hợp Rau quả, Xí nghiệp Liên hợp Dừa Tiền Giang, Xí nghiệp May Mỹ Tho...

2. Năm 1987, UBND tỉnh ra quyết định sáp nhập Ban Phân vùng Kinh tế của tỉnh vào Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Lúc này, Ủy ban Kế hoạch tỉnh được bổ sung thêm chức năng tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Giai đoạn này, bên cạnh việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm, ngành Kế hoạch của tỉnh còn phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1990 - 2000; giai đoạn 2001 - 2010 của tỉnh, các huyện trong tỉnh và các quy hoạch phát triển ngành.

Đánh dấu sự thành công giai đoạn này chính là việc ngành KH-ĐT phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh hình thành Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho vào năm 1997, làm cơ sở và tiền đề phát triển nhanh ngành Công nghiệp của tỉnh. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, KCN Mỹ Tho hiện đã được lấp đầy, với 27 DN đang hoạt động, giải quyết việc làm gần 10.000 lao động.

Tháng 9-1994, UBND tỉnh ra quyết định nhập bộ phận “Đăng ký kinh doanh” từ cơ quan Trọng tài Kinh tế của tỉnh về Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Từ đây, Ủy ban Kế hoạch tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ xét duyệt cho thành lập DN và đăng ký kinh doanh. Tiếp theo là Quyết định 852 ngày 28-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương, trong đó có Sở KH-ĐT cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Ngày 30-3-1996, UBND tỉnh ban hành Quyết định 473 về việc thành lập Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Ban Đối ngoại và Hợp tác Đầu tư với Ủy ban Kế hoạch tỉnh.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới trong sự nghiệp phát triển đất nước, ngành KH-ĐT đã không ngừng vươn lên, tự đổi mới mình, cả về tư duy kinh tế, phương pháp kế hoạch hóa và cách tổ chức triển khai công tác nghiên cứu xây dựng kế hoạch. Cùng với hệ thống kế hoạch toàn ngành, Sở KH-ĐT Tiền Giang đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm về định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, với sự tham gia của các ngành, các cấp.

Song song đó, cùng với cả nước năm 1990 ngành KH-ĐT Tiền Giang bắt đầu áp dụng hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA) thay cho bản cân đối Kinh tế Quốc dân (MPS). Đây là bước chuyển quan trọng nhằm đánh giá sát thực với tình hình phát triển KT-XH của địa phương và phù hợp quá trình hội nhập quốc tế.

3. Năm 1996 đến năm 2000 là giai đoạn các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài từng bước được hình thành, phát triển nhanh, mạnh, tạo sự đổi mới đáng kể của lực lượng sản xuất. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ này đạt 8,1%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14,2%/năm, sản lượng lương thực đạt 1,3 triệu tấn, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiếp tục phát huy thế mạnh các ngành Công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ và hướng vào xuất khẩu.

Các định hướng lớn và các chính sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế được quan tâm. Giai đoạn 1995 - 2000, Tiền Giang đã thu hút 10,9 triệu USD từ nguồn vốn ODA và thu hút được 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 42,7 triệu USD.

Nhiều phần thưởng cao quý

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ những người công tác trong ngành KH-ĐT đã được tôi luyện qua từng thời kỳ, luôn phấn đấu để trưởng thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Với những thành tích đạt được, Sở KH-ĐT Tiền Giang đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; 1 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; liên tục được công nhận “đơn vị hoàn thành xuất nhiệm vụ” gần 30 năm qua, được UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ luân lưu hàng năm; 1 Cờ luân lưu và 5 Bằng khen của Bộ KH-ĐT; 4 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 11 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từ năm 2001 đến nay, Tiền Giang phát huy mạnh mẽ vai trò là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến đổi mới hoạt động của ngành KH-ĐT toàn diện và sâu sắc nhất, bám sát yêu cầu đặt ra trong sự nghiệp đổi mới.

Việc hình thành và hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: 4 Cụm công nghiệp (Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận và An Thạnh) và 4 KCN (KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp) đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp Tiền Giang đạt cao nhất so với những năm trước. Hiện nay, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp toàn tỉnh đạt 81.570 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 1997 (thời điểm vừa hình thành KCN Mỹ Tho, là KCN đầu tiên của tỉnh).

Điều đáng ghi nhận là năm 2013 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD và hiện nay đạt 1,76 tỷ USD, là một trong các chỉ tiêu về đích sớm hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của tỉnh đề ra.

Các dự án mang tính chiến lược ra đời, vừa đáp ứng theo chủ trương lớn của Trung ương vừa là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển như: Dự án Đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; đường điện 500 KV, nâng cấp Quốc lộ 50 và xây dựng cầu Mỹ Lợi, nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo, dự án BOO nước Đồng Tâm, hay dự án bờ kè sông Tiền, đường tỉnh 865, 864...; cùng với các công trình y tế, giáo dục như: Bệnh viện Phụ sản, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Y tế, Trường THPT Chuyên Tiền Giang, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Khách sạn MeKong...

Điều này khẳng định, Sở KH-ĐT với vai trò của mình đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa các cơ sở kinh tế.

Quan điểm nhất quán của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, có năng lực thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Song song đó là các chính sách ưu đãi, chính sách khuyến khích các thành phần tham gia phát triển KT-XH. Đó là động lực mạnh mẽ đẩy nhanh công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh thu hút được 11 dự án, với tổng vốn 2.200 tỷ đồng, hiện nay Tiền Giang đã thu hút 231 dự án, với tổng vốn 48.608 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần so với năm 2000...

THẾ ANH

.
.
.